Năm 2020 – Tăng thu nhập cho người sản xuất lúa gạo

ThienNhien.Net – Mục tiêu đến năm 2012 sẽ chấm dứt tình trạng thiếu đói lương thực của người dân. Và đến năm 2020, thu nhập của người sản xuất lương thực cao hơn 2,5 lần hiện nay. Đây là những mục tiêu quan trọng trong Nghị quyết số 63/NQ-CP về đảm bảo an ninh lương thực quốc gia được Chính phủ ban hành ngày 23/12/2009.


Xác định đây là vấn đề trọng đại của đất nước nên Chính phủ yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện, phát huy lợi thế về cây lúa, tổ chức tốt hệ thống mua, bán và dự trữ ở các vùng miền. Bảo đảm thu nhập cho người sản xuất lương thực và tạo điều kiện cho các địa phương thuần nông phát triển.

Diện tích đất lúa phải giữ là 3,8 triệu ha

Xác định cây lúa là thế mạnh, do vậy Chính phủ quy hoạch diện tích đất lúa đảm bảo đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030 là khoảng 3,8 triệu ha. Trong đó, 3,2 triệu ha là đất lúa sản xuất 2 vụ trở lên, có thủy lợi hoàn chỉnh. Diện tích này cần được giữ, bảo vệ nghiêm ngặt và được lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất lúa đến từng hộ sử dụng.

Nhà nước cũng sẽ tăng cường năng lực cho nghiên cứu khoa học, khuyến nông… liên quan đến an ninh lương thực bằng cách tăng ngân sách hàng năm đầu tư cho lĩnh vực này khoảng 10-15% so với hiện nay.

Bên cạnh đó, tăng cường đào tạo nông dân về khoa học kỹ thuật và kiến thức quản lý theo phương thức phù hợp để nâng cao hiệu quả sản xuất lương thực và tăng thu nhập. Đến năm 2020, 50% người sản xuất lương thực đã qua đào tạo.

Đảm bảo người trồng lúa có lãi trên 30%

Thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm chi phí sản xuất để đảm bảo cho người sản xuất lúa gạo có lãi trên 30% so với giá thành sản xuất là mục tiêu quan trọng của Chính phủ. Bên cạnh đó, cần có các biện pháp khuyến khích nông dân giữ đất lúa, không để xảy ra tình trạng lấy đất lúa làm khu công nghiệp, sân golf, kinh doanh dịch vụ…

Chính phủ cũng tiếp tục thực hiện những chính sách hỗ trợ nông dân xây dựng ruộng bậc thang ở miền núi, nhằm làm tăng thêm diện tích trồng lúa, đảm bảo lương thực cho vùng sâu, xa.

Tránh tình trạng hiện nay tại một số địa phương, lúa thu hoạch xong, không có kho chứa theo quy chuẩn, dẫn đến việc chất lượng gạo bị giảm thấp, Nghị quyết Chính phủ nêu rõ yêu cầu khẩn trương triển khai dự án đầu tư xây dựng kho chứa lúa gạo, đến năm 2012 phải hoàn thành việc xây dựng kho chứa 4 triệu tấn đã được quy hoạch.

Đề xuất thành lập Ủy ban An ninh Lương thực Quốc gia

Một vấn đề quan trọng của sản xuất lương thực là hoàn thiện hệ thống lưu thông, xuất khẩu và tiêu thụ hợp lý. Vì vậy, Bộ Công Thương phải xây dựng cơ chế điều hành sản xuất, xuất khẩu lương thực linh hoạt. Kết hợp tốt giữa dự trữ lưu thông và dự trữ Nhà nước để đảm bảo yêu cầu cứu trợ lương thực, thực phẩm trong trường hợp khẩn cấp.

Chính phủ cũng yêu cầu trong quý I/2010, Bộ Tài Chính phải đưa ra được mức đề xuất hợp lý lượng lúa gạo dự trữ quốc gia và lượng lúa gạo lưu thông; sớm hoàn thành Đề án bảo hiểm nông nghiệp, trước mắt là bảo hiểm sản xuất lúa gạo trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Để kiện toàn và có hệ thống giám sát an ninh lương thực quốc gia một cách đầy đủ, quy chuẩn, Chính phủ giao Bộ Nội Vụ nghiên cứu đề xuất thành lập Ủy ban An ninh Lương thực Quốc gia.

Hiện nay, nước ta là một trong những quốc gia có nền an ninh lương thực tương đối vững vàng với sản lượng gạo xuất khẩu đứng thứ 2 thế giới. Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, tính đến thời điểm đầu tháng 12/2009, số lượng gạo đăng ký xuất khẩu của Việt Nam đã lên tới hơn 6,7 triệu tấn.

Một số thông tin số liệu về vấn đề an ninh lương thực quốc gia:

– Sản lượng lương thực có hạt tăng bình quân 3,7%/ năm trong giai đoạn 2001-2008, cao hơn khoảng 3 lần tốc độ gia tăng dân số trong cùng thời kỳ.

– Sản xuất lúa gạo đã đảm bảo nhu cầu trong nước và xuất khẩu bình quân khoảng 4-5 triệu tấn gạo/năm; gia tăng đáng kể sản lượng thực phẩm từ rau màu, quả, sản phẩm chăn nuôi và thủy sản.

– Tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng đã giảm từ 25% vào năm 2005 đến năm 2008 còn 20%, đạt trước mục tiêu kế hoạch của năm 2010.