FFI sẵn sàng giúp Việt Nam bảo tồn voi

ThienNhien.Net – Nạn săn bắn trái phép gia tăng, môi trường sống bị thu hẹp, công tác bảo tồn chưa được chú trọng đúng mức… là những nguyên nhân chính khiến quần thể voi ở Việt Nam ngày càng suy giảm. PGS.TS Lê Xuân Cảnh, Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật cảnh báo, quần thể voi hoang dã ở nước ta nay chỉ còn khoảng 80 con, giảm 18 – 25 lần so với số lượng voi năm 1994 (1.500 – 2.000 con).

Voi rừng Việt Nam đã được xếp vào Sách Đỏ của thế giới, đồng thời cũng là một trong những loài động vật hoang dã bị đe dọa tuyệt chủng cao nhất.

Theo ông Matt Maltby, chuyên gia động vật học người Anh, Cố vấn trưởng Dự án Bảo tồn voi do Tổ chức Bảo vệ Động Thực vật Quốc tế (FFI) tài trợ tại Campuchia, môi trường ở Việt Nam và Campuchia giống nhau nên hoàn toàn có thể bảo tồn loài voi hiệu quả. Tuy nhiên, Việt Nam cần phải thực hiện hài hòa, tổng hợp các giải pháp, không được xem nhẹ giải giáp nào, đặc biệt cần xác định tính bền vững về đa dạng sinh học thì mới có những giải pháp hữu hiệu.

Ông Matt Maltby khẳng định, FFI luôn sẵn sàng giúp đỡ Việt Nam trong việc bảo tồn voi hoang dã…

 

Trong khi đó, nhiều chuyên gia trong nước lại cho rằng, muốn bảo tồn voi rừng, chúng ta phải nhanh chóng xây dựng dự án bảo tồn voi (đã được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2006) cho tỉnh Đồng Nai, Đăk Lăk và Nghệ An. Bên cạnh đó, cần vận động, hỗ trợ các đối tượng bỏ nghề săn voi và áp dụng các biện pháp (chuyển đổi cây trồng, xây dựng hàng rào điện tử sử dụng pin mặt trời…) để hạn chế sự phá hoại của voi.

Được biết, tháng 7 vừa qua đã xảy ra hiện tượng hàng loạt voi rừng thuộc khu bảo tồn Đồng Nai bị chết không rõ nguyên nhân, khiến số lượng voi tại địa phương này giảm hẳn, chỉ còn 10 con. Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á thuộc Hội Nghiên cứu Đông Nam Á Việt Nam và Bảo tàng tỉnh Đồng Nai đã nảy ra sáng kiến bảo quản và tôn tạo các bộ xương voi này thành các tiêu bản trưng bày, nghiên cứu sinh động phục vụ nhu cầu hiểu biết và nâng cao ý thức bảo tồn di sản của nhân dân cũng như nhu cầu học tập, nghiên cứu khoa học.