ThienNhien.Net – Đập Tam Hiệp trên dòng sông Dương Tử của Trung Quốc là công trình thủy điện lớn nhất, đồng thời cũng gây nhiều tranh cãi nhất thế giới. Là niềm tự hào của những nhà xây dựng đập, biểu tượng của sự phát triển kinh tế và kỹ thuật Trung Quốc, song dự án đã vấp phải vô vàn sự phản đối mạnh mẽ của giới môi trường và người dân.
Các nhà quản lý dự án ca ngợi đập Tam Hiệp như một biểu tượng của sự phát triển kinh tế kỹ thuật khi cho rằng công trình thủy điện này sẽ thay thế hơn 30 triệu tấn than mỗi năm và phát triển vận tải đường thủy trên sông Dương Tử. Hơn thế, con đập sẽ giúp ngăn chặn lũ quét trong thung lũng Dương Tử và nâng cao đời sống dân cư quanh vùng. Tuy nhiên, các nhà khoa học đầu ngành đã lên tiếng cảnh báo về những hiểm họa môi trường mà dự án có thể gây ra
Song rút cuộc dự án vẫn được Quốc hội Trung Quốc thông qua năm 1992 với số phiếu trắng cao kỷ lục.
Con đập bắt đầu được xây dựng từ năm 1994 và hoàn thành 12 năm sau đó. Nhà máy thủy điện với công suất 18.200 MW đã được đưa vào hoạt động chính thức tháng 10 năm 2008. Mực nước hồ chứa Tam Hiệp đạt chiều cao tối đa một năm sau đó. Sáu máy phát điện bổ sung hiện nay đang được lắp đặt và dự kiến hoàn thành vào năm 2012.
Dự án di dân khổng lồ
Đập Tam Hiệp được xây dựng tại khu vực đông dân cư nhất thung lũng Dương Tử, trở thành một trong những dự án di dân lớn nhất thế giới, nhấn chìm 13 thành phố, 140 thị trấn và 1.350 ngôi làng.
Khi triển khai dự án, chính quyền đã hứa hẹn cấp đất cho nông dân và tạo việc làm mới cho dân thành thị. Tuy nhiên, khi dự án tái định cư khởi động, rất nhiều doanh nghiệp nhà nước đã phải đóng cửa thay vì tạo công ăn việc làm mới. Trong khi đó, người dân than phiền rằng số tiền đền bù họ nhận được không đủ mua nhà mới.
Một số thành phố mới như Tân Phong Đô đã vượt qua giai đoạn “sốc” tái định cư và khôi phục lại nền kinh tế. Tuy nhiên, ở Vân Dương, chỉ có 45 trong tổng số 181 nhà máy được di dời tới vùng cao hơn, còn lại rất nhiều nhà máy buộc phải đóng cửa trong thời gian chờ đợi di dời. Khoảng 20.000 người đã bị thất nghiệp. Nhiều người dân đã phải dùng tiền tiết kiệm để mua nhà và mất khả năng đầu tư trong tương lai.
Thực tế cho thấy, các quan chức địa phương đã “hô biến” số tiền đền bù và tái định cư thành tài sản riêng trong túi họ. Số tiền bị tham nhũng ước tính lên đến 12% ngân quỹ tái định cư. Chính phủ Trung Quốc đã điều tra hàng trăm quan chức và 300 người trong số đó có hành vi gian lận.
Sức ép lên hệ sinh thái
Đập Tam Hiệp đã làm thay đổi hoàn toàn hệ sinh thái sông Dương Tử. Nó ngăn cản dòng di cư của cá, làm mất cân bằng hóa học, nhiệt độ và vận tốc dòng chảy.
Dòng sông hùng vĩ trước kia nay bị biến thành một cái ao tù, ít có khả năng tự làm sạch và những ngư dân xưa giờ chỉ còn nước đánh bắt… rác trên mặt nước.
Loài cá heo Trung Quốc nổi tiếng đang trên bờ vực tuyệt chủng. Cá tầm sông và cá tầm thìa Trung Quốc cũng biến mất dần và hiện được coi là bị đe dọa tuyệt chủng. Số lượng các loại cá thương phẩm trên sông Dương Tử và cửa sông tại biển Đông cũng giảm mạnh sau khi cửa đập đóng.
Ô nhiễm từ công nghiệp, nông nghiệp và sinh hoạt khiến loài tảo được dịp sinh sôi trong hồ chứa.
Chính phủ đã xây dựng rất nhiều nhà máy xử lý nước và rác thải nhưng hầu hết số nhà máy này đều trong tình trạng “đắp chiếu” vì chính quyền địa phương không thể điều hành. Tháng 9 năm 2007, chính quyền Trung Quốc buộc phải thừa nhận: “Nếu không tiến hành các biện pháp khẩn cấp thì suy thoái môi trường sẽ diễn ra.”
Sạt lở đất nghiêm trọng
Hàng năm, mực nước hồ chứa Tam Hiệp dao động ở mức giữa 145m và 175m, khiến độ dốc của Thung Lũng Dương Tử bất ổn định và tạo ra nguy cơ xói mòn, sạt lở đất nghiêm trọng. Theo thống kê, nơi đây đã chứng kiến hơn 150 hiện tượng địa chất nguy hiểm diễn ra trong vòng 5 tháng sau khi hồ chứa được ngăn lần đầu tiên.
Xói mòn đã ảnh hưởng đến hơn nửa khu vực hồ chứa và 178 km bờ sông có nguy cơ sạt lở. Thêm vào đó, 530.000 người sẽ phải di cư cho đến năm 2020 để giải tỏa sức ép lên các thành dốc hồ chứa dễ đứt gãy.
Dòng Dương Tử mang hơn 500 triệu tấn phù sa vào hồ chứa mỗi năm. Một số lắng qua cửa cống dưới đáy đập, nhưng hầu hết phù sa đều bồi tích trong hồ. Lớp phù sa này không tới được các vùng hạ lưu sông. Sau khi con đập hoàn thành, khối lượng phù sa tại cửa sông sẽ chỉ còn một phần ba so với trước. Theo đó, gần 4 km2 diện tích đất ngập nước ven biển sẽ bị xói mòn mỗi năm. Nước biển xâm nhập vào sông Dương Tử, phá hủy đất trồng trọt và đe dọa nguồn nước ngọt.
Những trận lũ quét theo chu kỳ sẽ de dọa cuộc sống của hàng triệu người tại vùng đồng bằng màu mỡ trong thung lũng Dương Tử. Hồ chứa Tam Hiệp lẽ ra đóng vai trò như một lớp đệm làm giảm nhẹ lũ, tuy nhiên, vì phù sa lắng đọng tại hồ nên dòng chảy hạ nguồn chảy nhanh hơn, gây xói mòn những con đê trong thung lũng Dương Tử. Điều này làm đảo ngược lợi ích kiểm soát lũ của con đập.
Dự án Tam Hiệp còn gây ra các hiểm họa địa chấn. Nằm giữa hai đường đứt gãy lớn, kể từ khi bắt đầu chứa nước năm 2006, hàng trăm vụ địa chấn nhỏ đã xảy ra nơi đây. Thông thường các con đập được xây dựng để chống chịu những trận động đất nặng nhưng những công sở, trường học và nhà ở của hàng triệu người dân tại các vùng lân cận thì không!
Chi phí giật mình
Khi dự án được thông qua năm 1992, chi phí ước tính khoảng 57 tỉ nhân dân tệ, tương đương 8,35 tỉ USD. Tuy nhiên con số chính thức đến nay đã tăng gấp 4 lần, lên 27,2 tỷ USD. Chưa kể, theo các ước tính không chính thức, con số này còn có thể lên tới 88 tỉ USD.
Trung Quốc dự định tăng công suất thủy điện từ 171.000MW năm 2008 lên 300.000MW năm 2020. Hơn 100 đập tại trung lưu và thượng lưu sông Dương Tử, bao gồm 12 đập trên dòng sông chính, hiện đã được lên kế hoạch và đang trong quá trình xây dựng. Cùng với đập Tam Hiệp, các dự án này sẽ góp thêm những ảnh hưởng môi trường và quét sạch các loài cá hiện sống tại dòng sông.
Trung Quốc đã thông qua các điều luật môi trường chặt chẽ trong suốt 10 năm qua, tuy nhiên chúng lại ít được thực thi trên thực tế. Theo luật, đối với các dự án đập, đánh giá tác động môi trường phải được chính phủ phê chuẩn, song thực tế các nhà đầu tư dự án vẫn không đảm bảo đánh giá toàn diện trước khi khởi công. Điều đáng nói là chính phủ cũng không có phản ứng gì cho đến khi công trình gần hoàn thành và việc này khiến khâu đình chỉ dự án trở nên khó khăn. Trong khi đó mức tiền phạt đối với các vi phạm luật môi trường cũng không cao, không có tính chất răn đe.
Thay đổi hướng đi?
Năm 2007, Thủ tướng Ôn Gia Bảo thừa nhận việc xây dựng đập trong những năm qua đã khiến ít nhất 23 triệu người dân phải di dời, nhiều người rơi vào cảnh bần cùng. Khi những con đập hoàn thành, tác hại thậm chí còn nặng nề hơn đối với chính phủ và xã hội Trung Quốc.
Cuối thế kỷ qua, các tổ chức phi chính phủ cũng bắt đầu các chiến dịch bảo vệ môi trường và những người nông dân cũng đứng lên phản đối các dự án không tôn trọng quyền lợi của họ.
Chính phủ Trung Quốc hiện nay cũng thận trọng hơn với các con đập lớn. Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã đình chỉ xây dựng một số con đập trên sông Nu năm 2004 và 2009.
Trong lễ khánh thành đập Tam Hiệp, cả Chủ tịch và Thủ tướng Trung Quốc đều không đến dự, khiến dư luận cho rằng chính phủ đương thời coi con đập này và các vấn đề liên quan đến nó chỉ là sự “kế thừa” của chính phủ cũ.
Hướng đi năng lượng trong tương lai
Trung Quốc hiện nay vẫn sử dụng năng lượng tương đối kém hiệu quả. Chính phủ Trung Quốc liên tục nỗ lực cải tạo hiệu suất năng lượng và nhu cầu về năng lượng đã tăng chậm hơn mức tăng trưởng nền kinh tế qua các thập niên 1980 và 90.
Những năm gần đây Trung Quốc đã đổi mới không ngừng trong quá trình tăng hiệu suất năng lượng và đang thực hiện tăng cường độ sử dụng điện năng lên 20% trong kế hoạch 5 năm (2006-2010).
Luật Năng lượng Tái tạo của Trung Quốc cũng đặt ra một mục tiêu có tính ràng buộc về mặt pháp lý và thách thức nhất thế giới. Theo đó, đến năm 2020, 15% điện năng – tương đương 137.000 MW điện của Trung Quốc sẽ được khai thác từ nguồn năng lượng mặt trời, năng lượng gió, sinh khối và từ các công trình thủy điện nhỏ.
Trung Quốc đang đầu tư hàng tỉ USD vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về năng lượng mặt trời và năng lượng gió với công suất năng lượng gió dự tính vượt 100.000 MW vào năm 2020. Trong vòng hơn 20 năm tới, những cánh đồng gió với công suất 640.000 MW sẽ được lắp đặt tại Trung Quốc.