ThienNhien.Net – Tại một hội nghị bàn về quản lý môi trường nước các lưu vực sông (ngày 22/12), ông Bùi Cách Tuyến, Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT cho biết, hiện nay, các bộ ngành đang nỗ lực chống ô nhiễm sông, hồ. Bộ Y Tế đang cố gắng cắt đứt các nguồn gây ô nhiễm từ các bệnh viện; Bộ Xây dựng kiểm soát các chất thải rắn, lỏng tại các điểm xây dựng; Bộ GTVT giảm khói bụi từ xe cộ, nạo vét các thủy đạo; Bộ Công Thương giám sát tình trạng môi trường các khu công nghiệp, các cụm công nghiệp…
Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Quốc Tuấn – Trưởng phòng Môi trường Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KH&CN): “Chúng ta có tới 6 bộ có vụ môi trường nhưng mỗi bộ lại có khung pháp lý khác nhau. Vậy những lưu vực sông được quản lý theo ngành dọc hay ngang? Trong khi chúng ta vẫn đang thảo luận về cách quản lý thì từng dòng nước nước ô nhiễm đã chảy qua hết tỉnh này tới tỉnh kia rồi”.
TS Hoàng Dương Tùng – Giám đốc Trung tâm Quan trắc và Thông tin Môi trường (Cục Bảo vệ Môi trường, Bộ TN&MT) cũng bày tỏ lo ngại: Cách quản lý môi trường ở Việt Nam khác với các nước trên thế giới. Khuôn khổ pháp lý và năng lực kỹ thuật phân tán, chưa có một tổng chỉ huy chung. Bộ Tài nguyên và Môi trường hình như có rất ít quyền trong việc xử phạt các vi phạm gây ô nhiễm môi trường. Vậy có nên sửa lại luật không, có nên tập trung các vấn đề quy về một mối quản lý hay không? Nếu cứ tình hình “5 cha 7 mẹ” có trách nhiệm như thế này thì e là tới năm 2015, 2020 chúng ta vẫn không có được kết quả như mong muốn.
Được biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Cơ quan Hợp tác Quốc tế JICA (Nhật Bản) thực hiện thí điểm chương trình nghiên cứu quản lý môi trường nước các lưu vực sông Việt Nam tại Thái Nguyên và Bắc Kạn và hiện đã đưa ra được 6 kết quả chính. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, tài liệu này vẫn mang nặng tính khoa học hàn lâm và lý thuyết, trong khi cái chúng ta cần lại là những hành động cụ thể.