Tiết kiệm năng lượng: Giải pháp phát triển bền vững

ThienNhien.Net – Trong quá trình sản xuất ngày nay, ngoài các yếu tố chất lượng, giá cả, năng lượng đang trở thành một trong những yếu tố trọng yếu phục vụ chiến lược phát triển bền vững lâu dài của các doanh nghiệp và địa phương. Thực hiện tiết kiệm năng lượng (TKNL) trong sản xuất không chỉ giúp các doanh nghiệp, địa phương tiết kiệm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm mà còn bảo vệ môi trường sống; đồng thời đảm bảo sự bền vững khi những loại năng lượng truyền thống đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt. Những năm gần đây, Đồng Nai đang được đánh giá là một trong những địa phương đi đầu trong áp dụng chương trình TKNL vào sản xuất và đời sống.


Hiệu quả bước đầu

Ông Lê Phát Hiển, Phó giám đốc Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học và Công nghệ (UDC), Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Đồng Nai cho biết, hiện nay, rất nhiều dự án về TKNL đã và đang được thực hiện trên địa bàn tỉnh như: Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ, Chương trình TKNL thương mại thí điểm… Các dự án này do Trung tâm UDC, Sở KH&CN phối hợp với Bộ KH&CN, Bộ Thương mại triển khai, ngày càng chứng tỏ hiệu quả kinh tế.

Theo số liệu thống kê từ Trung tâm UDC, đến cuối năm 2009, kết quả thực hiện kiểm toán năng lượng 20 doanh nghiệp trên toàn tỉnh cho thấy: tổng số tiền tiết kiệm từ các biện pháp TKNL là 3.400 triệu đồng/năm, giảm phát thải CO2 khoảng 1.560 tấn/năm. Lợi ích của chương trình triển khai trong 3 năm qua tại một số doanh nghiệp thí điểm đã được ghi nhận.

Ông Vũ Văn Thủy, Trưởng phòng Tổ chức – Hành chính Công ty Sơn Hà cho hay, mặc dù công ty mới tham gia lắp đặt kỹ thuật chương trình TKNL tại một số bộ phận như hệ thống chiếu sáng, máy móc tại một số xưởng sản xuất cũ nhưng qua thực hiện kiểm toán bước đầu cho thấy ngay hiệu quả thiết thực trong bài toán thu chi. Ngay khi thực hiện chương trình TKNL, bên cạnh việc đưa nội dung hoạt động thành qui chế trong công ty như: kiểm tra tắt hệ thống chiếu sáng, quạt, máy lạnh trước khi ra về hoặc khi không sử dụng, lắp thêm bóng đèn TKNL, thiết bị hỗ trợ sản xuất…, các buổi tuyên truyền, tập huấn cho nhân viên, người lao động cũng được tổ chức nhằm nâng cao ý thức khi thực hiện, góp phần tiết kiệm cho nhà máy hàng tỉ đồng. Từ đó đã nhận được sự đồng thuận và ủng hộ từ ban giám đốc đến các phân xưởng cũng như người lao động, góp phần giảm tải, giảm chi phí cho tiêu hao năng lượng, phục vụ sản xuất hiệu quả hơn.


Các doanh nghiệp tham quan thiết bị TKNL tại Sở Khoa học và Công nghệ Đồng Nai. (Ảnh: Cổng TTĐT Đồng Nai)

Đây cũng là ý kiến mà ông Lê Chí Trung, nhân viên phòng Cơ điện – Môi trường, Nhà máy Chế biến Thực phẩm Đồng Nai đồng tình và cho biết thêm, thông qua hoạt động kiểm toán, nhà máy thấy chỗ nào hợp lý thì thực hiện còn khâu nào tiêu hao, lãng phí nhiều quá sẽ thay đổi. Ví dụ như với hệ thống máy móc cũ, nhà máy gắn thêm thiết bị TKNL vào để hạn chế lượng dầu, điện tiêu thụ còn với những máy móc mới nhập về mở rộng sản xuất, trong quá trình trao đổi sẽ yêu cầu nhà cung cấp gắn thêm bộ phận TKNL.

Để hoạt động TKNL phát huy hiệu quả

Không chỉ đẩy mạnh hoạt động TKNL tại các doanh nghiệp, trên cơ sở kết quả nghiên cứu và thực hiện tại một số địa điểm dự án đang triển khai, đầu năm 2009, UBND tỉnh Đồng Nai đã thông qua Dự án TKNL thí điểm cho huyện Thống Nhất. Ông Lê Phát Hiển, Phó giám đốc Trung tâm UDC, đồng chủ nhiệm dự án nhấn mạnh, theo định hướng phát triển của huyện Thống Nhất sắp tới, công nghiệp sẽ trở thành ngành mũi nhọn với các cụm công nghiệp, khu công nghiệp chuẩn bị thành lập, việc giải quyết vấn đề năng lượng cho huyện không chỉ đáp ứng nhu cầu bức thiết trước mắt của chính quyền, nhân dân và doanh nghiệp mà còn góp phần gia tăng tính bền vững cho mục tiêu phát triển kinh tế lâu dài cho địa phương.

Ông Phạm Gia Hải, Phó giám đốc Sở KH&CN cho rằng, thúc đẩy dự án trên địa bàn huyện Thống Nhất đạt hiệu quả sẽ là tiền đề quan trọng cho việc mở rộng dự án ra toàn tỉnh về TKNL lâu dài của Đồng Nai. Mục tiêu dự án là nhằm xây dựng chương trình hành động bao gồm nhiều đề án con để triển khai mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại huyện Thống Nhất. Trước tiên, dự án sẽ xây dựng mô hình TKNL cho hệ thống chiếu sáng công cộng, tòa nhà hành chính UBND và một số doanh nghiệp để làm cơ sở cho việc nhân rộng ra toàn huyện.


Cán bộ Sở Khoa học và Công nghệ Đồng Nai hỗ trợ doanh nghiệp lắp đặt thiết bị TKNL (Ảnh: Cổng TTĐT Đồng Nai)

Trong 3 năm 2009 – 2012, dự án phấn đấu cắt giảm 3 – 5% tổng mức năng lượng tiêu thụ của huyện, các mô hình sử dụng TKNL cho ngành công nghiệp chế biến gỗ, tòa nhà, hệ thống chiếu sáng sẽ tiết kiệm 10 – 20% năng lượng sử dụng. Dự án sẽ xây dựng chương trình, chính sách, giải pháp TKNL cho từng đối tượng cụ thể.

Ai cũng biết TKNL là tiết kiệm tiền thế nhưng làm sao để các dự án thực sự đi sâu và gắn liền vào hoạt động, sản xuất làm thay đổi thói quen của người dân cũng như doanh nghiệp đồng thời phát huy hiệu quả mới là bài toán hóc búa. Bởi không phải doanh nghiệp hoặc địa phương nào cũng sẵn sàng bỏ ra một lượng kinh phí không nhỏ để thực hiện khi mà hiệu quả không phát huy ngay mà phải trải qua thời gian.

Bà Nguyễn Thị Thùy Liên, Phó chủ tịch UBND huyện Thống nhất cho rằng, “dù biết chương trình sẽ mang lại nhiều lợi ích lâu dài cả về kinh tế và môi trường nhưng huyện vẫn chưa hình dung được cụ thể sẽ phải thực hiện như thế nào bởi hệ thống chiếu sáng khu nhà hành chính, hệ thống chiếu sáng công cộng vẫn đang hoạt động ổn định. Nếu đưa các thiết bị kỹ thuật TKNL vào ứng dụng thì có gây xáo trộn, lãng phí và tốn kém cho địa phương.”, bà tỏ ra e ngại.

Còn với các doanh nghiệp, toàn tỉnh hiện có hàng chục ngàn doanh nghiệp nhưng trong 3 năm thực hiện chương TKNL, con số doanh nghiệp áp dụng hoạt động này vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay và 20 doanh nghiệp tham gia tiến hành kiểm toán năng lượng là quá ít.

Theo ông Lê Phát Hiển, “bản thân lãnh đạo các doanh nghiệp còn chưa hiểu hết lợi ích mà TKNL mang lại và cho rằng lượng điện năng tiết kiệm được là không đáng kể. Vì vậy TKNL không nằm trong vấn đề được nhiều doanh nghiệp quan tâm. Bên cạnh đó, phải thay đổi thói quen sản xuất, giờ giấc, quy trình, thực hiện khai báo… lo sợ bị “lộ” bí mật kỹ thuật, công nghệ sản xuất” khiến doanh nghiệp không mặn mà.

Còn theo ông Trần Minh Khoa, điều phối viên Dự án PESCME (Dự án Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa), Bộ KH&CN, “sở dĩ hoạt động TKNL thời gian qua chưa được hưởng ứng nhiều ở Đồng Nai một phần là do hoạt động tuyên truyền còn hạn chế. Hơn nữa tỉnh cũng chưa có cơ chế hỗ trợ rõ ràng để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận với các điều kiện vốn, kỹ thuật trong quá trình thực hiện. Vì vậy, thời gian tới, Đồng Nai cần xây dựng những đề án ngắn hạn, dài hạn; đồng thời lập cơ sở dữ liệu theo ngành và triển khai thành quy định xuống các doanh nghiệp; đồng thời phải có cam kết đảm bảo hiệu quả chung”.

Thực hiện TKNL không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn là trách nhiệm xã hội của mỗi doanh nghiệp, địa phương khi mà nguồn năng lượng truyền thống đang dần cạn kiệt, tình trạng ô nhiễm môi trường ở mức báo động hiện nay do khí thải, nước thải gây ra.

Hơn lúc nào hết, doanh nghiệp – người dân và cơ quan quản lý Nhà nước cần thay đổi cách nhìn, chung tay thực hiện để xây dựng một môi trường trong sạch, lành mạnh, đảm bảo mục tiêu sản xuất, phát triển ổn định, bền vững lâu dài của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung.