ThienNhien.Net – Không thể phủ nhận rằng ngôn ngữ có một quyền lực thực sự. Là bởi ngôn ngữ, với tư cách là phương tiện biểu đạt các khái niệm, có ảnh hưởng lớn trong việc hình thành tư duy. Chính vì vậy, điều chỉnh những thuật ngữ chưa chính xác để hình thành nên tư duy phù hợp với bản chất của sự vật, hiện tượng là rất cần thiết. Điều này còn đặc biệt cần thiết trong việc xây dựng và điều chỉnh các thuật ngữ liên quan đến phát triển bền vững, một mục tiêu quan trọng mà nhân loại đang theo đuổi.
Theo định nghĩa của George Lakoff, người đã đóng góp một số công trình nghiên cứu xuất sắc về điều chỉnh khung ngôn ngữ thì “khung ngôn ngữ” là các cấu trúc tư duy định hình thế giới quan của chúng ta, mục tiêu chúng ta theo đuổi, kế hoạch chúng ta tạo ra, cách thức mà chúng ta hành động, cũng như đánh giá tính chất kết quả hành động của chúng ta. Việc điều chỉnh ngôn ngữ sẽ thay đổi quan điểm nhận thức của chúng ta về thế giới, thậm chí cả những ý nghĩa vốn được coi là bình thường nhất.
David Jaber, thành viên Ban quản trị Trung tâm Thiết kế Năng lượng và Môi trường (LEED), đồng thời là cố vấn cho các tập đoàn và các cộng đồng, hiện công tác trong lĩnh vực phát triển bền vững, quản lý, giám sát phát thải khí nhà kính và đánh giá “xanh”, cho rằng có một số thuật ngữ liên quan đến phát triển bền vững đang được dùng phổ biến hiện nay nên được điều chỉnh.
Thay đổi thuật ngữ
Cụm từ “quản lý tài nguyên thiên nhiên” cần được thay thế bằng “tái sinh thiên nhiên” hay “tái tạo thiên nhiên”. Bởi vì từ “quản lý” đặc biệt củng cố quan niệm sai lầm rằng chúng ta biết chính xác phải làm gì với thiên nhiên và thiên nhiên sẽ phản ứng ra sao trước những hành động của chúng ta.
Trên thực tế, chúng ta biết khá rõ về cách thức chúng ta tác động tới các quá trình tự nhiên và rằng những hành động của chúng ta luôn để lại những hậu quả không thể lường trước, bởi tự nhiên thực sự là một hệ thống hết sức phức tạp. Tuy nhiên, từ “tài nguyên” ám chỉ thiên nhiên là thứ để sử dụng, chứ không phải là một hệ thống hỗ trợ sự sống.
Một thuật ngữ khác hay được dùng để thay thế là “phục hồi”, tuy khá tích cực nhưng vẫn không thật sự diễn tả được hết ý niệm về một “quá trình sinh thái động” mà thiên về “trạng thái tĩnh”. Những thuật ngữ như “tái sinh” và “tái tạo” vì thế thể hiện chính xác hơn mục đích cuối cùng là tái thiết khả năng thích nghi, tính linh hoạt, và những quá trình phát triển liên tục theo thời gian của thiên nhiên.
Tương tự như thế, cụm từ “quản lý hợp thức” cũng cần được thay thế bằng “tương tác hợp thức” hay “mối quan hệ lành mạnh” với cùng lý do như trên. Quan hệ của chúng ta với thiên nhiên là một mối quan hệ động, tương tác hai chiều, do đó không nên quan niệm rằng chúng ta đang quản lý thiên nhiên.
Bên cạnh đó, cũng cần xách định rõ ràng ngữ cảnh cho thuật ngữ “bền vững”. Bền vững cần được hiểu là khả năng có thể tiếp tục phát triển trên cơ sở tôn trọng hệ sinh thái Trái đất cùng những giới hạn của nó, đồng thời cung cấp đủ không gian sống cho các loài sinh vật khác trên hành tinh. Nếu không làm rõ điều này, phát triển bền vững có thể được hiểu là có thể tiếp tục phát triển bất chấp những giới hạn.
Những thuật ngữ chỉ sự phát triển kinh tế cũng cần được thay đổi. Một hệ thống kinh tế dựa vào khai thác thiên nhiên không bền vững, thì suy thoái kinh tế có nhất thiết là xấu? Phải chăng sự sụt giảm đó chính là hình thức trừng phạt tất yếu theo luật nhân quả? Trong suốt cuộc khủng hoảng kinh tế khá trầm trọng kéo dài từ năm 2008 sang 2009, những câu hỏi này chưa bao giờ là tiêu điểm của giới truyền thông hay giới chính trị. Mặc dù vậy, đây chính là những câu hỏi mà cả xã hội cần tìm lời giải.
Nhìn chung, chúng ta thường bị sa lầy vào ngôn từ và những thuật ngữ cực đoan đến mức trở nên vô nghĩa, cản trở sự đối thoại thẳng thắn. Chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, đại chính phủ, thị trường tự do, bảo thủ, tự do – tất cả những thuật ngữ này chỉ đơn giản là vỏ bọc. Thay vì gán cho hiện tượng, hành động, chính sách một thuật ngữ nào đó, hãy nhìn nhận những ảnh hưởng xã hội, môi trường, tài chính mà hành động hay chính sách đó thật sự mang lại.
Thay đổi chỉ số đánh giá
Tương tự như ngôn ngữ, các chỉ số cũng có khả năng truyền đạt các khái niệm. Từ “chỉ số” ở đây ám chỉ một tiêu chuẩn đo lường hay chỉ dẫn về trạng thái của một sự vật, hiện tượng nào đó. Chúng ta có các chỉ số kinh tế, môi trường và xã hội để đánh giá những tiến bộ, tính lành mạnh và các đặc tính khác… và chúng ta sử dụng các chỉ số trong hầu hết mọi lĩnh vực thực tiễn.
Nhìn chung, chúng ta cần rất thận trọng khi dùng các chỉ số đó để đánh giá sự tiến bộ và định hướng cho một hành động hay hướng tới những mục tiêu. Chọn lựa một chỉ số đồng nghĩa với việc chúng ta tin rằng nó là phương tiện đánh giá chính xác. Điều đó cũng có nghĩa là những chỉ số không thích hợp sẽ dẫn đến những hành động sai lầm.
Giả sử bạn có ý định cải tạo một dòng sông. Một chỉ số mà bạn có thể sử dụng là số lượng cá sống trên dòng sông đó. Để cải thiện chỉ số này, bạn chỉ cần thả thêm cá xuống sông. Điều đó không đồng nghĩa với việc bạn đã cải tạo được con sông và mang lại một môi trường nước tốt hơn. Lựa chọn một chỉ số như mức độ ô nhiễm đo được trong cá có thể hướng đến hành động hoàn toàn khác – khôi phục vùng ven sông, lắp đặt hệ thống kiểm soát nước ô nhiễm v.v… với những kết quả đạt được khác hẳn.
Các nỗ lực nhằm thúc đẩy sự thay đổi tư duy của một quốc gia trong việc công nhận quyền của muôn loài thông qua các chỉ số gồm có:
Chỉ số kinh tế
Bất kể những thay đổi trong GDP, tình trạng thất nghiệp, số nhà xây mới và những chỉ số kinh tế khác là tốt hay xấu đều phụ thuộc hoàn toàn vào bối cảnh, vào cách những chỉ số này đánh giá, và tính bền vững của toàn bộ nền kinh tế đang được đánh giá.
Bởi vì , có những người tuy thất nghiệp nhưng vẫn vui vẻ tham gia vào các hoạt động nâng cao chất lượng cuộc sống của cá nhân họ cũng như cộng đồng, song lại có những người tuy làm rất nhiều loại công việc bán thời gian nhưng vẫn bị tính là thất nghiệp bởi cách thức báo cáo số liệu. Trong khi đó, GDP có thể vẫn tăng trưởng nhờ những hoạt động kinh doanh tiêu cực.
Thay thế GDP bằng một chỉ số kinh tế mới là hành động đầu tiên thể hiện sự tôn trọng quyền của muôn loài. Bởi vì GDP chỉ đơn thuần đánh giá hoạt động kinh tế mà không chỉ ra được sự khác biệt trong nguồn thu nhập từ một công ty tái thiết môi sinh hay từ một công ty phá hoại hệ sinh thái trái đất.
Từ nhiều năm nay các chuyên gia đã nỗ lực tạo ra một chỉ số phản ánh chính xác hoạt động của con người, một chỉ số mà sự tăng trưởng đồng nghĩa với những thay đổi tích cực. Trong số này có chỉ số Chỉ số tiến bộ thật sự (GPI) và Dấu chân sinh thái.
Các chỉ số môi trường
Trở lại với ví dụ cải tạo một dòng sông, bạn cần chú ý chọn những chỉ số thực sự phản ánh sức khỏe của hệ sinh thái chứ không đơn thuần chọn những chỉ số chỉ bởi chúng dễ cho việc đánh giá.
Có 3 chỉ số đóng vai trò quan trọng trong đánh giá kinh doanh vì mục tiêu bền vững:
“Tỷ suất lợi nhuận trên tài nguyên (ROR)”: Các chỉ số như “Tỷ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư”(ROI), “Tỷ suất lợi nhuận trên tài sản” (ROA) hoặc các chỉ số lợi nhuận tài chính khác không phản ảnh chính xác lượng tài nguyên được sử dụng vì các nguồn tài nguyên thường bị đánh giá thấp hơn thực tế.
Tỉ lệ sản phẩm – phi sản phẩm (P2NP): thể hiện hiệu suất của một doanh nghiệp.
Dấu chân các-bon: thể hiện đóng góp của một doanh nghiệp vào quá trình biến đổi khí hậu – một vấn đề xã hội-sinh thái-kinh tế tâm điểm của thời đại ngày nay.
Việc áp dụng các chỉ số này như một định hướng cho hoạt động của doanh nghiệp sẽ mang lại những lợi ích vô cùng to lớn, khuyến khích cách tư duy hợp lý và hướng chúng ta đến những mục tiêu xã hội thiết yếu.