ThienNhien.Net – Hai sự kiện đang được dư luận thế giới đặc biệt quan tâm trong thời gian gần đây là việc trao giải thưởng Nobel Hòa bình cho tổng thổng Mỹ Barrack Obama và Hội nghị của Liên hiệp quốc về Biến đổi khí hậu tại Copenhagen (COP15). Thoạt tưởng hai sự kiện này độc lập với nhau, nhưng nếu ngày hôm nay (18/12), COP15 đạt được một thỏa thuận giữa các bên tham gia về biến đổi khí hậu với nhân tố thúc đẩy quan trọng là cam kết mạnh mẽ của chính quyền Mỹ, thế giới sẽ “ngã ngửa” ra vì chiến thuật tuyệt vời của Ủy ban Giải thưởng Nobel trong việc cứu vớt thế giới khỏi một thảm họa hiện hữu.
Từ giải thưởng gây tranh cãi…
Còn nhớ vào ngày 9 tháng 10 năm 2009, khi Ủy ban Giải thưởng Nobel công bố Tổng thống Mỹ Barrack Obama đã vượt qua 205 ứng viên khác để chính thức giành giải thưởng Nobel Hòa bình, đã có rất nhiều tranh cãi về quyết định trao giải thưởng này.
Báo điện tử Dân trí bình luận: “Lựa chọn khá bất ngờ từ ủy ban gồm 5 thành viên đã “gây kinh ngạc” cho giới quan sát giải Nobel, bởi ông Obama chỉ mới nhậm chức và gửi hồ sơ chưa đầy hai tuần trước hạn đề cử giải” và “Cái tên Obama mặc dù đã được đồn đoán từ trước ngày công bố nhưng nhiều người theo dõi Nobel tin rằng vẫn còn quá sớm để trao giải cho Tổng thống Obama”.
Ngay trong lòng nước Mỹ, ông John McCain, cựu ứng cử viên tổng thống Ðảng Cộng hòa, đối thủ trực tiếp của ông Obama cũng đã không ngần ngại chỉ trích việc trao giải Nobel Hòa bình cho Obama rằng: “Tổng thống Obama đã làm được gì cho nước Mỹ? Chắc chắn ông sẽ không nhận được giải thưởng vì đã tạo thêm công ăn việc làm cho người Mỹ hay giải quyết vấn đề ngân sách quốc gia”.
Ngay cả tổng thống Obama, trong buổi lễ nhận giải cũng thừa nhận rằng giải thưởng của ông gây nhiều tranh cãi và còn nhiều người khác xứng đáng nhận giải thưởng hơn ông: “Sẽ là tắc trách nếu tôi không thừa nhận rằng có khá nhiều tranh cãi quanh việc các bạn (Ủy ban Giải thưởng Nobel) đã đưa ra một quyết định rất hào phóng cho tôi. Một phần là bởi tôi mới chỉ đang bắt đầu con đường cống hiến của mình trên trường quốc tế”.
Ngược lại, hội đồng trao giải thưởng lại khẳng định việc trao giải Nobel Hòa bình cho ông Obama là xác đáng bởi “những nỗ lực phi thường của ông nhằm củng cố ngoại giao quốc tế và hợp tác giữa các dân tộc”.
Trong buổi phỏng vấn của đài truyền hình BBC với cựu Phó tổng thống Mỹ Al Gore ngay sau khi Tổng thống Obama nhận giải thưởng, ông Gore cũng nhấn mạnh: “Barrack xứng đáng nhận giải thưởng bởi những đóng góp quan trọng của ông cho hòa bình thế giới trong thời gian qua”.
Vậy, liệu Ủy ban Giải thưởng Nobel Hòa bình có quá vội vàng khi trao giải cho ông Obama?
… đến nhân tố Mỹ trong thúc đẩy thỏa thuận Copenhagen
Từ nhiều thập kỷ nay, Mỹ vẫn luôn là quốc gia giữ vai trò chủ chốt trong việc thúc đẩy các thỏa thuận quốc tế, trong đó có cả các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu. Sự quay lưng của Mỹ đã khiến Nghị định thư Kyoto không thể đi đến đích dù đã có cam kết của các quốc gia. Vì thế, nếu không có vai trò tích cực của Mỹ trong lần này, COP15 khó lòng đạt được những thỏa thuận thật cụ thể.
Trước chuyến viếng thăm Trung Quốc vào tháng 11 năm nay, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết Mỹ sẽ chỉ dừng lại ở một giải pháp tạm thời tại Copenhagen trước khi đi đến một cam kết chính thức vào năm 2010. Đặc biệt, trong những ngày gần đây, việc các quốc gia Châu Phi tuyên bố tẩy chay COP15 đã khiến triển vọng cho một cam kết chung tại Copenhagen lần này trở nên mờ mịt.
Phải chăng sự kiện bất ngờ được trao giải thưởng Nobel đã khiến Tổng thống Obama có những động thái rõ rệt hơn, tạo nên “ánh sáng cuối đường hầm” cho COP15?
Ngày 25/11 chính quyền Tổng thống Obama đã thông báo mức cắt giảm 17% khí thải CO2 đến năm 2020 trong mục tiêu dài hơi cắt giảm tới 83% khí thải tới 2050 mà không cần Quốc hội Mỹ phê duyệt. Mặc dù ngay sau đó Trung Quốc cũng đã đưa ra một cam kết mạnh mẽ hơn về cắt giảm lượng khí thải CO2, từ 40-45% vào năm 2020 so với mức của năm 2005.
Khi cuộc đàm phán tại Copenhagen rơi vào thế bế tắc vì sự tẩy chay của các nước Châu Phi, một lần nữa Mỹ lại tung ra một “cái phao” bằng tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Hilarry Clinton rằng nước này sẽ quyên góp số tiền 10 tỷ USD hàng năm đến năm 2012 và ủng hộ khoản ngân quỹ toàn cầu 100 tỉ USD giúp các nước nghèo đối phó với biến đổi khí hậu. Tuyên bố này ngay lập tức xoa dịu các quốc gia châu Phi, nối lại vòng đàm phán.
Dù rất khó để có thể đạt được thỏa thuận cuối cùng tại COP15, nhưng những cam kết mạnh mẽ của chính quyền Mỹ vẫn khiến dư luận thế giới hy vọng rằng trong phiên họp cuối cùng của COP15 ngày hôm nay, thế giới sẽ có được một thỏa thuận khung hoặc chí ít là một lộ trình về giảm khí thải để tiến tới một hiệp định mang tính ràng buộc pháp lý về vấn đề này trong những năm tới.
Nếu vậy, thế giới sẽ “ngã ngửa” vì chiến thuật tuyệt vời của Ủy ban Giải thưởng Nobel trong việc cứu vớt thế giới trước một thảm họa có thực mang tên “biến đổi khí hậu”. Lúc đó, những người còn nghi ngờ về giải thưởng dành cho ông Obama hẳn sẽ phải nghĩ lại.