Hải Phòng: Phát triển không gian đô thị hướng ra biển

ThienNhien.Net – Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Hải Phòng đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có nhiều nội dung mới, trong đó có phát triển không gian đô thị.


Phát triển đô thị hướng biển

Về quy mô dân số nội thành, nếu quy hoạch (QH) trước xác định số dân đến năm 2020 là 1,1 triệu dân, nay dân số nội thành được xác định 2,1 triệu dân đến năm 2025. Vì vậy, quy mô đất đai đô thị cũng tăng, theo đó đến năm 2015 là 23.000-24.000ha, đến năm 2025 là 47.500-48.900ha (QH trước là 16.000ha đến 2020).

Với quy mô trên, sẽ cải tạo và chỉnh trang đô thị cũ hiện có, phát triển các quỹ đất xen kẽ hiện chưa xây dựng. Đồng thời, phát triển đô thị mở rộng ra ven đô, theo 5 hướng chính phát triển ra biển. Cụ thể, phía Bắc mở rộng ra phía huyện Thủy Nguyên; phía Đông phát triển ra khu Đình Vũ, Tràng Cát và đảo Cát Hải; phía Đông Nnam mở rộng theo đường 353, một phần huyện Kiến Thụy; phía Tây-Tây Bắc mở rộng ra huyện An Dương, một phần huyện An Lão; phía Nam ra quận Kiến An, thay vì chủ yếu phát triển dọc theo sông Cấm như QH trước.

Như vậy, tại khu vực phát triển mở rộng sẽ từng bước hình thành: khu đô thị mới Bắc sông Cấm, với trung tâm hành chính-chính trị mới của thành phố; khu trung tâm tài chính-thương mại-dịch vụ. Dự kiến đến năm 2025, tại đây có 251.000 người, diện tích 728 ha.

Về phía Đông sẽ khai thác hết quỹ đất xây dựng các khu nhà ở mới tại quận Hải An, diện tích khoảng 1008 ha. Phía Đông Nam dọc đường Phạm Văn Đồng sẽ thành khu đô thị mới đường 353, sân gôn Đồ Sơn, khu giáo dục đào tạo, nghỉ dưỡng ven vành đai xanh sông Đa Độ, diện tích gần 1900 ha.

Phía Tây, Tây Bắc phát triển đô thị công nghiệp công nghệ cao (An Hồng, Lê Thiện, Đại Bản…), phát triển quận Hồng Bàng mở rộng sang huyện An Dương và một phần huyện An Lão, hình thành một khu dân dụng lớn và khu đào tạo, nghỉ dưỡng ở cửa ngõ thành phố. Diện tích khoảng 1570 ha. Về phía Nam, phát triển quận Kiến An thành khu đô thị mới, khu du lịch mới trên cơ sở khai thác cảnh quan sông Lạch Tray, núi Thiên Văn, diện tích khoảng 770ha.

Hình thành 7 đô thị vệ tinh và 6 thị trấn mới

Điều chỉnh quy hoạch lần này xác định cấu trúc đô thị gồm đô thị trung tâm (nội thành) với 12 quận và 7 đô thị vệ tinh (Minh Đức, Núi Đèo, An Lão, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, Núi Đối, Cát Bà), trong đó Tiên Lãng và Vĩnh Bảo là 2 đô thị mới được xác định là đô thị vệ tinh; đồng thời dự kiến 6 thị trấn mới gồm: Quảng Thanh, Lưu Kiếm (Thủy Nguyên); Hòa Bình, Hùng Thắng (huyện Tiên Lãng); Tiên Cường (huyện Vĩnh Bảo) và huyện đảo Bạch Long Vỹ. Việc phát triển hạ tầng liên kết các điểm dân cư ngoại thành bảo đảm sự thống nhất của hệ thống đô thị, đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị, bố trí hợp lý về không gian kiến trúc, đồng bộ kết nối hệ thống hạ tầng cơ sở đã được tính đến trong quy hoạch.

Gìn giữ và khai thác hợp lý các vùng kiến trúc

Thành phố được chia làm 2 vùng kiến trúc cảnh quan điển hình gồm: vùng kiến trúc cảnh quan đô thị và vùng cảnh quan tự nhiên.

Đối với vùng kiến trúc cảnh quan đô thị tại khu vực nội thành cũ sẽ giữ gìn, tôn tạo các di sản văn hóa, lịch sử, các công trình kiến trúc có giá trị. Cải tạo nâng cấp cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, tăng diện tích cây xanh, công trình dịch vụ công cộng, xây dựng một số nhà nhiều tầng ở vị trí thích hợp, không làm biến dạng hình ảnh và môi trường văn hóa của đô thị. Các khu mở rộng và phát triển sẽ được tôn tạo hệ thống cây xanh, hồ nước, cảnh quan dọc theo sông Cấm, Lạch Tray, Đa Độ, Tam Bạc, sông Giá kết nối với vùng ven biển tạo thành hành lang cho thành phố.

Với vùng cảnh quan tự nhiên là khu vực nông thôn, ven biển, ven đô và các đảo khu vực Tràng Kênh, Núi Đèo, núi Thiên Văn, núi Voi, Đồ Sơn, Cát Bà, chế độ bảo vệ đối với các dòng sông, lưu vực sông, bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống… đã được chú trọng trong quy hoạch.