ThienNhien.Net – Biến đổi khí hậu trong câu chuyện truyền thông Việt Nam đã có sự thay đổi rất lớn sau 4 năm trở lại đây, bởi điều dễ nhận thấy là các vấn đề này thường thu hút khán giả, độc giả hơn và có thể hỗ trợ nhiều hơn cho các nhà báo viết về môi trường.
Nhận định này được đưa ra trong một nghiên cứu gần đây do tác giả, Giáo sư Phạm Huy Dũng, nguyên Viện trưởng Viện Sức khỏe Môi trường phối hợp cùng Diễn đàn các Nhà báo môi trường Việt Nam (VFEJ) và mạng lưới Báo chí Trái đất (EJN) thực hiện, dưới sự tài trợ của V.Kann Rasmussen Foundation và Quỹ Germeshausen…
Từ năm 2006 đến nay, Giáo sư Dũng đều thực hiện nghiên cứu về biến đổi khí hậu và sự nhận thức của giới truyền thông Việt Nam đối với vấn đề này. Các cuộc khảo sát được thực hiện hàng năm trong thời gian 2 tháng (tháng 9 và 10) tại 5 tờ báo in hàng ngày gồm Lao động, Tuổi trẻ, Nhân dân, Hà Nội mới, Báo Đồng Nai và các chương trình phát sóng: Tài nguyên và Môi trường phát hàng ngày của Đài Tiếng nói Việt Nam và Tạp chí Môi trường và Tài nguyên phát hàng tuần trên Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội.
Cuối tháng 2/2008, Diễn đàn Nhà báo Môi trường Việt Nam (VFEJ) đã phối hợp tổ chức hội thảo cho các thư ký tòa soạn báo – đài, nhằm nâng cao nhận thức cũng như thực trạng truyền thông về biến đổi khí hậu, đồng thời tăng cường kỹ năng phát hiện và định hướng cho phóng viên viết về biến đổi khí hậu. |
Theo kết quả mới được công bố, số lượng các bản in trên 5 tờ báo viết về biến đổi khí hậu đã tăng từ 24 lên 102 bài từ năm 2006 – 2008 và 343 vào năm 2009. Trong đó, nguồn thông tin thu thập được từ chính phủ chiếm số lượng nhiều nhất (khoảng 44% trong 5 loại báo in, tăng 15% so với năm 2008 và chiếm 43% các chương trình phát sóng). Trong khi đó, nguồn thông tin khai thác từ người dân địa phương và các nhà khoa học chỉ chiếm từ 3 – 7% ở mỗi loại phương tiện, giảm từ 6 – 20% so với 2008.
Cũng theo kết quả này, khoảng 1/3 các câu chuyện của biến đổi khí hậu tập trung vào việc giảm nhẹ thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong đó, vấn đề xóa đói giảm nghèo và quản lý chất phát thải được chú ý nhiều nhất (gần 1/4 những câu chuyện về biến đổi khí hậu năm nay có liên quan đến hai chủ đề này). Có thể nói, các vấn đề về đói nghèo và thiên tai đang ngày làm tăng thêm mối quan tâm của cộng đồng về biến đổi khí hậu.
Nhiều ý kiến cho rằng, để công tác truyền thông về biến đổi khí hậu đạt hiệu quả, các nhà báo cần phải có sự phối hợp chặt chẽ với các nhà khoa học trong việc đưa tin, viết bài và làm chương trình về biến đổi khí hậu, đặc biệt trong việc giải thích những hậu quả trước mắt của thiên tai và tác động lâu dài của biến đổi khí hậu. Nếu không làm được điều này, các nhà báo có thể sẽ gặp khó khăn trong việc chuyển tải những thông điệp chính về biến đổi khí hậu.
Theo Báo cáo “Climate change coverage by the Vietnamese media: four-year trends 2006-2009″, 05/12/2009.