COP15 nên thất bại

ThienNhien.Net – James Hansen, chuyên gia về biến đổi khí hậu, người đã báo động thế giới về sự nguy hiểm của hiện tượng nóng lên toàn cầu, trong một cuộc phỏng vấn mới đây cho rằng Hội nghị Biến đổi Khí hậu của Liên hiệp quốc đang diễn ra tại Copenhagen (COP15) nên thất bại vì điều đó sẽ mang lại tương lai tốt đẹp hơn cho trái đất và các thế hệ mai sau. Để rộng đường dư luận và giúp độc giả có được cái nhìn nhiều chiều về vấn đề này, ThienNhien.Net xin được giới thiệu quan điểm được đánh giá là bi quan của nhà khoa học James Hansen.


Người đứng đầu Viện Nghiên cứu Không gian Goddard tại New York, James Hansen, cho rằng COP15 còn quá nhiều điểm bất hợp lý, đến mức bất kỳ giải pháp nào đưa ra cũng có thể là một thảm họa. Theo ông, chúng ta thiếu những nhà lãnh đạo hiểu thấu vấn đề và nêu ra những ý kiến thực sự cần thiết.

Theo James Hansen, mọi quyết định có thể từ Hội nghị này sẽ chẳng giải quyết được việc gì và vì vậy quay lại điểm xuất phát có lẽ còn tốt hơn. Bất chấp việc Hội nghị Copenhaghen đang ngày càng được ủng hộ trên thế giới, ông vẫn cho rằng: “Cách tiếp cận vấn đề hiện nay là cực kỳ sai lầm và sẽ tốt hơn nếu chúng ta nhận định lại tình hình. Nếu mọi chuyện vẫn tiếp diễn kiểu Nghị định thư Kyoto thì con người lại phải mất tới nhiều năm nữa để xác định chính xác xem nó mang lại điều gì.”

Cả 4 khu vực phát thải chính của thế giới là Mỹ, châu Âu, Trung Quốc và Ấn Độ đã đệ trình các đề xuất giảm thải, tuy nhiên vấn đề cấp vốn cho các nước đang phát triển để ứng phó với tình trạng nóng lên toàn cầu hiện vẫn rơi vào bế tắc.

Xuất hiện nhiều lần trước quốc hội Mỹ kể từ năm 1989, Hansen, hơn bất kỳ một nhà khoa học nào khác, đã giúp các nhà chính trị nhận biết rõ nguyên nhân của hiện tượng nóng lên toàn cầu và thúc đẩy họ hành động để tránh những hậu quả thảm khốc sau này. Tuy nhiên, ông cũng là người kịch liệt phản đối kế hoạch thương mại hóa các-bon vì theo ông đó thực chất là một sự trao đổi ô nhiễm, mặc dù châu Âu và một số nước khác lại cho rằng đó là cách thức hiệu quả để giảm phát thải và tiến tới một nền kinh tế năng lượng sạch.

Hansen cũng kịch liệt phản đối tổng thống Mỹ Barack Obama và thậm chí cả cựu phó tổng thống Al Gore, người đã giành giải Nobel Hòa Bình vì những nỗ lực kêu gọi thế giới chống lại biến đổi khí hậu, vì theo ông, họ đã thất bại trong việc đối mặt với cái mà ông gọi là “thách thức đạo đức của thời đại chúng ta”.

Theo quan điểm của Hansen, đối phó với biến đổi khí hậu không phải là vấn đề có thể thỏa hiệp. Biến đổi khí hậu theo ông cũng tựa như chế độ nô lệ hay phát xít mà Abraham Lincoln và Winston Churchill đã phải giải quyết. Với những vấn đề như vậy, không thể có chỗ cho sự nhượng bộ hay thỏa hiệp, bởi đơn giản là ta không thể nói: “Hãy giảm số lượng nô lệ đi hay hãy tìm một giải pháp để cắt giảm 50% hoặc 40%.”

Hansen nổi lên như một người dẫn dắt các chiến dịch phản đối ngành công nghiệp than, nguồn gốc tạo ra lượng khí thải nhà kính nhiều hơn bất kì nguồn nhiên liệu nào khác.

Hansen cũng khiến các nhà môi trường học bất bình vì ủng hộ đánh thuế cacbon trực tiếp vào việc sử dụng nhiên liệu. Theo các nhà môi trường, điều này chỉ làm rối các nỗ lực áp dụng hệ thống cap and trade đang trên bàn đàm phán.

Hensen so sánh kế hoạch này tương tự như những lời xá tội mà nhà thời Thiên chúa giáo ban phát trong thời trung cổ, khi các giám mục thu được nhiều tiền, còn các tội nhân thì được cứu chuộc. Rốt cuộc, cả hai bên đều hài lòng với cách thức này mặc dù nó thật ngớ ngẩn. Theo ông, sự ngớ ngẩn ấy đang lặp lại ở các giải pháp môi trường hiện nay, trong khi các quốc gia phát triển thì muốn tiếp tục duy trì sản xuất còn các quốc gia đang phát triển thì cần tiền và thế là họ đi đến một thỏa hiệp thông qua trao đổi các-bon.

Mặc dù có quan điểm bi quan, Hansen cũng nhấn mạnh rằng chúng ta vẫn còn hi vọng. Theo ông, thật ngu ngốc nếu nghĩ rằng chúng ta không thể thay đổi được gì vì đã quá muộn. Chúng ta vẫn có thể hạn chế thảm họa chừng nào còn chưa bỏ cuộc.