ThienNhien.Net – Lâu nay, Mỹ vẫn giữ vai trò át chủ trong các cuộc đối thoại về khí hậu. Sự quay lưng của Mỹ đã khiến Nghị định thư Kyoto không thể đi đến đích. Nhưng nay, khi nhóm các nước đang phát triển nhanh dẫn đầu là Trung Quốc nổi lên tạo thế đối trọng, cộng với sức ép mạnh mẽ của dư luận thế giới, Mỹ buộc lòng cân nhắc hơn về trách nhiệm của mình. Tờ Guardian bình luận: "Nếu như có thể tự nói gì đó về mình, Mỹ sẽ nói rằng: Hừ, cái mớ bòng bong do chính ta gây ra này, giờ thì nó vận vào ta".
Chỉ đôi ba tuần trước, triển vọng cho một cam kết chung tại Copenhagen dường như còn vô cùng xa xăm. Tổng thống Mỹ Barack Obama trong chuyến viếng thăm Trung Quốc tháng 11 còn cho biết Mỹ sẽ dừng lại ở một giải pháp tạm thời tại Copenhagen trước khi đi đến một cam kết chính thức vào năm 2010.
Đến sát ngày 7/12 – khai mạc COP15, Obama cũng chỉ dự kiến ghé thăm Copenhagen vào ngày 9/12 nhân thể sang Oslo, Nauy nhận giải Nobel vào ngày hôm sau. Kế hoạch “sớm tới-sớm lui” này bị các chuyên gia đánh giá là thêm một hành vi “giũ bỏ trách nhiệm” nữa của Mỹ, dẫu kết quả Copenhagen có đi đến đâu chăng nữa.
Tuy nhiên, cuộc chơi đã chuyển hướng rõ rệt. Thiện chí cam kết góp phần giải quyết vấn đề khí hậu của Obama thể hiện rõ ràng hơn khi Cục Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) thông báo mức cắt giảm 17% đến năm 2020 trong mục tiêu dài hơi cắt giảm 83% tới 2050. Thông báo này được công bố mà không cần sự phê duyệt của Quốc hội Mỹ. (Theo quy định của Toà án Tối cao Mỹ 2007, EPA có quyền điều chỉnh lượng khí thải theo Bộ luật về Không Khí sạch, tuy nhiên dưới thời Cựu tổng thống Bush, EPA đã nhường trách nhiệm này cho Quốc Hội)
Sau cuộc gặp gỡ với các đồng minh, Obama đã quyết định sẽ đến Copenhagen vào thời điểm quyết định của COP15, khi các nhà lãnh đạo hàng đầu các quốc gia đều có mặt. Điều này, cũng có nghĩa ngài tổng thống đã chuẩn bị sẵn một tư thế đàng hoàng cho việc đàm phán.
Quan trọng hơn, Obama cũng đã công bố Mỹ sẽ cam kết đóng góp hàng năm vào quỹ 10 tỉ USD hỗ trợ các nước nghèo trước biến đổi khí hậu, từ nay đến năm 2012. Việc các nước giàu cam kết tài trợ gần đây được coi là điều kiện cần (mặc dù chưa phải là đủ) để giữ các bên ngồi lại bàn đàm phán. Obama đã lựa chọn con đường khác hẳn Cựu tổng thống Bush.
Quan điểm của Obama vấp phải sự phản đối của Đảng Cộng Hoà. James Hansen, người đứng đầu Viện Nghiên cứu Không gian Goddard tại New York, đồng thời là thành viên của Đảng Cộng Hoà, là một trong những người kịch liệt phản đối Obama và thậm chí cả cựu Phó tổng thống Al Gore vì cho rằng họ đã thất bại trong việc đối mặt với cái mà ông gọi là “thách thức đạo đức của thời đại”.
Sự bất đồng trong quan điểm nội bộ của Mỹ khiến các nhà đàm phán nước này rơi vào thế lưỡng nan, họ được ví như thể phải tham dự đấu thầu một căn biệt thự cao cấp trước khi ngân hàng phát giá sàn.
Song, dù nội tình câu chuyện nước Mỹ phức tạp ra sao, sự có mặt của Obama vào thời điểm quyết định COP15 vẫn được đón chờ.