ThienNhien.Net – Rệp cánh kiến đỏ (<i>Laccifer lacca Kerr</i>) là một loại côn trùng có kích thước nhỏ, đầu có một đôi râu chẻ đôi, miệng có vòi để hút nhựa cây. Rệp cánh kiến đỏ sống ký sinh chủ yếu trên cây đậu thiều, cọ phèn, vải, táo ta hoặc cây mọc tự nhiên… chúng hút nhựa cây của cây chủ rồi lại tiết ra nhựa để làm tổ. Nhựa được tiết ra từ các tuyến trên lớp kitin phủ kín thân rệp trừ vùng lỗ thở và hậu môn. Nhựa này có giá trị tương đối cao và là nguồn thu nhập lớn của đồng bào dân tộc các huyện miền núi. Vào các tháng 4-5 và tháng 9-10 là thời điểm thu hoạch nhựa cánh kiến đỏ. Từ xa xưa, sản phẩm nhựa cánh kiến đỏ đã được xếp vào mặt hàng lâm, thổ sản quý hiếm ở nước ta. Nhựa cánh kiến được dùng để nhuộm răng, nhuộm thảm màu, nhuộm thức ăn, làm phẩm màu, tráng bóng trái cây, hạt cà phê và một số loại hạt khác. Nhựa cánh kiến cũng được sử dụng để sản xuất túi ni-lông tự huỷ, pha màu sơn, vecni các loại và dùng trong keo xịt tóc. Đối với y học, nhựa cánh kiến được dùng chế tạo các khuôn làm răng giả và làm lớp tráng bên trong các bình trữ nước tiểu trong 24 giờ để xét nghiệm… (Ảnh: Kiến làm tổ ở vườn đậu thiều của người dân tại thị trấn Mường Lát, tỉnh Thanh Hoá)