ThienNhien.Net – Vài năm trở lại đây, hoạt động trang trại ở Hà Nội đã góp phần tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cây trồng, vật nuôi; phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị hàng hoá cao…, tạo nên các mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả để nông dân học tập và phát triển, góp phần không nhỏ vào kết quả sản xuất nông nghiệp Thủ đô. Tuy nhiên, phát triển kinh tế trang trại ở đây vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Mới đây, Hội thảo “Phát triển kinh tế trang trại thành phố Hà Nội” được Sở NN & PTNT Hà Nộị tổ chức ngày 04/12 vừa qua, cũng đã có nhiều ý kiến thảo luận xoay quanh những vướng mắc cần tháo gỡ.
Hà Nội đã đặt mục tiêu định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2010-2020 theo hướng hiện đại, gắn với đô thị sinh thái; sản xuất hàng hóa lớn, với năng suất, chất lượng hiệu quả; khả năng cạnh tranh cao, hài hòa và bền vững với môi trường. Theo đó, một trong những giải pháp cơ bản là đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại, hình thành các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất và từng bước nâng cao năng lực quản lý cho nông dân, cũng như các chủ trang trại.
Về quản lý Nhà nước
Một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay là chưa có quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế trang trại, cũng như chưa có định hướng cụ thể để các trang trại phát triển. Theo Giám đốc Sở NN & PTNT Hà Nội – Trần Xuân Việt thì hiện nay, quy mô trang trại tại Hà Nội manh mún, bình quân 1 trang trại chỉ sử dụng 2,58ha, đầu tư sản xuất không bài bản, nên hạn chế trong việc phát triển theo hướng bền vững.
Việc thực hiện xác định kinh tế trang trại theo tiêu chí quy định tại thông tư số 69, 62 của Liên Bộ Nông nghiệp & PTNT – Tổng cục Thống kê chưa thống nhất tại các quận, huyện trên địa bàn Thành phố và có nhiều điểm đã lạc hậu so với hiện tại. Theo chủ trang trại sản xuất rau sạch ở Đồng Mai – Hà Đông , ông Ngô Cảnh, thì với tiêu chí định lượng về qui mô sản xuất đối với trang trại trồng cây hàng năm phải từ 2ha trở lên sẽ khó đạt được với những khu vực sản xuất nông nghiệp ven đô vì với tốc đô thị hoá đến “chóng mặt” như hiện nay, các diện tích đất nông nghiệp thu bị thu hẹp. Trên thực tế, ở các vùng ven đô, nhiều trang trại được hình thành với diện tích nhỏ nhưng chủ trang trại đã tổ chức sản xuất những loại cây mang lại giá trị kinh tế cao như phong lan, rau mầm… giá trị thu về đạt hàng tỉ đồng /năm.
Bên cạnh đó, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với loại đất trang trại thuê của UBND các xã, hợp tác xã rất khó khăn nên các trang trại chưa yên tâm đầu tư sản xuất. Mặc dù đã có chính sách đất đai (Tại Quyết định số 05/2009/QĐ-UBND) quy định thời gian sử dụng đất phát triển kinh tế trang trại tối thiểu là 20 năm và được UBND các huyện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các trang trại; nhưng đến nay mới có khoảng 1,4% trang trại được cấp giấy chứng nhận sử dụng đất, tương đương với khoảng 30/3.207 trang trại. Do vậy, hầu như các trang trại chưa thực sự yên tâm trong việc đầu tư mở rộng sản xuất.
Anh Nguyễn Văn Thanh, Chủ nhiệm HTX chăn nuôi Vạn Thái (Ứng Hòa) cho biết, gia đình anh làm kinh tế trang trại từ năm 2001 nhưng thời hạn Nhà nước cho thuê đất ngắn (5 năm) mà việc đầu tư cho trang trại phải tập trung nguồn vốn lớn, sau thời gian dài mới có hiệu quả nên không yên tâm mở rộng sản xuất.
Còn anh Trần Văn Chiến, Chủ nhiệm HTX chăn nuôi xã Cổ Đông (Sơn Tây) cho biết, phần lớn đất phát triển kinh tế trang trại ở Cổ Đông chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nên rất khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn vay đầu tư sản xuất… Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Đình Chiêu cho rằng, cần nghiên cứu để đất làm trang trại cũng được “bình đẳng” như đất trong các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng. Nếu được vậy, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các trang trại vay vốn.
Về vay vốn
Thành phố đã có chính sách về vay vốn nhưng thủ tục còn phức tạp, nhiêu khê, qua nhiều đầu mối trung gian nên không khuyến khích được các chủ trang trại vay vốn đầu tư cũng như việc tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi. Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới Nguyễn Đắc Hải, chủ trang trại tại xã Chuyên Mỹ (Phú Xuyên) cho biết, trang trại của anh sau nhiều lần mở rộng quy mô, đến nay có tổng diện tích lên đến 60 ha. Nhu cầu vay vốn để đầu tư sản xuất của trang trại khoảng vài chục tỷ đồng, tuy nhiên hiện mới chỉ vay được gần 2 tỷ đồng, do đó gặp khó khăn trong sản xuất.
Theo ông Hải, các trang trại phát triển đem lại hiệu quả kinh tế cao cần phải đầu tư thâm canh, số tiền đầu tư cho 1 ha bình quân khoảng 500 triệu đồng. Trong khi đó, hơn 20 năm nay, diện tích đất trang trại chỉ được ký hợp đồng 5 năm 1 lần, chính vì vậy xây dựng được phương án vay vốn lớn là rất khó khăn.
Vấn đề ứng dụng khoa học công nghệ mới vào phát triển kinh tế trang trại
Việc đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật mới ứng dụng vào sản xuất tạo điều kiện cho một số trang trại được tham gia một phần các mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi là chương trình của Bộ Nông nghiệp & PTNT và Thành phố, tuy nhiên, các lớp tập huấn ngắn ngày cho các chủ trang trại chưa thật sự khuyến khích hỗ trợ các trang trại tham gia các chương trình áp dụng công nghệ mới về chế biến, bảo quản nông sản, sản xuất cây con giống chất lượng để phát triển trang trại.
Về xúc tiến thương mại, thông tin tuyên truyền
Về chính sách xúc tiến thương mại hỗ trợ kinh phí xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm nông nghiệp, tham gia các hội chợ triển lãm giới thiệu sản phẩm nông nghiệp trong và ngoài nước: Do quy mô và phương thức sản xuất của các trang trại chưa có nhu cầu, chưa được phổ biến nên việc thực hiện chính sách còn rất hạn chế hầu như không thực hiện.
Việc cung cấp thông tin, khuyến cáo trang trại, định hướng sản xuất cho trang trại còn hạn chế; việc tiêu thụ sản phẩm chủ yếu của các chủ trang trại chưa có tác động của nhà nước. Các chủ trang trại chưa liên danh, liên kết để phát triển sản xuất.
Theo nhiều ý kiến của lãnh đạo các quận, huyện thì các chủ trang trại hiện còn “e rè” trong việc tiếp cận với các cơ quan nhà nước để nắm bắt các chủ trương chính sách trong phát triển kinh tế trang trại, ngược lại các cơ quan nhà nước còn hạn chế hình thức tuyên truyền các chính sách khiến chủ trang trại khó tiếp cận. Do đó, việc công khai hoá các thủ tục hành chính và các chính sách về phát triển nông nghiệp lên cổng thông tin điện tử để người dân dễ dàng tiếp cận là rất cần thiết.
Những vấn đề tồn tại trên khiến kinh tế trang trại thành phố còn gặp khó khăn trong định hướng phát triển bền vững. Tại hội thảo, giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội – ông Trần Xuân Việt cho biết, trong thời gian tới Sở NN & PTNT sẽ phối hợp với các sở ban ngành trên Thành phố tổng hợp, thống kê, lập quy hoạch phát triển kinh tế trang trại; thành lập trung tâm xúc tiến thương mại và dành nguồn ngân sách từ 5-7 tỷ đồng để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền của ngành; xây dựng chương trình đào tạo nâng cao trình độ quản lý cho chủ trang trại, đồng thời đẩy mạnh liên kết để các trang trại có thể tự chủ trong việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đầu ra, gắn kết giữa nhà nước – nhà sản xuất – nhà chế biến và tiêu thụ.