Ấn tượng một vùng Ramsar

ThienNhien.Net – Hơn 4 giờ đồng hồ ngồi xe ô tô từ Hà Nội, chúng tôi đã đặt chân tới Vườn quốc gia Xuân Thủy – khu Ramsar đầu tiên và là một trong 150 điểm ngắm chim lý tưởng ở Việt Nam. Trước mắt tôi là một khung cảnh thiên nhiên đẹp mê hồn và thơ mộng với những cồn cát xen kẽ các bãi bồi ngập triều, những rặng phi lao xanh ngắt và cánh đồng nước loang loáng trải dài, thi thoảng lại có những cánh cò rập rờn trên mặt sóng…. Tất cả đã tạo trong tôi một ấn tượng khó phai về Xuân Thủy.

Nằm trên một bãi bồi rộng 7.100ha ở phía Nam sông Hồng ngay tại cửa Ba Lạt, Vườn quốc gia (VQG) Xuân Thuỷ cách Hà Nội khoảng 150km, thuộc huyện Giao Thủy, Nam Định. Vùng lõi VQG có diện tích đất nổi khi triều kiệt 3.100ha, đất ngập nước 4.000ha, bao gồm một phần Cồn Ngạn, toàn bộ Cồn Lu và Cồn Xanh thuộc xã Giao Thiện. Còn vùng đệm là phần còn lại của Cồn Ngạn (ở trong đê Vành Lược), toàn bộ Bãi Trong, có diện tích 800ha, thuộc 5 xã: Giao Thiện, Giao An, Giao Lạc, Giao Xuân và Giao Hải.  

 

 Theo công ước RAMSAR thì tháng 01/1989, khu rừng ngập nước vùng cửa sông này đã trở thành thành viên thứ 50 trong danh sách các khu ngập nước có tầm quan trọng quốc tế và đến năm 2004 trở thành VQG Xuân Thuỷ.

 

 

 Địa hình tự nhiên được kiến tạo bằng quy luật bồi lắng phù sa của vùng cửa sông, đã tạo dựng nên một khu dự trữ thiên nhiên với nhiều sinh cảnh độc đáo. Đây là nơi bảo tồn một mẫu chuẩn điển hình của hệ sinh thái đất ngập nước (Ramsar) với nhiều loài động vật hoang dã và chim di cư quý hiếm. Du lịch sinh thái xem chim đang là mô hình thu hút rất nhiều khách quốc tế, là lợi thế rất lớn đối với các khu Ramsar như Xuân Thủy.

 

 Con đê biển Vành lược ngăn giữa vùng lõi và vùng đệm của VQG Xuân Thủy cũng tạo nên một cảnh quan rất riêng ở khu Ramsar này.

 

 Trên vùng đất ngập mặn này, dưới làn nước thủy triều có khoảng 165 loài động vật nổi và 154 loài động vật đáy, tổng cộng khoảng 500 loài động vật thủy sinh, hơn 10 loài thú, cùng hàng trăm loài bò sát, côn trùng và lưỡng cư khác. Về thực vật, vườn hiện có 120 loài thực vật bậc cao, trong đó có nhiều loài rong tảo có giá trị kinh tế. Đặc biệt, nơi đây là “sân ga” quan trọng của các loài chim di trú.

 

 Hàng năm, trong khoảng thời gian từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau, Ramsar Xuân Thủy là nơi hội tụ hàng chục ngàn con chim từ phương Bắc bay về. Nhiều loài chim dừng chân ở đây để tích lũy năng lượng cho hành trình phía trước, nhưng không ít loài khác lại chọn nơi đây làm điểm trú đông.

 

 Theo thống kê của Vườn, có 219 loài chim sinh sống ở đây, chủ yếu là chim nước, với hơn 100 loài chim di cư, cùng nhiều loài có tên trong Sách đỏ thế giới như: rẽ mỏ thìa, bồ nông, cò thìa, choi choi mỏ thìa, mòng biển, diệc đầu đỏ…

 

 

 “Vườn chim” tự nhiên ở đây hàng năm thu hút 30-40 đoàn nghiên cứu đến từ nhiều nước trên thế giới. Hiện nay, Ban Quản lý Vườn đang nỗ lực hoàn thiện các dịch vụ để phục vụ du khách đến tham quan như xây dựng các chòi xem chim trang bị các ống nhòm, thuyền đưa du khách tham quan hệ sinh thái rừng ngập mặn cửa sông Hồng…, tạo điều kiện cho người dân địa phương cùng quản lý và thực hiện các dịch vụ du lịch sinh thái.

 

 

Đến Ramsar vào những ngày cuối năm, chúng tôi có dịp tận mắt chứng kiến từng đàn chim di trú, bay rợp cả một khoảng trời. Ngồi trên thuyền len lỏi giữa rừng cây ngập nước, những người tìm theo “bóng chim tăm cá” luôn tràn đầy một cảm giác hồi hộp, háo hức, để rồi vỡ òa mãn nguyện khi may mắn gặp đàn cò thìa đậu thành hàng dài trên bờ đìa tôm. Loài chim có mỏ hình chiếc thìa này đã được ghi vào Sách Đỏ Thế giới, đồng thời là loài chim đẹp và hiếm nhất ở đây. Ở Việt Nam hầu như chỉ có thể bắt gặp cò mỏ thìa ở khu Ramsar Xuân Thủy (đã có lúc cò thìa tại đây chiếm tới 20% số lượng cá thể hiện có của loài này trên toàn thế giới). 

 

 

 Sáng sớm, khu Ramsar chan hoà sắc bình minh, mặt nước lăn tăn, ánh lên như bạc. Trong sắc nắng nhạt của một ngày đông, lũ chim đang dàn hàng rỉa lông, cánh. Nhiều con sải cánh, chuẩn bị bay đi kiếm mồi. Tôi đã mường tượng bao lần về hình ảnh con cò trong những câu hát ru của bà, của mẹ, nhưng đến giờ tôi mới được tận mắt chứng kiến dáng thanh mảnh, cái cổ vươn cao, tinh nhanh của chúng trên những cánh rừng ngút ngát. Ở nơi đô thị xô bồ làm sao có được khoảnh khắc thanh bình đến thế!

 

 

 Đi thuyền khoảng nửa tiếng đồng hồ, chúng tôi đến được đài quan sát xây trên nền đất cao, nơi tầm mắt của chúng tôi có thể ôm trọn cả khu rừng ngập mặn phía dưới. Xung quanh, rừng phi lao xanh rờn đứng hiên ngang đương đầu với sóng gió. Dưới mặt đất, bạn không khỏi ngạc nhiên bởi chằng chịt rau muống biển khoe màu tím biếc du dương theo tiếng sóng, tiếng gió hát bài ca đón chào du khách.

 

 Nếu đi theo tàu tham quan, chỉ ngồi và ngắm, có lẽ tôi sẽ không thể “nếm” được hương vị rất riêng, ngai ngái của rừng, mặn mòi của biển, hay nghe tiếng chim gọi nhau cuối ngày…

 

 

 Tại đây, Trung tâm Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển Cộng đồng (MCD) cũng đang nỗ lực cùng chính quyền địa phương tạo sinh kế phù hợp cho người dân, nhằm giảm áp lực lên VQG. Cũng nhờ những nỗ lực này mà người dân hiểu được vai trò và tầm quan trọng của hệ sinh thái rừng ngập mặn trong việc bảo vệ đê biển, phòng chống thiên tai, cải thiện nguồn tài nguyên thiên nhiên.

 

 Xế chiều, mặt trời đã núp bóng cũng là lúc chúng tôi phải chia tay với Xuân Thủy. Hy vọng sẽ có dịp được quay trở lại nơi đây để chiêm ngưỡng cảnh quan kỳ thú của vùng cửa sông ven biển, để hòa mình với thiên nhiên hoang dã trong không gian của rừng giao hòa với biển và cảnh “đất lành chim đậu”.


Nguồn ảnh:
Ảnh số 9,10,12,17,18,19 – ThienNhien.Net.
Các ảnh còn lại: Dũng Minh.