Ô nhiễm môi trường từ quy hoạch công nghiệp

ThienNhien.Net – Công nghiệp là ngành kinh tế đặc biệt quan trọng đối với bất kỳ quốc gia, vùng lãnh thổ nào. Nó là động lực cho sự phát triển của các ngành kinh tế, là cơ sở của các ngành dịch vụ, thương mại, là yếu tố trung tâm của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Công nghiệp góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, xoá đói giảm nghèo cho các quốc gia, nâng cao vị thế, hình ảnh của các quốc gia. Tuy nhiên bên cạnh những vai trò to lớn đó, các khu cụm công nghiệp cũng gây ra hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt như tác động đến đời sống, sức khoẻ, sinh hoạt của dân cư làm ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến phát triển bền vững.

Khu, cụm công nghiệp là hình thức ra đời và phổ biến ở các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Đây là một mô hình sử dụng các ưu đãi đặc biệt (thuê đất, ưu đãi thuế, thủ tục hành chính, lao động,…) để thu hút vốn, khoa học công nghệ của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Mô hình này được đánh giá là phù hợp với các quốc gia đang ở giai đoạn đầu quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Đồng thời, các khu, cụm công nghiệp cũng là nơi tạo ra một nguồn thu ngân sách lớn cho các địa phương, cho các quốc gia, giải quyết hàng ngàn, thâm chí hàng trăm ngàn lao động trong một khu, cụm công nghiệp với diện tích từ vài chục đến hàng trăm ha…

Tuy có nhiều đóng góp như vậy nhưng khu, cụm công nghiệp cũng còn rất nhiều điều đáng bàn. Trước hết, đó là nơi tập trung các cơ sở sản xuất công nghiệp với nhiều loại hình khác nhau, dù các cơ sở này có công nghệ hiện đại đến mấy cũng đều tác động đến môi trường,  ở những khía cạnh và mức độ khác nhau (ô nhiễm nước mặt, nước ngầm, không khí, khói, bụi, tiếng ồn, giao thông, ô nhiễm nhiệt độ, độ ẩm…) làm cho các khu vực xung quanh bị ảnh hưởng.

Các khu, cụm công nghiệp là trung tâm, nơi duy trì và phát tán nguồn gây ô nhiễm. Các tác động này không chỉ diễn ra trước mắt mà diễn ra lâu dài, không chỉ diễn ra tại vị trí đặt cơ sở sản xuất mà còn lan rộng theo nguồn nước, theo gió….

Việc khắc phục hậu quả ô nhiễm cũng rất phức tạp, kéo dài và rất tốn kém, thậm chí vượt xa tổng số ngân sách mà khu, cụm công nghiệp đó đã đóng góp cho địa phương trong suốt thời gian nó hoạt động.

Song, hậu quả nguy hiểm nhất chính là những ảnh hưởng đến an toàn sức khoẻ người dân và huỷ hoại tài nguyên môi trường – có những tác động không thể và không bao giờ khắc phục được.

Trong thời gian qua, Việt Nam có tốc độ phát triển công nghiệp rất nhanh, cả về tốc độ, quy mô và phân bố. Hiện nay, cả nước có gần 600 khu, cụm công nghiệp đã, đang và sẽ đi vào hoạt động và 15 khu kinh tế (thực chất là một dạng khu công nghiệp).

Các khu công nghiệp tập trung ở Việt Nam mới chỉ đi vào hoạt động khoảng 20 năm. Tân Thuận là một trong những khu chế xuất hoạt động sớm nhất tại Việt Nam, đã nảy sinh hàng hoạt vấn đề về kinh tế và tàn phá môi trường thiên nhiên, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt và sức khoẻ dân cư.

Hàng loạt các “con sông chết”, “vùng đất chết”, “cánh đồng chết” kéo theo đó là những làng ung thư, những hồ tôm, ao cá với hàng ngàn tấn cá chết hàng loạt xuất hiện khắp mọi vùng miền của đất nước.

Khởi nguồn ô nhiễm

Tình trạng ô nhiễm tại các khu công nghiệp, sự lan rộng những chất gây ô nhiễm xuất phát từ nhiều nguyên nhân, có thể do đặc thù của ngành nghề, nhưng cũng có thể do yếu tố chủ quan là quy hoạch bởi con người.

Nhiều khu công nghiệp được hình thành, phân bố chủ yếu xuất phát từ sự duy ý chí, sự nóng vội, vì thành tích, phát triển công nghiệp bằng mọi giá, thiếu tôn trọng quy luật tự nhiên, không dựa trên những tri thức về địa lý tự nhiên, địa lý kinh tế…

Thực trạng cho thấy rất nhiều cụm khu công nghiệp nằm ngay sát các dòng sông để tận dụng nguồn nước đầu vào và thuận tiện xả thải. Việc làm này không chỉ tác động đến người dân sở tại mà có khả năng phát tán nguồn gây ô nhiễm trên diện rộng, kéo dài rất khó kiểm soát, khắc phục, xử lý hậu quả. Vị trí các khu công nghiệp này cũng tạo điều kiện, tiếp tay cho các doanh nghiệp có cơ hội xả chất thải trực tiếp ra môi trường mà ít cơ nguy cơ bị phát hiện (điển hình là các khu công nghiệp trên sông Đồng Nai, Thị Vải, Sài Gòn, Sông Nhuệ, Sông Đuống, sông Cầu…bị báo chí lên án trong thời gian qua).

Phát triển khu, cụm công nghiệp cần phải làm gì?

Việc xác định vị trí phân bố các khu công nghiệp không thể chỉ đơn thuần xuất phát từ lợi ích kinh tế, mà nó cần dựa trên cơ sở khoa học địa lý, địa môi trường, xuất phát và tôn trọng các yếu tố, thành phần tự nhiên, tôn trọng và lấy lợi ích của cư dân trong phạm vi ảnh hưởng làm tiêu chuẩn hàng đầu cho việc lựa chọn vị trí.

Việc xác định vị trí quy hoạch các khu, cụm công nghiệp cần phải xa các trung tâm dân cư, xa trung tâm các thành phố, thị xã, thị trấn. Bởi các khu, cụm công nghiệp khi đi vào hoạt động thì tuỳ theo ngành nghề mà có thể gây ra khói bụi, mùi hôi, tiếng ồn, các chất thải nguy hại khác, gây ắch tắc giao thông sẽ tác động trực tiếp vào thành phố, các khu dân cư kế cận.

Về lý thuyết, khi xây dựng các khu, cụm công nghiệp, nhà máy, kể cả một lò gạch đốt bằng than, gỗ … cũng không được xây dựng ở vị trí mà khói bụi sẽ tác động vào khu vực dân cư, nhất là khu vực có mật độ dân cư cao, hoạt động kinh tế diễn ra sôi động, trong các thành phố trẻ, trung tâm tỉnh lị có tốc độ phát triển nhanh.

Việc xác định vị trí phân bố cần phải dựa trên cơ sở xác định không gian mở rộng thành phố, khu dân cư trong tương lai (ít nhất là 30-50 năm). Trong khi đó, các khu, cụm công nghiệp hiện nay đều nằm trong hay nằm sát thành phố, khu dân cư, hoặc các khu công nghiệp đang được kỳ vọng là hạt nhân hình thành các thị tứ, thị trấn, thành phố trong tương lai.

Hơn nữa, các khu, cụm công nghiệp phải thoả mãn các điều kiện địa – môi trường, phải tránh những vị trí nhạy cảm như vị trí đón gió, trên những dải đất quá cao, nơi có các kênh dẫn nước, dọc hệ thống các sông suối, các nhà máy cung cấp nước, các đầu mối giao thông (nhà ga, bến tàu..)… Bởi khi hoạt động, các luồng gió sẽ mang theo nguồn gây ô nhiễm (khói, bụi, mùi hôi thối, tiếng ồn…) vào khu vục dân cư, khu vực thành phố. Các khu vực cao dễ phát tán nguồn gây ô nhiễm theo độ nghiêng của địa hình, kể cả theo đường nước mặt và nước ngầm.

Phát tán thông qua con đường giao thông cũng cần tính đến vì đây là nơi có nhiều người, phương tiện qua lại. Các nguồn gây ô nhiễm khi gặp điều kiện phát tán thuận lợi sẽ tác động trên phạm vi rộng, lâu dài và rất khó khắp phục, kiểm soát. Hậu quả của việc phân bố hàng trăm khu công nghiệp trên hệ thống sông Đồng Nai – Sài Gòn; hệ thống Sông Cầu, sông Đuống (xả nước thải xuống các sông)… đang làm ô nhiễm cả lưu vực sông rộng lớn, đe doạ môi trường sống của hàng chục triệu người dân khu vực Đông Nam Bộ, khu vực đồng bằng sông Hồng. Hay các lò gạch ở các tỉnh An Giang, Long An, Tiền Giang dù đã phân bố ở khu vực nông thôn, xa khu dân cư nhưng khi có gió đã mang khói, bụi vào gây ô nhiễm trên diện rộng làm ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt.

Các khu, cụm công nghiệp quy hoạch cần tránh nằm trong, sát hoặc giao thoa với các khu dân cư hiện hữu. Bởi nếu nằm trong thành phố, trong các khu dân cư sẽ rất khó khăn và tốn kém trong công tác đền bù và giải phóng mặt bằng. Chi phí cho đền bù và giải phóng mặt bằng thường rất lớn vì giá trị đất đai ở những khu vực này thường cao gấp nhiều lần khu vực ngoại vi.

Mặt khác, việc giải phóng mặt bằng sẽ rất khó khăn do khu vực đông dân cư, khu vực nội thành là những khu vực có khả năng sinh lợi rất cao, cao hơn rất nhiều so với các khu vực khác do trong thành phố người dân có thể phát triển các dịch vụ kinh doanh lớn nhỏ khác nhau. Do đó, nếu người dân di chuyển sẽ mất đi cơ hội kinh doanh, mất đi nguồn thu nhập.

Trong khi đó, các khu, cụm công nghiệp phân bố không nhất thiết phải nằm trong khu dân cư, thành phố bởi về lý thuyết phân bố trong phạm vi xa- gần 20- 30 km không ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ hàng hoá và cung cấp nguyên liệu phục vụ sản xuất của khu, cụm công nghiệp đó, chỉ có chi phí cho giao thông là tăng lên, nhưng không đáng kể.

Và cuối cùng, không nên phân tán các cơ sở sản xuất công nghiệp. Các địa phương nên xác định một vị trí, một diện tích phù hợp để phân bố các khu, cụm công nghiệp nhằm gom nguồn gây ô nhiềm về một khu vực để quản lý hoạt động, quản lý về mặt môi trường, giảm chi phí xây dựng các cơ sở hạ tầng có liên quan. Điều này cũng tránh gây ra lãng phí một diện tích rất lớn đất không được sử dụng do chờ dự án đầu tư.

Những bài học được rút ra từ các khu, cụm công nghiệp trong thời gian qua là những kinh nghiệm quý cho các cấp chính quyền khi tiến hành quy hoạch. Phát triển hướng tới môi trường sạch, chú trọng đến sức khoẻ người dân là một định hướng phát triển mang tính nhân văn, có đạo đức.