ThienNhien.Net – Rừng đặc dụng Mường Phăng- “rừng Đại tướng” là địa điểm lưu giữ những chứng tích lịch sử vẻ vang, oai hùng của dân tộc Việt Nam, thuộc khu Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ (xã Mường Phăng, huyện Điện Biên) với tổng diện tích 962 ha. Dù đã quy định rõ trong quyết định 194/CT (ngày 09/08/1986), Mường Phăng là rừng cấm song từ năm 2008 đến nay, nhiều người dân địa phương vẫn bất chấp luật, ngang nhiên vào rừng chặt phá, khai thác gỗ, gây nhiều bức xúc trong dư luận.
Cùng với đó, khu vực quanh hồ Pa Khoang – nơi có cảnh quan thiên nhiên đẹp với quần thể sinh học đa dạng, đáp ứng nhu cầu tham quan, du lịch hằng năm của hàng ngàn du khách trong và ngoài nước cũng chịu chung số phận.
Qua báo cáo sơ bộ của Đoàn Thanh tra liên ngành Sở NN&PTNT tỉnh Điện Biên, với 27 điểm được chọn điều tra tại khu vực Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ đã có 34 cây gỗ bị triệt hạ. Số gỗ bị chặt hạ được lâm tặc chọn tỉa rải rác từ 2 – 3 năm nay và đã vận chuyển trót lọt ra khỏi khu vực. Khu vực rừng quanh hồ Pá Khoang thuộc tiểu khu 708 tại các khoảnh 5, 6, 9, tổng số cây bị chặt hạ là 55 cây, đa phần bị chặt hạ từ giữa năm 2008 và đã tẩu tán, chỉ còn một vài khúc sót lại “minh chứng” cho sự hiện diện của bàn tay lâm tặc, thách thức chính quyền.
Ngay trong những ngày đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh “vi hành” tại xã Mường Phăng, người dân vẫn thản nhiên mang cưa vào rừng chặt hạ cây trái phép; khi bị bắt thì những đối tượng đưa ra những lý do hết sức vô lý: dùng làm củi đốt, quan tài…
Tính từ năm 2007 đến nay, hạt kiểm lâm huyện đã bắt và ra quyết định xử lý hơn 100 vụ vi phạm liên quan tới rừng và lâm sản, trong đó có trên 80 quyết định xử phạt vi phạm hành chính về phá rừng làm nương với tổng số diện tích rừng bị phá 15 ha; 14 quyết định xử phạt vi phạm hành chính về khai thác, cất giữ lâm sản trái phép, tịch thu xử lý trên 20m3 gỗ xẻ các loại. Phần đông các đối tượng vi phạm chống đối, không chấp hành các quyết định trên. Vì vậy 2 năm gần đây, UBND huyện phải ban hành 87 quyết định và tổ chức lực lượng thi hành cưỡng chế, cho thấy sự yếu kém, bất lực của ngành chức năng, chuyên trách địa phương trước sự lộng hành, chống đối của lâm tặc.
Đoàn thanh tra đã phát hiện một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng xâm phạm “rừng cấm” Mường Phăng là việc giao nhiệm vụ cho Tổ Quản lý Di tích Lịch sử nơi đây chưa cụ thể, rõ ràng, không đề cập việc quản lý và bảo vệ rừng. Công tác khoanh nuôi, bảo vệ rừng chưa thật sự hợp lý đã tạo ra sự thắc mắc, bất bình trong dân cư. Lực lượng kiểm lâm vừa yếu lại vừa thiếu. Cùng với đó là công tác lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền xã Mường Phăng còn buông lỏng, làm ngơ, thiếu trách nhiệm và phó mặc cho lực lượng kiểm lâm; nguy hại hơn chính quyền xã còn có biểu hiện bao che, dung túng cho hành vi chặt phá rừng của cán bộ xã mình.
Đối với rừng Mường Phăng – địa danh lịch sử của cả nước, việc bảo vệ, ngăn chặn hành vi chặt phá rừng là cấp bách. Nhưng khi chính quyền địa phương chưa có biện pháp hữu hiệu và chế tài mạnh đủ sức răn đe các đối tượng xâm hại rừng thì vấn nạn đại ngàn Mường Phăng bị “’rút ruột”’ là điều khó tránh khỏi.