ThienNhien.Net – "Chuyển giao công nghệ" – đó là một trong những chủ đề được quan tâm nhất trong các phiên đàm phán tại Copenhagen. Tuy nhiên, theo Cath Bremner, giám đốc phụ trách về phát triển quốc tế tại Carbon Trust(*), nếu vấn đề "chuyển giao công nghệ" không được soi xét một cách thực tiễn, nó sẽ mãi chỉ là một giấc mơ đối với các nước nghèo.
Không khả thi
Cath Bremner cho rằng về lý thuyết, việc các nước giàu chuyển giao công nghệ cho các nước đang phát triển là một ý tưởng tốt, và trên thực tế nó đã phát huy ý nghĩa trong lĩnh vực sản xuất thuốc điều trị bệnh nhân AIDS/HIV. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu là một phạm trù khác, với đòi hỏi công nghệ phức tạp hơn nhiều.
Lý do thứ nhất, bởi người nắm trong tay bản quyền về công nghệ không phải là các chính phủ, mà là các công ty. Việc vận động các công ty chấp thuận chuyển giao công nghệ của họ sẽ vô cùng khó khăn.
Có thể lấy ô tô hybrid – ô tô tiết kiệm nhiên liệu và không xả thải trong quá trình vận hành làm một ví dụ. Riêng để sản xuất một chiếc xe nói trên người ta phải đụng chạm tới trên 350 bằng sáng chế khác nhau. Quản lý hàng trăm bằng sáng chế ấy sẽ như thế nào? Và giả dụ bạn có thể vượt qua rào cản này đi nữa, bạn sẽ phải đối mặt với những thách thức tiếp theo là làm sao để tạo lập, quảng bá và đưa công nghệ hiện đại này vào những thị trường mới hoàn toàn, nơi còn vô cùng thiếu thốn những yếu tố cơ bản như kỹ năng, vốn và cơ sở hạ tầng.
Lý do lớn thứ hai, đó là người ta vẫn thường gắn vấn đề “chuyển giao công nghệ” với một giả thiết mặc định rằng “công nghệ đã có sẵn rồi, chỉ chờ chuyển giao mà thôi”. Nhưng thực tế không phải vậy. Ngay bản thân các nước phát triển, họ vẫn đang trong quá trình tìm kiếm và thử nghiệm.
Chẳng hạn như nhiên liệu sinh học, chúng ta đều biết tảo là một nguồn nguyên liệu nhiêu liệu sinh học tiềm năng. Tuy nhiên, để có thể tiến đến việc sản xuất đại trà nhiêu liệu sinh học từ tảo, có thể cần tới ít nhất 15-20 năm nữa. Liệu chúng ta có thể yêu cầu các nước phát triển chuyển giao thứ công nghệ mà ngay cả đến nay họ còn chưa nắm chắc về nó?
Nên biến “Chuyển giao” thành “Hợp tác”
Theo Cath Bremner, trong khi nhà nước có thể kích thích nhu cầu và tạo ra một thị trường cho các công nghệ các-bon thấp thì khu vực tư nhân có thể tham gia trực tiếp vào thị trường thông qua việc đầu tư quy mô lớn vào lĩnh vực này. Sự hợp tác giữa hai khối sẽ đóng vai trò then chốt tạo nên thành công.
Giải pháp mà Cath Bremner đưa ra là thiết lập một mạng lưới trên phạm vi toàn cầu các Trung tâm Đổi mới Khí hậu, đặt văn phòng tại các nước đang phát triển, với nguồn kinh phí do cộng đồng quốc tế, các chính phủ, doanh nghiệp trong nước và quốc tế tài trợ.
Chức năng của các trung tâm này là xây dựng năng lực tại chỗ, hỗ trợ tài chính, thúc đẩy sự tham gia của các doanh nghiệp, cung giới thiệu các công nghệ mới cũng như xúc tiến việc nghiên cứu các công nghệ phục vụ cho tương lai.
Cath Bremner cho biết việc đầu tư này sẽ mang đến giải pháp phù hợp cho đúng đối tượng đang cần. Vì mỗi quốc gia, mỗi khu vực phải đối mặt với một thách thức của riêng mình trong vấn đề khí hậu cũng như năng lượng nên sẽ không thể có một “viên đạn bạc” nào là lời giải cho tất cả. Trước mắt, để đầu tư cho 20 trung tâm, sẽ cần khoảng 2 tỉ bảng Anh đầu tư ban đầu. Số tiền này sẽ thu hút được một lượng đầu tư lớn gấp 10 lần từ các doanh nghiệp tư nhân. Các trung tâm có thể đi vào vận hành trong vòng 2 năm.
Công nghệ sạch ở các nước phát triển hầu hết được thiết kế gắn với điều kiện thực tế cơ sở hạ tầng lưới điện đã hoàn thiện. Tuy nhiên, công nghệ đó sẽ không phù hợp với nhiều nước đang phát triển nơi lưới điện chưa được đầu tư.
Vì vậy, thay vì chờ đợi nhận được công nghệ có sẵn, các quốc gia nghèo cần khai thác thế mạnh về tri thức và sự tham gia của khối tư nhân ngay tại chỗ, kết hợp với sự hỗ trợ tài chính của cộng đồng quốc tế.
Thập kỷ tới đây sẽ là giai đoạn vô cùng quan trọng để giảm khí các bon. Nếu chúng ta cứ tiếp tục ngủ vùi trong một giấc mơ huyễn hoặc “chuyển giao công nghệ” mà không phải là “hợp tác công nghệ”, chúng ta sẽ lỡ mất thời gian, không thể nào vượt qua những thách thức mà thế giới phải đối mặt
Và nhiệm vụ của tất cả chúng ta là: Không được phép để điều đó xảy ra.
(*) Carbon Trust: Một công ty độc lập của Anh, do Chính phủ Anh thành lập với nhiệm vụ giám sát và thúc đẩy mục tiêu nền kinh tế các-bon thấp.