ThienNhien.Net – Ánh mắt nhìn xa xăm, chị Nguyễn Thị Then tâm sự: "Với một gia đình nông dân thì 6 sào đầm nuôi tôm có thể lo cho cả nhà thoát cảnh túng bấn, nhưng đã 5 năm nay gia đình tôi chỉ có chi mà không thu, dù chỉ là đồng vốn bỏ ra…". Mấy năm trở lại đây, hiện tượng xâm nhập mặn trong đất, nước ngày càng tăng, là nguyên nhân chính dẫn đền tình trạng điêu đứng của hàng nghìn hộ dân sống bằng nghề nuôi tôm ven biển huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình
Nhạt nhòa phận người vùng đất lấn
Đã 5 năm nuôi tôm, nhưng gia đình chị Then (xóm 4 xã Kim Hải, huyện Kim Sơn) chưa một lần thu về dù chỉ là vốn đầu tư ban đầu cho mỗi vụ. Gần đây nhất, năm 2008, số tiền 2,5 triệu đồng mà chị chạy vạy tích cóp từ họ hàng về mua tôm giống, trớ trêu thay cũng bỏ sông bỏ bể: “Mất trắng chú ạ, không thu về được một con tôm nào. Đau xót lắm, nhưng còn biết làm gì được nữa, khi ông trời không cho mình ăn”. Người phụ nữ chưa đầy 36 tuổi nghẹn ngào nói, không nén tiếng thở dài khi trò chuyện với chúng tôi.
Gia đình chị Then ra Kim Hải xây dựng kinh tế mới từ năm 1994 với hi vọng vùng đất mới sẽ mang lại no ấm cho gia đình. Những năm đầu, thu nhập gia đình chị phụ thuộc hoàn toàn vào 6 sào cói, cuộc sống gia đình vẫn chưa thoát khỏi cảnh “thắt lưng buộc bụng”, lần hồi nuôi các con ăn học.
Năm 2003, phong trào nuôi tôm phát triển mạnh ở huyện Kim Sơn, đặc biệt là các xã thuộc bãi bồi Bình Minh II, trong đó có Kim Hải. Sau 2 vụ đầu nuôi tôm cho hiệu quả, xã đã chủ trương chuyển đổi 100% diện tích trồng cói sang nuôi tôm (toàn bộ diện tích đất nông nghiệp của xã).
Chuyển sang phương thức sản xuất mới, nhiều hứa hẹn hơn, chị Then đã thế chấp sổ đỏ, vay được 25 triệu đồng của ngân hàng về đầu tư mở đầm tôm. Tiền thuê máy tạo đầm hết 10 triệu đồng, còn lại, 15 triệu đồng, chị đầu tư hết vào giống tôm thả trong 6 sào đầm. Nhưng năm đó cả đồng bằng Bắc Bộ hứng chịu cơn bão lớn kinh hoàng với sức gió giật trên cấp 12. Nước lũ sâm sấp mặt đê, toàn bộ diện tích đầm tôm khu vực Bình Minh II cùng hàng nghìn chòi canh của người dân bị cơn lũ dữ cuốn trôi. Số tiền 15 triệu đồng chị mua tôm cũng không có cơ hội thu hồi.
Trắng tay sau cơn lũ nhưng với chị lúc bấy giờ, nguồn sống cho gia đình vẫn chỉ nhìn vào con tôm: “Còn hi vọng thì còn thả, không thả tôm thì còn biết làm gì nữa? Trong nhà thì không còn tiền, tôi đã làm đơn vay Hội Phụ nữ, Hội Nông dân”.
Song, bao nhiêu hi vọng, trông chờ của chị vẫn không được con tôm “đền đáp”. Tôm vẫn được thả đều đặn mỗi vụ từ 2 – 3 triệu đồng tiền giống, nhưng đến cuối vụ thì chẳng thấy tôm đâu. Cũng có người bảo tại chúng chết rải rác nên không thấy rõ. Thất thu, ngay cả gốc cũng không trả nổi, chưa nói đến tiền lãi, nhưng gia đình chị Then vẫn chạy vạy lấy chút tiền đầu tư vào đầm tôm, với hy vọng mong manh “họa may ông trời cho được mùa thì tốt”.
Nay, việc vay vốn ngày càng khó, bởi những món nợ cũ đã thành nợ xấu, nợ khó trả. Bà con láng giềng thì đại đa số cũng trong cảnh ngộ tương tự, nên lúc “tối lửa tắt đèn” này cũng khó lòng giúp đỡ được nhau. Cám cảnh cuộc sống kinh tế khó khăn, chị buồn bã: “Giờ tôi cũng không nhớ chính xác là nhà mình nợ bao nhiêu nữa, nhưng chắc chắn là cũng không dưới 45 triệu đồng, bao gồm nợ ngân hàng từ 5 năm trước, nguyên tiền gốc chưa trả được lại còn tiền lãi hàng tháng, rồi những khoản nợ vay người thân nữa…”
Không riêng gia đình chị Then gặp khó khăn, hàng trăm hộ dân xã Kim Hải cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự. Ông Hoàng Hợp Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Hải cho biết: “Xã tôi có hơn 420 hộ nuôi tôm, vay vốn ngân hàng, nhưng đến nay, 80% số hộ này không có khả năng trả nợ, vì nuôi tôm thua lỗ. Chính quyền đại phương đã định hướng bà con chuyển sang nuôi một số loại thủy sản khác, như cá rô phi, cá vược… nhưng vẫn chưa mang lại hiệu quả kinh tế, vì cá cũng rất chậm phát triển.” Sự bế tắc trong định hướng của địa phương, có lẽ không quá khó để giải thích, khi chúng tôi tìm hiểu nguyên nhân khiến việc nuôi tôm tại địa phương thất bại thảm hại.
Nước và đất ngày càng mặn hơn
Theo ý kiến của nhiều người dân nơi đây, độ mặn ở nước trong vùng tăng ở mức khó lý giải. Độ mặn trong nước phù hợp cho việc nuôi tôm là 8 – 10‰ và độ mặn này sẽ được khống chế khi bắt đầu nuôi thả. Nhưng đến cuối vụ, khi kiểm tra thì thấy độ mặn trong đầm tăng rất cao, trung bình từ 12 – 15‰.
Vì sao khi đã đóng chặt cửa cống, nước mặn từ biển không thể vào trong đê được, nhưng độ mặn trong nước, đất lại cứ ngày một tăng?
Cũng có người bảo rằng độ mặn trong đầm tôm ngày càng tăng là do phèn chua, mặn ở trong đất sủi lên vào các mùa có gió nồm và gió heo may. Gió nồm từ biển thồi vào, gió heo may từ đất liền thổi ra biển, hai loại gió này xuất hiện vào hai mùa khác nhau (cuối xuân và mùa thu), nhưng chúng đều làm bốc phèn chua mặn trong đất. Chính điều đó làm cho độ mặn trong nước, và đất (bề mặt) nơi đây càng ngày càng mặn. Hiện tượng này những năm gần đây diễn ra trong thời gian dài hơn, gây bốc phèn nhiều hơn trước.
Ông Trần Văn Chính, xóm trưởng xóm 4, xã Kim Hải cho hay có thể thấy rõ nhất là khi thời tiết hanh khô, nước bốc hơi để lại một lớp muối phủ trắng mặt đất. Bà con trồng rau mà rau không lên được, cứ mấy ngày lại bị chết héo.
Trong tiết trời hanh khô, những cánh đồng của bà con Kim Sơn nằm im lìm trong màu muối trắng.
Huyện Kim Sơn được bồi tụ phù sa của 2 con sông sông Càn và sông Đáy, đều bắt nguồn từ khu đồi núi phía Tây, có độ dốc cao, nên lượng đất cát bị cuốn theo dòng về hạ lưu ngày một lớn, do lượng mưa ngày càng tăng. Ông Phạm Văn Nghiêm, Chủ tịch UBND thị trấn Bình Mình cho biết: “Ở khu vực Bình Minh, lượng mưa những năm 2000 tăng hơn những thập niên 60 – 70 của thế kỷ XX tới 70%. Lượng mưa ngày một lớn, nên bãi bồi càng về sau càng cao hơn”.
Điều này đã gây khó khăn rất lớn cho việc sản xuất nông nghiệp của người dân địa phương, bởi các bãi bồi phía ngoài lâm vào tình cảnh thiếu nước ngọt. Bãi bồi ngoài cao hơn bãi bồi trong khiến hệ thống mương dẫn nước cũng bị vô hiệu hoá.
Cống Điện Biên được xây dựng từ năm 1954, và từ đó dẫn nước ngọt từ hạ lưu sông Đáy vào bãi bồi Bình Mình II (nằm giữa đê Bình Minh I và đê Bình Minh II). hiện nay không những không đưa được nước đến bãi bồi Bình Minh III, mà việc đưa nước ngọt đến với bãi bồi Bình Minh II cũng khó khăn hơn trước nhiều.
Ông Nguyễn Văn Cương – 70 tuôi, thị trấn Bình Minh cho biết: “Vì nước biển ngày càng xâm thực sâu vào cửa sông Đáy, nên nước ngọt bị đẩy lùi lại, trong khi bãi bồi về sau được bồi tụ dần cao lên”.
Khu vực Bình Minh II, III đều phải trông chờ nguồn nước ngọt theo kênh dẫn từ cống Cổ Quàng dẫn nước từ sông Hồng, xa hơn 23km, nhưng nước vẫn không thể đến với Bình Minh III.
Vùng bãi bồi Kim Sơn đã được hình thành cách đây gần 200 năm, bao năm cha ông ta bỏ công sức, xương máu để khai khẩn, quai đê lấn từng thước đất biển với mong ước cho người dân địa phương có thêm chốn an cư lạc nghiệp, mưu cầu cuộc sống ấm no. Ước mơ ấy của cha ông đang từng bước được Đảng, Nhà nước ta hiện thực hóa bằng những chính sách ưu tiên, quan tâm đến phát triển kinh tế – hạ tầng ở những vùng ven biển, hàng năm đều đầu tư 4 – 5 trăm triệu đồng mở mang điện, đường, trường, trạm.
Nhưng sự đỏng đảnh của thời tiết, những biến động bất thường của thiên tai là một trở ngại khó lường, nằm ngoài tầm kiểm soát và giải quyết của một địa phương, thậm chí là một quốc gia. Và vùng đất độc nhất vô nhị này – nơi biển lùi dù nước biển dâng, đang đứng trước nguy cơ hoang hóa nghiêm trọng.
Huyện Kim Sơn do Nguyễn Công Trứ (1778 – 1858) chủ trương quai đê lấn biển rồi lập nên. Sinh thời, ông đã tổ chức được 4 lần quai đê, lần đầu vào năm 1830. Từ khi hòa bình lập lại ở miền Bắc đến nay, Nhà nước ta đã tiến hành 3 đợt quai đê tiếp, đó là các đê: Bình Minh I (năm 1957 – 1959) dài 11km; Bình Minh II (2 giai đoạn: giai đoạn 1 năm 1972; giai đoạn 2 năm 1975 -1976) dài 11km; Bình Minh III (2001 đến nay – đang hàn khẩu). Kim Sơn hiện có diện tích gần 210 km2, gấp 3 lần khi mới thành lập và vẫn tiếp tục tiến ra biển từ 80 – 100 m/năm, do phù sa của sông Càn và sông Đáy bồi tụ nên. |