ThienNhien.Net – FLEGT (Forest law enforcement, governance and trade), tạm dịch là <i>tăng cường thực thi luật pháp, quản trị và thương mại lâm sản</i>, là một trong những sáng kiến của Liên minh Châu Âu nhằm đối phó với nạn khai thác và buôn bán gỗ bất hợp pháp. Tại Việt Nam, chính phủ đã thể hiện sự hưởng ứng thông qua việc thăm dò tham gia Kế hoạch Hành động của FLEGT. Câu hỏi đặt ra là Việt Nam sẽ có được những cơ hội gì và phải đối mặt với những thách thức gì khi tham gia sáng kiến này.
Kế hoạch hành động của FLEGT đưa ra hàng loạt các biện pháp nhằm đấu tranh với khai thác gỗ bất hợp pháp. Trong đó, nội dung cơ bản và quan trọng nhất là Thỏa thuận đối tác tự nguyện (VPA) với các quốc gia có nạn khai thác gỗ bất hợp pháp và quản trị rừng còn yếu.
VPA đem lại một cách tiếp cận cụ thể, theo đó gỗ hợp pháp xuất khẩu sang các thị trường Châu Âu sẽ được xác định bởi giấy phép do các quốc gia đối tác cấp. Giấy phép FLEGT giúp các cơ quan hải quan phân biệt được các sản phẩm gỗ hợp pháp được phép vào thị trường Châu Âu với các sản phẩm gỗ bất hợp pháp không được phép vào thị trường Châu Âu.
Hệ thống cấp phép FLEGT bao gồm: kiểm soát sản xuất gỗ, chế biến, xác minh nội bộ, cấp giấy phép và giám sát độc lập.
Về khía cạnh thương mại, việc tham gia FLEGT sẽ đem lại cho Việt Nam một số lợi ích và cơ hội trong bối cảnh ngành công nghiệp gỗ trên đà phát triển mạnh.
Kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam tăng từ 1.102 tỷ USD năm 2004 lên 2.779 tỷ USD năm 2008, đưa Việt Nam vào nhóm 15 nước xuất khẩu đồ gỗ lớn nhất thế giới. Thị trường chính của sản phẩm gỗ Việt Nam là Châu Âu và Bắc Mỹ (80%).
Đứng ngoài chương trình hành động FLEGT có thể sẽ khiến Việt Nam mất đi thị trường tiêu thụ sản phẩm, giảm lợi thế cạnh tranh trong lúc châu Âu, Mỹ và Úc đang dựng rào cản đối với các sản phẩm không có nguồn gốc hợp pháp, bởi từ 2010, các sản phẩm gỗ nhập khẩu vào thị trường châu Âu buộc phải có chứng chỉ FLEGT.
Xét trên khía cạnh môi trường, tham gia FLEGT giúp Việt Nam hạn chế được nạn khai thác gỗ lậu trong nước nhờ hệ thống truy xuất nguồn gốc gỗ và cơ chế giám sát độc lập. Khi đồ gỗ xuất khẩu buộc phải có chứng chỉ FLEGT, giá gỗ rừng trồng tăng và sẽ khuyến khích dân trồng rừng để có gỗ hợp pháp làm hàng xuất khẩu.
Bên cạnh đó, tham gia FLEGT sẽ góp phần nâng cao năng lực quản lý rừng của nhà nước và khởi động chiến lược sản phẩm xanh. Về mặt xã hội, việc phát triển ổn định ngành công nghiệp trồng rừng và chế biến gỗ sẽ tạo ra một lượng lớn công ăn việc làm, góp phần an sinh xã hội.
Cần vượt qua khó khăn trước mắt
Các phân tích trên đưa ra một bức tranh tổng thể về lợi ích của việc tham gia FLEGT. Tuy vậy, việc tham gia FLEGT cũng sẽ gặp không ít các thách thức và cản trở. Một trong những cản trở là hiểu biết của các bên liên quan về FLEGT còn rất hạn chế.
Các cơ quan quản lý chưa thiết lập được một quy trình cụ thể cho việc kiểm soát và cấp phép FLEGT. Các doanh nghiệp cũng chưa nhận thức được ảnh hưởng của FLEGT đến việc sản xuất, kinh doanh và thương mại.
Bên cạnh đó, định nghĩa về gỗ hợp pháp của Việt Nam không tương đồng với định nghĩa của nhiều nước có quan hệ thương mại với Việt Nam. Việt Nam nhập khẩu một lượng lớn từ các quốc gia khác nhau với các định nghĩa về gỗ hợp pháp khác nhau sẽ là một khó khăn lớn trong quy trình kiểm sóat và cấp phép FLEGT.
Nhằm giữ vững được thị trường tiêu thụ lâm sản, Việt Nam cần nhanh chóng tham gia vào kế hoạch hành động của EC về FLEGT. Để đối mặt với các thách thức, Việt Nam cần có chương trình nâng cao nhận thức, tăng cường năng lực về FLEGT qua hàng loạt các hoạt động như tổ chức hội thảo, hội nghị, xây dựng mạng lưới cung cấp, chia sẻ thông tin, xuất bản các ấn phẩm…
Bên cạnh đó, hợp tác và trao đổi thông tin giữa các quốc gia trong khu vực nhằm tăng cường sự hài hòa về khung chính sách cũng là một trong những biện pháp rất hữu ích để đẩy nhanh tiến trình tham gia FLEGT.