Khoa học mang lại thành công cho nông nghiệp Bến Tre

ThienNhien.Net – Ứng dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất nông nghiệp ở Bến Tre những năm qua đã có tác dụng tích cực trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng vùng sinh thái ở tỉnh, từng bước nâng cao chất lượng nông sản, mang lại hiệu quả thiết thực cho nông dân.


Chuyển dịch đúng hướng đã thực sự giúp ngành nông nghiệp Bến Tre không ngừng phát triển một cách đồng bộ trên hầu hết các lĩnh vực. Trong đó, vai trò của việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật là động lực then chốt, tạo bước đột phá đưa nông nghiệp tỉnh lên một tầm cao mới.

Cụ thể, hiện nay cây lúa của tỉnh đã giảm xuống còn 78 nghìn ha sản xuất 3 vụ/năm, nhưng nhờ năng suất cao nên không chỉ bảo đảm an ninh lương thực mà còn phục vụ xuất khẩu. Cây dừa mấy năm gần đây đã tăng diện tích lên 46 nghìn ha, trong đó giống mới đã chiếm gần phân nửa, nên sản lượng không ngừng tăng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước.

Cây mía giảm diện tích nhiều, trong ba năm đã giảm trên một nghìn ha, nhưng nhờ áp dụng giống mới cùng với kỹ thuật chăm sóc tiên tiến nên sản lượng vẫn bảo đảm cho nhà máy hoạt động. Cây ăn trái phát triển mạnh, trung bình mỗi năm tăng 300 đến 500 ha, tập trung những cây đặc sản như sầu riêng, măng cụt, bòn bon, chôm chôm, bưởi da xanh. Đặc biệt, cây ca cao chỉ 5 năm trở lại đây đã tăng diện tích lên gần 4.000 ha, trong đó có 2.000 ha cho thu hoạch đã giúp hàng nghìn nhà vườn thoát nghèo vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh đất của họ.

Ông Đỗ Văn Công, Trưởng phòng Khoa học kỹ thuật – Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bến Tre, khẳng định: “Thành tựu nổi bật những năm qua trên lĩnh vực nông nghiệp là có sự đóng góp rất lớn của việc ứng dụng các tiến bộ khoa học nói chung, công nghệ sinh học nói riêng. Công tác khuyến nông, khuyến ngư của tỉnh đã có nhiều cố gắng trong việc ứng dụng nhân rộng nhiều mô hình đạt hiệu quả cao như trồng nấm rơm, nấm bào ngư; ứng dụng thành công việc nuôi ong ký sinh diệt bọ dừa; thụ phấn bổ sung cho cây ăn trái; sử dụng nấm Trichoderma phòng trị bệnh trên cây trồng; IPM trên cây có múi, cây lương thực, rau màu, kỹ thuật nhân giống cây trồng theo phương pháp mới…”.

Theo đó, lĩnh vực chăn nuôi cũng chịu tác động mạnh theo hướng cải tạo giống chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thị trường, mang lại lợi nhuận tối ưu cho người nuôi, điển hình như các huyện Ba Tri, Mỏ Cày và Giồng Trôm…

Trong nuôi trồng thủy sản, tỉnh cũng đã nghiên cứu và ứng dụng thành công quy trình nuôi tôm sú thâm canh; đồng thời, sử dụng công nghệ sinh học, ứng dụng công nghệ sinh học vào quy trình sản xuất giống tôm càng xanh, tôm sú, cua biển đạt hiệu quả cao.

Những kết quả mà khoa học kỹ thuật mang lại cho sản xuất nông nghiệp Bến Tre thời gian qua cho thấy, nông dân càng tin tưởng hơn vào việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trên các lĩnh vực sản xuất. Đồng thời, giúp phong trào ứng dụng khoa học có sức lan tỏa nhanh và rộng khắp.

Tận mắt tham quan, chứng kiến các mô hình sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả cao mới thấy hết giá trị mà các tiến bộ khoa học đem lại cho nhà nông. Với 1,8 ha đất chuyên canh cây dừa nhưng nhờ áp dụng thành công các tiến bộ của khoa học kỹ thuật nên ông Tám Thưởng ở xã Hưng Phong, huyện Giồng Trôm, luôn đạt mức thu nhập ổn định từ 8 đến 10 triệu đồng/tháng. Ông Tám cho biết: “Thời gian trước đây, người trồng dừa ở Bến Tre thất điên bát đảo, lao đao vì nạn bọ dừa phá hại. Tuy nhiên, nhờ áp dụng chương trình ong ký sinh, nên cây dừa mới trở lại cho trái và hiệu quả cho đến nay”.

Tại huyện Ba Tri, vùng lúa cao sản của tỉnh, những năm gần đây cũng nhờ áp dụng thành công Chương trình IPM (phương pháp phòng trừ dịch bệnh tổng hợp trên cây lúa) nên đã xoá tan nỗi lo mất mùa, đem lại niềm vui, sự phấn khởi cho nhà nông. Anh Trần Văn Ra ở xã Tân Xuân tâm sự: “Tôi áp dụng chương trình “ba tăng”, “ba giảm” của mấy ông khuyến nông phổ biến được ba vụ. Bằng cách sạ hàng, trước hết là giảm được giống, chỉ sử dụng một phần ba lượng giống so trước đây, còn phân thuốc giảm phân nửa. Lúc đầu lưa thưa thấy chán lắm, nhưng khi lúa được một tháng tuổi thấy mà mê, lúa đẻ nhánh nhiều, khi chín hạt chắt lọi. Giảm chi phí, giảm công mà sản lượng vẫn cao. Bây giờ cả huyện Ba Tri này ai cũng làm theo”.

Nổi bật nhất là lĩnh vực trồng cây ăn trái, nhà vườn đã tận dụng một một cách triệt để các tiến bộ của khoa học kỹ thuật để đem lại hiệu quả cao, thương hiệu cho sản phẩm của mình. Cụ thể như 10 nông dân ở xã Sơn Định (huyện Chợ Lách), mặc dù không liền cư, nhưng lại liền canh tự nguyện làm đơn xin xã cho thành lập tổ hợp tác dưới sự hướng dẫn của Hội nông dân xã để phát triển mô hình trồng sầu riêng đạt năng suất, chất lượng cao. Các nông dân này cho biết: “Chúng tôi hợp tác lại là để chủ động được các khâu về nước, học hỏi về cách sử dụng phân, thuốc và chăm sóc, sau cùng là thu hoạch có số lượng lớn, đúng kích cỡ để bán mà không bị ép giá”.

Riêng các loại trái ngon khác cũng đã xuất hiện ngày càng nhiều nông dân sản xuất giỏi. Chẳng hạn, về bưởi da xanh có ông Hai Hoa đã đạt tay nghề làm cho cây bưởi ra hoa theo ý muốn, thu hoạch quanh năm trên miếng đất 5.000m2, bốn năm nay chỉ tính riêng bán trái, năm nào cũng lãi không dưới 120 triệu đồng. Cây chôm chôm của ông Sáu Hớn ở Phú Phụng (huyện Chợ Lách) đăng ký thực hiện theo chương trình GAP nên 6,5 ha đất của ông đã thu về tiền tỷ. Ông nói: “Tôi mạnh dạn đăng ký và làm theo đúng quy trình kỹ thuật của GAP nên cây chôm chôm đạt hiệu quả rất cao về chất lượng cũng như năng suất và giá cả. Nói thật, mấy năm nay gia đình tôi đã dư giả nên tôi đi làm từ thiện”.

Tuy nhiên, để phát triển ngành nông nghiệp một cách toàn diện và bền vững tỉnh cần khắc phục những vướng mắc nảy sinh trong quá trình đưa tiến bộ khoa học vào sản xuất như: thực trạng canh tác còn nhỏ lẻ, manh mún, cán bộ kỹ thuật chưa ngang tầm với nhiệm vụ, máy móc thiết bị còn thiếu và chưa đồng bộ, đặc biệt là chưa có phòng thí nghiệm để nghiên cứu ứng dụng, chưa đẩy nhanh việc nhân rộng các mô hình mang lại hiệu quả cao…

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Trung Chương cho biết: “Để khắc phục những hạn chế trên và làm cho nông nghiệp Bến Tre tiến lên một bước mới, nhất thiết phải làm ba việc từ nay đến năm 2020. Trước hết là về chuyên môn, cần tăng cường đầu tư trang thiết bị cho các phòng thí nghiệm trực thuộc sở; đồng thời, xây dựng các trung tâm nông nghiệp kỹ thuật cao và trung tâm phát triển, ứng dụng khoa học kỹ thuật nông nghiệp để thực hiện các chức năng nhiệm vụ như phân tích, xét nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định, khảo nghiệm phục vụ cho công tác thanh kiểm tra về chất lượng thức ăn, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, nguyên liệu thủy sản, nông sản sạch, rau an toàn; dịch vụ tư vấn các vấn đề kỹ thuật nông nghiệp – thủy sản cho nông dân; triển khai, ứng dụng các thành tựu về hoạt động khoa học công nghệ; nghiên cứu, ứng dụng, quản lý giống cây trồng, vật nuôi. Song song đó là tập trung đào tạo nguồn nhân lực, hoặc có chính sách mời gọi thu hút nhân tài đảm trách nhiệm vụ chuyên sâu về công nghệ sinh học trong ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn”.

Sau cùng là các giải pháp thực hiện. Đặt lên hàng đầu vẫn là công tác tuyên truyền nhằm giúp nông dân nhận thức đúng việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ sinh học là tạo ra giá trị bền vững lâu dài trên các lĩnh vực sản xuất; tạo ra các mô hình khép kín trong nông nghiệp như cỏ-bò-trùn, IPM trên lúa, rau màu, cây ăn trái… Điều quan trọng là việc thực hiện công việc này phải nằm trong tổng thể của “tam nông” – nghĩa là, không thể giải quyết nông nghiệp một cách đơn lẻ, mà phải giải quyết cùng lúc hai vấn đề còn lại là nông thôn và nông dân để phát triển bền vững.