Cộng đồng cùng hành động ứng phó với BĐKH

ThienNhien.Net – Với mục tiêu nâng cao nhận thức và năng lực hành động cho người dân, giúp họ thay đổi thói quen, hành vi cụ thể trong tiêu thụ, sử dụng và quản lý tài nguyên, môi trường (giảm chặt phá rừng, sử dụng tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu phát thải khí nhà kính…), góp phần vào giảm thiểu sự gia tăng của biến đổi khí hậu trên quy mô toàn cầu, trong khuôn khổ Dự án môi trường do Quỹ Rosa Luxemburg (CHLB Đức) tài trợ, Trung tâm Giáo dục và Truyền thông Môi trường (CEACE) đã thực hiện mô hình: “Cộng đồng tham gia vào các hoạt động nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu” tại 3 địa phương thuộc 3 miền khác nhau trên cả nước.


Đó là xã Quảng Liên, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, được thử nghiệm mô hình từ ngày 25-27/09/2009. Tiếp đến là ấp Giồng Kè, xã Bình Giang, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang, từ 04-07/11/2009. Và cuối cùng là xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, từ 20-22/11/2009.

Theo đó, Trung tâm Giáo dục và Truyền thông Môi trường CEACE đã tiến hành thực hiện các hoạt động sơ bộ ban đầu như: Thu thập những thông tin cơ bản về thái độ, nhận thức của người dân địa phương đối với hiện trạng môi trường, kỹ năng bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu của cán bộ và người dân thông qua hình thức phỏng vấn trực tiếp và qua bảng hỏi; Tổ chức hội nghị triển khai mô hình và họp dân với chủ đề “Cộng đồng cùng hành động ứng phó với Biến đổi khí hậu”.

Ngoài ra, còn có một số các hoạt động chính như:

– Thành lập Câu lạc bộ Môi trường và Ứng phó biến đổi khí hậu.

– Tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nhận thức về môi trường, Biến đổi khí hậu trên toàn cầu và ở Việt Nam cho người dân, thành viên câu lạc bộ môi trường, cán bộ chủ chốt và giáo viên trung học cơ sở trên địa bàn xã.

– Tổ chức các hoạt động truyền thông cụ thể về môi trường, biến đổi khí hậu: Xây dựng pa-nô tuyên truyền về tình hình Biến đổi khí hậu trên Thế giới, ở Việt Nam và ở địa phương; Tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu về Biến đổi khí hậu”; Biên soạn, in ấn, phát hành tờ rơi, áp phích; Tuyên truyền trên loa đài xã về các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu nói chung và tại địa phương nói riêng.

Nhìn chung, các hoạt động ban đầu của mô hình đã được triển khai thực hiện tốt và nhận được sự đồng tình ủng hộ của người dân. Các lớp tập huấn có tác động tích cực đến nhận thức của người dân và chính quyền địa phương, nội dung phong phú đề cập đến vấn đề bức xúc mà toàn xã hội quan tâm là biến đổi khí hậu và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đặc biệt, việc hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng và chăm sóc rừng ở Quảng Bình, sử dụng biếp đun cải tiến tiết kiệm năng lượng trong hộ gia đình ở Kiên Giang hay kỹ thuật ủ phân hữu cơ vi sinh để bón cho cây trồng ở Điện Biên đã mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, đồng thời cũng là hoạt động bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu.