Việt Nam đã sẵn sàng cho COP15

ThienNhien.Net – Hội nghị về biến đổi khí hậu (COP 15) là một sự kiện cực kỳ quan trọng vì nó sẽ quyết định nhiều vấn đề lớn, liên quan đến việc thực thi Công ước về biến đổi khí hậu và các cam kết tiếp theo sau khi Nghị định thư Kyoto kết thúc vào năm 2012; đồng thời đưa ra các biện pháp và giải pháp thích ứng, giảm nhẹ biến đổi khí hậu cũng như chuyển giao công nghệ và cơ chế tài chính. Vì vậy, việc Việt Nam tham dự và chuẩn bị kỹ nội dung đàm phán tại Hội nghị sẽ có ý nghĩa lớn trong việc thúc đẩy quá trình ứng phó, giảm nhẹ thiên tai và biến đổi khí hậu tại Việt Nam.

Nhận thức được mối đe dọa và sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, từ năm 1994, Chính phủ Việt Nam đã phê chuẩn Công ước khung Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu và phê chuẩn Nghị định thư Kyoto (2002). Các biện pháp thích ứng biến đổi khí hậu cũng được đưa vào một số luật và chiến lược mới xây dựng, như Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia (2005), trong đó đưa ra các biện pháp giảm thiểu tác động của mực nước biển dâng cao ở các vùng ven biển.

Tháng 12/2008, Thủ tướng chính thức phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu và nội dung chương trình này được xem là tiền đề cho các kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu của quốc gia.

Đến nay, đã có nhiều bộ ngành, địa phương triển khai các chương trình, dự án nghiên cứu về biến đổi khí hậu, từ đó đề xuất và bước đầu thực hiện những giải pháp ứng phó…

Trong tháng 6 vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng chính thức công bố các kịch bản biến đổi khí hậu cho Việt Nam. Đây là kịch bản đầu tiên và sẽ được cập nhật về số liệu, kiến thức, mô hình và phương pháp tính trong thời gian tới. Cuối năm 2010 sẽ hoàn thành việc cập nhật các kịch bản biến đổi khí hậu ở Việt Nam, đặc biệt là nước biển dâng cho từng giai đoạn từ 2010 đến 2100. 

Các kịch bản BĐKH, nước biển dâng cho Việt Nam đã được xây dựng theo các kịch bản phát thải khí nhà kính ở 3 mức: mức thấp (B1), trung bình (B2) và cao (A2, A1FI), trong đó Việt Nam ưu tiên và lấy kịch bản trung bình làm định hướng”.

Có thể thấy rằng, Chính phủ Việt Nam đã và đang có những hành động quyết liệt để ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, để kế hoạch này đạt hiệu quả, cần có sự điều phối tốt giữa các bộ ngành và tăng cường hợp tác với các cơ quan quốc tế, các tổ chức NGO, đặc biệt cần chú ý giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu có lồng ghép với các nỗ lực phát triển kinh tế – xã hội và giảm đói nghèo.

Chuẩn bị cho COP 15

Để chuẩn bị cho Hội nghị COP15, từ tháng 6/2009, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các bộ ngành liên quan tổ chức các hội thảo tập huấn cho đoàn đàm phán của Việt Nam. Lần đầu tổ chức tại Ba Vì (25 – 27/6/2009), lần 2 tại Tam Đảo (23 – 25/9) và lần 3 tại Hòa Bình (23 – 25/11/2009). Ngoài ra, còn có nhiều buổi tập huấn liên quan đến công tác lễ tân ngoại giao, kỹ thuật và y tế…

Theo dự kiến, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ dẫn đầu đoàn tham dự COP15 cùng lãnh đạo các bộ ngành, VPCP, VPQH… và một số tổ chức, đơn vị khác. Sự kiện này được cộng đồng thế giới đánh giá rất cao. Ông Claus Grube, Thư ký thường trực Bộ Ngoại giao Đan Mạch cho biết: “Chúng tôi đánh giá cao và ghi nhận việc đoàn Việt Nam tham gia COP15 với sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, đặc biệt là bản Chương trình Mục tiêu Quốc gia về Ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam – đây được xem là một khởi đầu tốt đẹp cho hoạt động sau này về biến đổi khí hậu”. 

Quan điểm của Việt Nam

Phát biểu trên Đặc san “The Climate for Change”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Việt Nam mong muốn các bên tham gia Hội nghị đạt được sự đồng thuận trong việc đưa ra những thỏa thuận quốc tế mới phù hợp và tích cực hơn, đồng thời bảo đảm việc thực thi nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn cầu giai đoạn sau năm 2012.

Các nước phát triển và các nước có lượng phát thải cao khí nhà kính phải tiên phong trong việc cắt giảm phát thải khí nhà kính, đồng thời có những hỗ trợ phù hợp cho các nước đang phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đối với những nước chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, trong đó có Việt Nam, cần được các nước phát triển và các nước có lượng phát thải cao khí nhà kính ưu đãi và hỗ trợ đặc biệt về vốn, chuyển giao công nghệ và tăng cường năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thủ tướng đề xuất, cộng đồng quốc tế cần có một tổ chức điều phối chung cho một chương trình hỗ trợ đặc biệt giúp những nước này ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu, nhất là nước biển dâng.

Tại Hội nghị COP14 tổ chức tại Poznan (Ba Lan), Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã đề xuất việc 10 quốc gia thải khí CO2 nhiều nhất thuộc nhóm các nước phát triển (OECD) lập chương trình hỗ trợ trực tiếp cho 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất về biến đổi khí hậu, cụ thể là tác động của nước biển dâng. Bài phát biểu này đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ của đông đảo bạn bè thế giới và được đánh giá là điểm nhấn quan trọng tại COP14.

Theo một báo cáo về biến đổi khí hậu do Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu soạn thảo, tại Hội nghị COP15 lần này, Trưởng đoàn Việt Nam sẽ đề xuất việc chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam với các nước đang phát triển về các nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu với sự hỗ trợ và hợp tác của cộng đồng quốc tế, trong đó đề cập đến việc thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu và việc nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu cho các cấp, ngành và địa phương.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng sẽ vận động các nước tiếp tục ủng hộ sáng kiến của Việt Nam tại COP 14 và Hội nghị lần thứ 4 các bên tham gia Nghị định thư Kyoto (CMP4).

Tuy nhiên, theo ông John Hendra, Điều phối viên thường trú của Liên Hiệp quốc tại Việt Nam, sẽ là một lợi thế cho Việt Nam nếu tại Hội nghị, Việt Nam đề cập đến vấn đề giảm lượng phát thải nhờ giảm phá rừng và suy thoái rừng (REDD) cũng như việc gây quỹ cho công tác bảo tồn và bảo vệ rừng từ các hợp đồng mua bán carbon. 

ODA dành cho biến đổi khí hậu

Theo Bộ Tài nguyên & Môi trường dự tính, Việt Nam sẽ cần 2.400 tỷ đồng cho các chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu từ nay cho tới năm 2015. Số tiền trên sẽ được chi để thực hiện các mục tiêu như nghiên cứu và áp dụng khoa học công nghệ, xây dựng chương trình hành động ứng phó với biến đổi khí hậu ở các cấp bộ, địa phương và đào tạo nhân lực.

Hiện Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia với tổng kinh phí trên 100 triệu USD, trong đó khoảng 50% từ nguồn kinh phí trong nước. Tuy nhiên, đây mới là chi phí nghiên cứu, còn chi phí thực tế để triển khai các giải pháp thì chưa dự tính chính xác. Trong giai đoạn trước mắt, có thể cần khoảng 500 triệu – 1 tỷ USD. Do đó, ngoài nỗ lực trong nước, Việt Nam rất cần sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế trong vấn đề này.

Về nguồn vốn ODA đầu tư cho biến đổi khí hậu, Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) dự đoán, trong tương lai, tổng nguồn vốn ODA dành cho Việt Nam sẽ chủ yếu là các khoản đầu tư biến đổi khí hậu. Và nguồn vốn tài chính công này có thể tăng lên trong vài năm tới từ vài chục triệu lên tới hàng trăm triệu đô la Mỹ mỗi năm…

Được biết, UNDP đã cam kết cấp một khoản ODA trị giá 4,6 triệu USD cho Dự án “Tăng cường năng lực quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu và kiểm soát khí thải nhà kính” tại Việt Nam trong giai đoạn 2009 – 2012. Chính phủ Đan Mạch cũng cam kết hỗ trợ 40 triệu USD vốn ODA cho Việt Nam để thực hiện các dự án về biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Ngân hàng Đầu tư châu Âu cũng cấp cho Việt Nam vay khoản tín dụng trị giá 100 triệu euro để thực hiện các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu…

Tính đến ngày 1/12, có ít nhất 90 nhà lãnh đạo quốc gia thông báo sẽ tham dự COP15. Tín hiệu này đã làm tăng thêm hy vọng thành công của Hội nghị. Và Việt Nam cũng có thêm niềm hy vọng vào COP15!

Theo tính toán của Liên Hiệp quốc, chi phí khắc phục hậu quả của biến đổi khí hậu sẽ lên tới 200 tỷ USD/năm, trong khoảng thời gian từ nay tới năm 2020. Ngoài ra, thế giới sẽ phải chịu khoản chi phí khoảng 100 tỷ USD/năm để thích nghi với hiệu ứng nhà kính. Chi phí ban đầu vạch ra “những chiến lược nhằm khống chế mức tăng lượng khí thải các – bon” cho các nước nghèo, các nước đang phát triển là khoảng 10 tỷ USD.


Nguồn tham khảo:
1. Đặc san The Climate for Change do Báo Đầu tư xuất bản (nguồn: www.vir.com.vn, www.baodautu.vn)
2. Báo cáo tại Hội thảo “Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu” do Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức tại Hội An, Quảng Nam ngày 31/07/2009.