ThienNhien.Net – Trong 2 ngày 03-04/12/2009, tại Hà Nội, Chính phủ Việt Nam và các đối tác phát triển đã tổ chức Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) lần thứ 16. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến dự và phát biểu tại hội nghị. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư – ông Võ Hồng Phúc và Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam – bà Victoria Kwakwa đồng chủ tọa Hội nghị.
Tại Hội nghị, Chính phủ Việt Nam và các đối tác phát triển đã thảo luận các vấn đề liên quan đến ổn định nền kinh tế vĩ mô, định hướng lại nền kinh tế để tăng trưởng trong một thế giới sau khủng hoảng, giải quyết các thách thức mới trong công cuộc giảm nghèo, củng cố hành chính công, đấu tranh chống tham nhũng và đảm bảo phát triển bền vững.
Theo đó, các đối tác phát triển đã cam kết tài trợ chính thức hơn 8 tỷ đô la Mỹ cho Chính phủ Việt Nam, để giúp Việt Nam ổn định nền kinh tế vĩ mô, phục hồi đà tăng trưởng và tiếp tục giảm nghèo.
Tại phiên khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đánh giá tổng thể về hoạt động kinh tế vĩ mô và phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam trong thời gian gần đây, chỉ ra hướng tiếp cận linh hoạt của Chính phủ về quản lý kinh tế vĩ mô trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang thay đổi. “Chính phủ Việt Nam đã kịp thời điều chỉnh mục tiêu tổng thể cho năm 2009 chuyển đổi ưu tiên từ kiềm chế lạm phát sang ngăn ngừa suy giảm kinh tế và chuyển hướng thực hiện tổng thể các gói giải pháp để đạt được các mục tiêu đã đề ra.”
Trong các bài phát biểu, các đối tác phát triển đều ghi nhận những thành tựu của Việt Nam đã đạt được trong năm 2009, đồng thời lưu ý Chính phủ về những thách thức trong tương lai và khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ quá trình phát triển của Việt Nam.
Định hướng lại sự tăng trưởng của Việt Nam trong thời kỳ hậu khủng hoảng
Nhận định về sự tăng trưởng của Việt Nam trong thời kỳ hậu khủng hoảng, các đại biểu tham dự đã thảo luận những thách thức trong việc ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam và theo dõi phần trình bày của Chính phủ về định hướng tăng trưởng bền vững của Việt Nam trong lộ trình cải cách các doanh nghiệp nhà nước.
Qua đó, các đại biểu đã trao đổi ý kiến về gói kích cầu Việt Nam và những rủi ro trong tương lai, tác động của sự suy giảm tăng trưởng đối với người nghèo và cải thiện môi trường đầu tư.
Các đối tác phát triển cũng đề xuất Chính phủ nên coi khủng hoảng là một cơ hội để thúc đẩy công cuộc cải cách. Đồng thời, nêu lên một vài vấn đề quan trọng để đạt được tăng trưởng kinh tế bền vững trong tương lai bao gồm giáo dục, đào tạo, bình đẳng xã hội, bình đẳng giới và giải quyết những tác động của biến đổi khí hậu.
Đại diện cho các đối tác phát triển, Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam, ông Ayumi Konishi, đã chúc mừng Chính phủ vì đã thành công trong việc quản lý các ảnh hưởng tiêu cực của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu bằng việc thực hiện thành công gói kích cầu lớn. “Chúng tôi đánh giá cao việc Chính phủ ghi nhận rằng ổn định là điều kiện tiên quyết cho tăng trưởng nhanh và bền vững.”
Phó Vụ trưởng Vụ Châu Á Thái Bình Dương của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, ông Shogo Ishii phát biểu “Quỹ Tiền tệ Quốc tế hoan nghênh các giải pháp mà Chính phủ thực hiện gần đây để giải quyết những rủi ro để bình ổn kinh tế vĩ mô nhưng cũng đề nghị chính phủ hết sức tỉnh táo để đảm bảo có thể vượt qua những rủi ro này.”
Trao đổi ý kiến và giải đáp vấn đề do các nhà tài trợ nêu ra, Thủ tướng đã nhấn mạnh các nội dung và một nhóm sáu giải pháp để đảm bảo phát triển nhanh và bền vững bao gồm: i) đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và ngăn ngừa lạm phát, trong khi giải quyết những vấn đề hạn chế của Việt Nam về mặt cơ sở hạ tầng và tăng cường chất lượng nguồn nhân lực; ii) phát triển mạng lưới an sinh xã hội, tập trung vào các dịch vụ chăm sóc y tế và hệ thống giáo dục, bình đẳng giới và chống nạn buôn người; iii) tiếp tục các nỗ lực chống tham nhũng như một trong những công việc khẩn cấp của Chính phủ; iv) tăng cường dân chủ và một xã hội cởi mở đảm bảo những quyền căn bản của tất cả người dân theo đúng hiến
pháp và luật pháp của Việt Nam; v) thực hiện kế hoạch hành động về biến đổi khí hậu và vi) củng cố tính bền vững của nền kinh tế Việt Nam để đạt được mức tăng trưởng cao hướng tới mục tiêu Việt Nam sẽ là nước công nghiệp hóa trong năm 2020.
Những thách thức mới nổi trong xóa đói giảm nghèo
Bên cạnh đó, các đối tác phát triển và Chính phủ Việt Nam cũng ghi nhận sự gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, và cho đến nay những chiến lược kế hoạch của Việt Nam đã rất thành công trên cả hai lĩnh vực này. Tuy nhiên, vẫn còn những thách thức to lớn hơn bao gồm khác biệt phát triển giữa các vùng miền và các dân tộc, tính bền vững và thiếu gắn kết trong toàn bộ các chính sách và chương trình về xóa đói giảm nghèo.
Các đối tác phát triển nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường sự thống nhất giữa các chương trình giảm nghèo và bảo trợ xã hội và củng cố công tác điều phối giữa các cơ quan Chính phủ liên quan.
Đại diện cho các đối tác phát triển, Trưởng đại diện của Bộ phát triển quốc tế Anh, bà Fiona Lappin nhấn mạnh sự cần thiết phải chủ động thích ứng với môi trường kinh tế xã hội mới để không có người dân Việt Nam nào bị đặt ở ngoài lề của quá trình tăng trưởng và phát triển. “Chúng tôi tin rằng khi nền kinh tế Việt Nam tiếp tục trên đà hồi phục nhưng vẫn cần có những biện pháp bảo trợ xã hội hiệu quả để giúp cho những hộ gia đình Việt Nam vượt qua giai đoạn khó khăn này. Chúng ta cần có những suy nghĩ khác về việc làm để giải quyết những thách thức mới nổi về bất bình đẳng, người nghèo thành thị và người lao động nghèo đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số đi kèm với mục tiêu trở thành một nước có thu nhập trung bình.”
Điều phối viên Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, ông Jesper Morch, lưu ý tới toàn thể hội nghị, “nếu không chỉ xem xét nghèo đói dựa trên thu nhập, chúng ta sẽ thấy rằng cứ trong ba trẻ em Việt Nam thì sẽ có một trẻ thuộc diện nghèo do thiếu hụt về các nhu cầu căn bản như giáo dục, vệ sinh hay hội nhập và bảo trợ xã hội.”
Ông cũng nhấn mạnh, “Trong bối cảnh này, các đối tác phát triển hết sức hoan nghênh những nỗ lực hiện nay của Chính phủ trong cải cách hệ thống bảo trợ xã hội của mình và khuyến khích Chính phủ nắm bắt hướng tiếp cận tổng thể về bảo trợ xã hội như một chiến lược phát triển chính.”
Củng cố nền hành chính công và đấu tranh chống tham nhũng
Tiếp đó, các đại biểu tham dự đã lắng nghe báo cáo về kết quả của Cuộc Đối thoại về Chống tham nhũng, đặc biệt là trong ngành y tế được tổ chức trước Hội nghị các nhà tài trợ này. Theo đó, các đối tác phát triển đã trình bày các kinh nghiệm và kiến nghị, trao đổi ý kiến với Chính phủ về những khoản chi phí không chính thức trong ngành y tế.
Đại diện cho các đối tác phát triển, Đại sứ Thụy Điển ông Rolf Bergman nhấn mạnh việc cần có sự tham gia nhiều hơn nữa của khối xã hội dân sự trong cuộc chiến chống tham nhũng và nâng cao chất lượng của các dịch vụ công. “Trong cuộc chiến chống tham nhũng, để đạt được thành công cần có sự nỗ lực của tất cả mọi người dân. Chỉ có những luật lệ và quy định tốt là chưa đủ, muốn thành công cần phải có sự kết hợp tham gia của Đảng, Chính phủ, xã hội dân sự, các cơ quan báo chí và từng người dân trong xã hội.”
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam ông Michael Michalak nhận xét về công cuộc cải cách hành chính công của Việt Namz: “Rất cần có sự tăng cường nhận thức, hiểu biết và tham gia của các cơ quan nhà nước, khu vực tư nhân và xã hội dân sự trong dự án 30 thông qua các hoạt động đối ngoại và sự tham gia tích cực của các bên liên quan chủ chốt. Sự lãnh đạo mạnh mẽ và cam kết chính trị sẽ trở thành yếu tố quan trọng hơn nữa trong suốt quá trình đánh giá và đơn giản hóa các thủ tục.”
Biến đổi khí hậu và phát triển bền vững
Cuối cùng, Hội nghị đã đề cập đến các khía cạnh môi trường của quá trình công nghiệp hóa, đặc biệt là Chương trình Biến đổi khí hậu. Các đại biểu cũng xem xét các chính sách của Chính phủ trong giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu, cũng như việc hợp tác và quản lý các nguồn tài chính quốc tế cho biến đổi khí hậu.
Đại diện cho các đối tác phát triển, Đại sứ Đan Mạch ông Peter Lysholt Hansen nhấn mạnh sự cần thiết “phải triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu càng sớm càng tốt”. Ông cũng nêu bật “tầm quan trọng của việc đảm bảo quản lý và điều phối hiệu quả cũng như cần có thêm nguồn tài trợ quốc tế cho biến đổi khí hậu ở Việt Nam.” Đồng thời, ông cũng chúc mừng việc Thủ tướng Chính phủ sẽ tham gia Hội nghị quốc tế về biến đổi khí hậu tại Copenhagen.
Cuối cùng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Võ Hồng Phúc đã cám ơn các đối tác phát triển về việc cam kết hỗ trợ cho quá trình phát triển của Việt Nam trong phiên bế mạc Hội nghị. Cũng trong phần phát biểu bế mạc Hội nghị, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Bà Victoria Kwakwa đã khẳng định sự hỗ trợ của các đối tác phát triển cho quá trình phát triển của Việt Nam: “Các đối tác phát triển đã sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ Việt Nam để củng cố những thành tựu phát triển và đương đầu với những thử thách mới khi trở thành quốc gia có thu nhập trung bình”.