ThienNhien.Net – Nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện nội dung cũng như triển khai cụ thể Chương trình Mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, ngày 27/11 vừa qua, tại Thành phố Cần Thơ, Bộ Công Thương đã phối hợp với UBND thành phố Cần Thơ tổ chức Hội nghị Triển khai hoạt động tiết kiệm năng lượng (TKNL) tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Hơn 200 đại biểu từ Bộ Công Thương, Sở Công Thương các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, các Trung tâm TKNL, các đơn vị tư vấn dịch vụ TKNL đã tới tham dự Hội nghị.
7 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất các thiết bị với công nghệ TKNL tiên tiến trong và ngoài nước (Công ty CP bóng đèn phích nước Rạng Đông, Công ty CP đầu tư và phát triển năng lượng Mặt trời mọc Bách khoa, Schneider Electric, Công ty TNHH thiết bị điện Tân Tiến, Công ty TNHH năng lượng xanh, Công ty Cổ phần công nghệ kỹ thuật điện toàn cầu…) đã tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại Hội nghị.
Tham luận được đưa ra thảo luận tại Hội nghị tập trung vào các vấn đề: Hiện trạng và khung pháp lý TKNL của Việt Nam; Tóm tắt khung Chương trình Mục tiêu Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, các nhóm giải pháp và kết quả đạt được; hiện trạng, kinh nghiệm triển khai và đề xuất các giải pháp liên quan tới hoạt động TKNL tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Các báo cáo tham luận cho thấy qua hơn 3 năm triển khai, Chương trình đã đạt được những kết quả đáng kích lệ: làm thay đổi nhận thức của xã hội về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; đạt được những kết quả khả quan trong nhiều lĩnh vực như tăng cường quản lý nhà nước, tuyên truyền phổ biến thông tin, phát triển, phổ biến các trang thiết bị hiệu suất cao; thực hiện chương trình TKNL trong các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, trong toà nhà, trong ngành giao thông vận tải, triển khai các dự án thí điểm đầu tư v.v…
Trong phần báo cáo tham luận của mình, Ông Nguyễn Văn Long, chuyên gia Văn phòng TKNL, Bộ Công Thương đưa ra những con số cụ thể: năm 2006, lượng năng lượng tiết kiệm của Việt Nam là 135 KTOE, tương đương với 1,6 tỷ kwh, hoặc năng lượng của 972.053 thùng dầu thô. Nếu tính theo tỷ lệ phần trăm thì năng lượng tiết kiệm của năm 2006 so với tổng tiêu thụ năng lượng năm 2006 nếu tính theo kịch bản không có tác động của các chương trình TKNL và tiêu thụ năng lượng thực tế với giá trị GDP không đổi là 0,56%. Năm 2007, lượng năng lượng tiết kiệm là 347 KTOE, tương đương với 4,0 tỷ kWh, hoặc năng lượng của 2,5 triệu thùng dầu thô. Nếu tính theo tỷ lệ phần trăm thì lượng năng lượng tiết kiệm của năm 2007 so với tổng tiêu thụ năng lượng năm 2007 là 1,33%.
Các báo cáo tham luận cũng cho thấy hoạt động TKNL ở đồng bằng sông Cửu Long thời gian qua đã hình thành và liên tục phát triển với sự ủng hộ, tham gia của nhiều sở ban ngành tại địa phương cũng như các tổ chức trong và ngoài nước.
Nhiều chương trình hành động, nhiệm vụ, dự án được triển khai như: tổ chức thực hiện các quy định về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại công sở, trường học, doanh nghiệp; tổ chức, đào tạo cán bộ quản lý năng lượng cho các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; xây dựng chương trình hành động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của tỉnh; thực hiện kiểm toán năng lượng cho các doanh nghiệp tiêu thụ năng lượng trọng điểm; xây dựng mô hình quản lý năng lượng mẫu cho một số doanh nghiệp trọng điểm thuộc một số ngành và một số tòa nhà lựa chọn; tuyên tryền nâng cao nhận thức cộng đồng…
Các kết quả đạt được là tương đối khả quan nhưng nhu cầu sử dụng năng lượng của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long là rất lớn. Điều này yêu cầu các cơ quan hữu quan liên quan của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long phải có chiến lược và kế hoạch hành động cụ thể.
Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm TKNL Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra một số giải pháp và nhận được sự nhất trí cao của Hội nghị: ngoài các chính sách chung của Nhà nước, các cơ quan chủ quản của các tỉnh cần có các chính sách thích hợp để khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, các đơn vị triển khai các giải pháp TKNL mang tính khả thi, dựa trên kết quả kiểm toán năng lượng đã được thực hiện; tăng cường đào tạo cán bộ quản lý năng lượng cho các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh; cần có cơ chế và kế hoạch về ngân sách hỗ trợ cho các hoạt động TKNL trên địa bàn.
Ông Nguyễn Hoàng Việt, Giám đốc Trung tâm TKNL Enerteam, lại đưa ra thông điệp, cần tạo mạng lưới phối hợp, hợp tác liên kết giữa các vùng, địa phương; hỗ trợ địa phương bạn từ những thế mạnh của mình và thế mạnh của bạn.
Ông Phương Hoàng Kim, Phó Vụ trưởng Vụ KH&CN, Bộ Công Thương nhấn mạnh, cần có cam kết của Lãnh đạo cấp cao nhất trên địa bàn tỉnh để thực hiện đồng bộ các giải pháp TKNL.
Được biết, ngày 06/11/2009, UBND Thành phố Cần Thơ đã ban hành Quyết định số 3323/QĐ-UBND về việc thành lập Trung tâm TKNL trực thuộc Sở Công Thương Cần Thơ. Hy vọng rằng, với mạng lưới các Trung tâm, các đơn vị dịch vụ tư vấn TKNL trên phạm vi toàn quốc ngày càng được mở rộng và hoạt động hiệu quả, ngày càng có nhiều giải pháp TKNL được tư vấn và triển khai, nhiều sản phẩm TKNL được ra đời và sử dụng.