Nước sông Hồng xuống thấp kỷ lục

ThienNhien.Net – Theo Trung tâm Dự báo khí tượng Thuỷ văn Trung ương, mực nước sông Hồng trong những ngày qua đã xuống mức thấp kỷ lục, làm ảnh hưởng nhiểu đến sản xuất và cuộc sống sinh hoạt của người dân.


Bà Nguyễn Lan Châu, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, mực nước sông Hồng tại Hà Nội trong 3 ngày (29 đến 01/12) đã xuống mức thấp nhất trong lịch sử triển khai hoạt động quan trắc thủy văn trên sông Hồng từ năm 1902 đến nay. Chiều 01/12, mực nước tại đây giảm mức kỷ lục là 1,3m. 7 giờ sáng 02/12, nước sông Hồng tại Hà Nội là 1,22m. Từ tháng 11 đến nay, mực nước sông Hồng ở Hà Nội luôn thấp hơn 1,5m.

Tương tự tình trạng ở Hà Nội, so với mực nước thấp kỷ lục xảy ra cách đây hơn 50 năm, mực nước sông Hồng tại Lào Cai hiện chỉ còn kém 0,68m.

Theo số liệu của Trung tâm Dự báo Khí tượng – Thủy văn Lào Cai, lúc 7 giờ sáng 02/12, mực nước sông Hồng tại thành phố Lào Cai đạt 76,13 m – mức thấp nhất trong nhiều năm qua – và vẫn đang tiếp tục giảm.

Bà Hoàng Thị Hường, cán bộ Trung tâm Dự báo Khí tượng – Thủy văn Lào Cai cho biết, đây là mực nước thấp nhất từ đầu mùa khô năm 2009 đến nay và thấp hơn 73 cm so với mực nước trung bình nhiều năm. Riêng mực nước trung bình của tháng 11/2009 đạt 76,11 m, thấp hơn 1,96m so với trung bình tháng 11/2008.

Nguyên nhân dẫn đến mực nước sông Hồng thấp chưa từng thấy trong chuỗi quan trắc là do tác động của hiện tượng Elnino. Trong suốt 3 tháng 9, 10, 11, ở Bắc Bộ nhiều nơi không mưa và lượng mưa hụt trung bình nhiều năm tới 80 đến 90%, có nơi không mưa hụt trung bình là 100%. Bên cạnh lý do tự nhiên, còn lý do là con người sử dụng nước quá nhiều. Trong suốt mấy tháng nay, dòng chảy ở thượng nguồn sông Đà, sông Lô, sông Thao đều thấp nhất trong chuỗi số liệu quan trắc và các hồ thuỷ điện Hoà Bình, Tuyên Quang, Thác Bà cũng không tích được đầy nước, phải tiết kiệm để dùng nước cho mùa khô.

Mực nước sông Hồng xuống thấp kỷ lục làm ảnh hưởng đến mực nước ở vùng đồng bằng Bắc bộ. Người dân sản xuất nông nghiệp không có đủ nước để tưới tiêu, nhiều diện tích trồng trọt phải thu hẹp lại và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhiều người dân, các hộ kinh doanh. Chỉ tính riêng Hà Nội, vụ đông xuân năm nay, thành phố gieo cấy khoảng trên 192.500 ha, trong đó vụ đông gieo cấy 63.800 ha, vụ xuân gieo cấy 128.500 ha. Với tình hình như hiện nay, có thể 30.000 ha diện tích sản xuất của thành phố sẽ bị thiếu nước.

Trước tình hình này, các địa phương đã tích cực chủ động các biện pháp chống hạn. Ngày 02/12, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ thị cho các đơn vị, địa phương của thành phố tăng cường các giải pháp bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất vụ đông xuân năm nay.

Theo đó, UBND thành phố yêu cầu Công ty Điện lực thành phố phải chủ động phối hợp với các địa phương, đơn vị, xây dựng phương án cấp điện hợp lý, ưu tiên bảo đảm nguồn điện ổn định cho các trạm bơm tưới hiện có và trạm bơm dã chiến; đặc biệt là các trạm bơm đầu mối lớn như: Sơn Đà, Trung Hà (Ba Vì), Phù Sa (Sơn Tây); Đan Hoài (Đan Phượng), Hồng Vân (Thường Tín), La Khê (Hà Đông), Thanh Điềm (Mê Linh), Ấp Bắc (Đông Anh)…

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo và tổng hợp việc xây dựng phương án phòng, chống hạn trên địa bàn thành phố; hướng dẫn các đơn vị chuyên môn lập lịch cấp nước, kế hoạch vận hành của từng hệ thống thủy lợi; thực hiện các biện pháp tưới nước tiết kiệm, phù hợp với nguồn nước và sản xuất của từng địa phương.

Đối với những diện tích trồng lúa nước không bảo đảm đủ nguồn nước tưới suốt vụ phải kiên quyết chỉ đạo chuyển sang cây trồng cạn sử dụng ít nước. Đồng thời Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính rà soát, đề xuất UBND thành phố ban hành cơ chế hỗ trợ cho nhân dân khi thực hiện chuyển đổi cây trồng đối với những vùng khó khăn về nguồn nước…

UBND thành phố cũng yêu cầu các địa phương, đơn vị của thành phố chủ động xây dựng phương án chống hạn trên địa bàn thuộc địa phương, đơn vị mình quản lý.