Chương trình phát triển bền vững ngành Thủy sản

ThienNhien.Net – Trong Chương trình hành động Quốc gia về phát triển bền vững ngành Thuỷ sản giai đoạn 2010-2012, ngành thủy sản đã đặt ra hàng loạt giải pháp, mục tiêu cụ thể, trong đó đặc biệt chú trọng đến an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm và thương mại thuỷ sản.


Mục tiêu mà ngành thủy sản đặt ra đến năm 2012 là đảm bảo 90% cá tra và tôm nuôi có thể truy nguồn gốc xuất xứ; 70% thuỷ sản khai thác có nhật ký theo dõi; 90% cơ sở chế biến thuỷ sản áp dụng chương trình quản lý chất lượng. Bởi vậy, trong 2 năm tới, các nhiệm vụ về bảo đảm an toàn thực phẩm thuỷ sản sẽ được triển khai thực hiện đồng bộ và nghiêm túc ở tất cả các khâu từ sản xuất nguyên liệu, chế biến và phân phối thuỷ sản.

Để đảm bảo mục tiêu trên, trước mắt ngành thuỷ sản sẽ phổ biến kịp thời các thông tin hội nhập WTO và quốc tế về an toàn dịch bệnh, thực phẩm và thương mại thuỷ sản đến tận tay các nhà sản xuất và kinh doanh thuỷ sản tại các địa phương. Trang web của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng như các tổ chức quản lý chuyên ngành sẽ trở thành kênh thông tin chủ đạo. Ngoài ra, người sản xuất sẽ được hỗ trợ thêm thông tin từ các bài viết, băng hình chuyên đề, sổ tay, tờ rơi…

Bên cạnh việc hỗ trợ thông tin, ngành sẽ lên chương trình phát triển cụ thể, ưu tiên đầu tư các sản phẩm chủ lực như: tôm, cá tra, cá ngừ, nhuyễn thể. Mỗi chương trình sẽ bao gồm cả việc phân tích chuỗi giá trị và nguy cơ, cùng với các kế hoạch, lộ trình thực hiện khả thi và bố trí kinh phí cụ thể.

Nhằm tạo điều kiện để người chăn nuôi, ngư dân và các cơ sở thu mua, chế biến thuỷ sản tuân thủ đúng các quy định của WTO, ngành thủy sản sẽ hỗ trợ về kỹ thuật, tổ chức sản xuất và tín dụng, bên cạnh đó sẽ tăng cường kiểm tra giám sát chất lượng và an toàn thực phẩm ở tất cả các khâu cung cấp giống, thức ăn, nuôi trồng, thu hoạch, xử lý, chế biến và phân phối sản phẩm…

Trong thời gian tới, công tác phát triển thương mại thủy sản được đặc biệt chú trọng thực hiện theo hướng kịp thời đánh giá tình hình thị trường thế giới, triển khai các biện pháp phòng tránh và ứng phó có hiệu quả những thay đổi trong chính sách thương mại, hàng rào kỹ thuật và kiểm soát an toàn thực phẩm.

Với các nỗ lực trên, ngành thuỷ sản hy vọng sẽ đảm bảo sự phát triển bền vững và hiệu quả của ngành trong điều kiện Việt Nam gia nhập WTO, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, tăng lợi thế cạnh tranh của thuỷ sản Việt Nam, góp phần giảm nghèo cho ngư dân.