ThienNhien.Net – Với chủ đề “Giới thiệu sản phẩm Du lịch Sinh thái Cộng đồng ven biển Việt Nam”, một hội thảo triển lãm đã diễn ra vào chiều tối ngày 30/11/2009, tại khách sạn Novotel Nha Trang, Khánh Hòa. Hoạt động này do Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD) phối hợp với Ban quản lý dự án “Sinh kế bền vững quanh các khu bảo tồn Biển” (LMPA) thuộc Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi Thủy sản – Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tổ chức.
Hội thảo được tổ chức với mục đích giới thiệu tiềm năng, quảng bá, xây dựng hình ảnh Du lịch sinh thái cộng đồng (DLSTCĐ) ven biển Việt Nam và hướng sự chú ý của khách hàng, nhà đầu tư, doanh nghiệp vào công tác quản lý, phát triển và khai thác các sản phẩm du lịch biển nhằm đem lại lợi ích nhiều hơn cho cộng đồng ven biển.
Vùng ven biển Việt Nam tập trung phần lớn hệ thống cơ sở hạ tầng với 90 cảng biển, 2/3 số sân bay của cả nước, 125 đô thị loại 5 trở lên. Hàng năm, du lịch biển thu hút 75% tổng số lượt khách quốc tế, trên 55% số lượt khách nội địa. Thu nhập từ du lịch biển chiếm trên 56% tổng thu nhập xã hội từ du lịch. Cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch phần lớn đều tập trung tại các địa phương ven biển với 51,9% tổng số cơ sở lưu trú, 60% số phòng trong đó khách sạn từ 1 – 5 sao chiếm 45,5 %. Đội ngũ lao động du lịch ở vùng ven biển hiện chiếm khoảng 77% tổng số lao động trực tiếp của cả nước.
Những năm gần đây, thị trường du lịch biển được mở rộng, sản phẩm du lịch không ngừng tăng và được đa dạng hoá. Lượng khách, thu nhập và GDP du lịch, tỷ trọng dịch vụ du lịch trong thu nhập quốc dân tăng hàng năm, thúc đẩy các ngành kinh tế, xã hội phát triển, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế của từng địa phương, vùng và cả nước.
Du lịch biển nói chung, DLSTCĐ ven biển nói riêng đang đứng trước những cơ hội phát triển trong xu thế du lịch thế giới chuyển dần sang khu vực Đông Á – Thái Bình Dương và Đông Nam Á. Bên cạnh đó là xu hướng yêu thích du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng biển và du lịch trải nghiệm của phần đông du khách trên thế giới. Các yếu tố này, cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính quyền và cộng đồng các địa phương ven biển sẽ góp phần phát triển và xây dựng thương hiệu du lịch biển Việt Nam.
“Hội thảo thể hiện sự hợp tác giữa khu vực Nhà nước và các Tổ chức phi Chính phủ vì mục tiêu phát triển DLSTCĐ như một công cụ bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường và phát triển cộng đồng. Xây dựng mối quan hệ hợp tác này vì mục tiêu bảo tồn dải ven biển Việt Nam, trong đó cộng đồng không chỉ là người hưởng lợi mà còn trở thành đối tác kinh doanh, là mong muốn và nỗ lực của MCD” – Bà Nguyễn Thu Huệ, Giám đốc MCD cho biết.
Cũng đồng ý với ý kiến của bà Huệ, Ông Phạm Trọng Yên (phó Cục trưởng Cục Khai thác và Bảo vệ Nguồn lợi thủy sản – Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Giám đốc hợp phần LMPA) khẳng định thêm: “Phát triển các sinh kế bền vững, thân thiện với môi trường cho cộng đồng dân cư sinh sống trong khu vực các Khu bảo tồn biển, Vườn quốc gia ven biển là sứ mệnh của Hợp phần LMPA. Đó cũng là nỗ lực giảm sức ép của việc phụ thuộc quá mức vào nguồn lợi biển của các cư dân ven biển, đặc biệt trong thời kỳ hiện nay, khi cả nước đang phải đối mặt với các vấn đề nghiêm trọng về biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tới tài nguyên ven biển”.
Là diễn giả chính của buổi hội thảo, ông Phạm Trung Lương (Phó Viện Trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Du lịch – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: “Ở Việt Nam, mặc dù có sự quan tâm, tuy nhiên hiện nay hoạt động phát triển DLST nói chung và DLSTCĐ nói riêng theo đúng các nguyên tắc phát triển của loại hình du lịch này còn rất hạn chế và mới dừng lại ở mức độ mô hình hơn là các sản phẩm đích thực. Khái niệm về DLST bước đầu đã được luật hóa và thể hiện trong các văn bản quy định pháp lý có liên quan đến chính sách phát triển du lịch nói chung và DLST nói riêng. Tuy nhiên khái niệm về DLSTCĐ chưa được đề cập trong bất kỳ văn bản quy định pháp lý nào cho đến thời điểm này ở Việt Nam Điều này ảnh hưởng đến việc đề ra các chính sách cụ thể phát triển DLSTCĐ ở Việt Nam nói chung và ở các khu rừng đặc dụng, khu bảo tồn biển nói riêng. Hội thảo này cũng như sự hợp tác của tất cả các bên cho mục tiêu phát triển DLSTCĐ ven biển nói riêng, cả nước nói chung là thực sự cần thiết”.
Ban tổ chức hy vọng, hội thảo sẽ là sự khởi đầu tốt đẹp cho một sự hợp tác bền vững giữa các bên liên quan nhằm phát triển DLSTCĐ ven biển Việt Nam, tạo nên một mạng lưới DLSTCĐ ven biển vững mạnh, góp phần phát triển cộng đồng, bảo tồn tài nguyên và đóng góp cho sự phát triển chung của kinh tế cả nước.
Đây cũng là cơ hội để các đại biểu từ khắp nơi liên quan đến công tác phát triển DLSTCĐ vùng ven biển Việt Nam có thể gặp gỡ, trao đổi và cùng chia sẻ về công việc, kinh nghiệm cũng như các khó khăn trong công tác của mình.
Tham dự Hội thảo có sự góp mặt của hơn 60 đại biểu từ 10 khu bảo tồn biển, vườn quốc gia ven biển, 20 công ty lữ hành có quan tâm đến việc phát triển loại hình DLSTCĐ ven biển, các đại biểu từ các địa phương có hoạt động DLSTCĐ, các nhà quản lý công tác về biển, đại diện các cơ quan truyền thông Trung ương và địa phương cùng các cá nhân thực sự quan tâm.