ThienNhien.Net – Trung Quốc mới đây đã thông qua mục tiêu giảm lượng các-bon năm 2020 xuống ít nhất 40% so với năm 2005. Quốc vụ viện Trung Quốc cho biết sẽ cắt giảm lượng khí thải CO2 trên mỗi đơn vị sản phẩm quốc nội năm 2020 xuống 40-45% so với mức năm 2005. Đây là những con số rất ấn tượng, nhận được sự ủng hộ rộng rãi trong cộng đồng quốc tế.
Nội các chính phủ Trung Quốc đã nhất trí với mục tiêu cắt giảm khí các-bon này trong cuộc họp tuần trước do Thủ tướng Ôn Gia Bảo chủ trì. Theo kế hoạch, ông Ôn Gia Bảo sẽ trực tiếp tham dự Hội nghị Toàn cầu của Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu tại Copenhagen khai mạc vào thứ 2 tới đây. Việc làm này được đánh giá sẽ góp phần quan trọng trên đường tiến tới một thỏa thuận về khí hậu toàn cầu.
Theo Quốc vụ viện Trung Quốc, việc đặt ra mục tiêu cắt giảm tới 40% khí thải là hành động tự nguyện của chính phủ Trung Quốc, nhằm đóng góp vào nỗ lực toàn cầu giải quyết biến đổi khí hậu.
Ông Hou Yanli, Giám đốc Chương trình Sáng kiến Khí hậu Toàn cầu của Quỹ Quốc tế về Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) tại Trung Quốc phát biểu: “Thế giới cần một hiệp định ràng buộc về mặt pháp lý và Trung Quốc đang thể hiện mong muốn giữ vị trí tiên phong”.
Mục tiêu cắt giảm của Trung Quốc được công bố chỉ một ngày sau khi Tổng thống Mỹ Barrack Obama thông báo sẽ có mặt tại Copenhagen và Nhà Trắng cho biết mục tiêu cắt giảm dự kiến của Mỹ là 17% đến năm 2020 (so với 2005). Nhận xét một cách chung chung về mục tiêu của Trung Quốc, người phát ngôn Nhà Trắng cho biết họ tán dương động thái của Bắc Kinh và hứa hẹn rằng trên cơ sở những nội dung đã trao đổi với Bắc Kinh từ chuyến viếng thăm của tổng thống vừa qua, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hợp tác với Trung Quốc trong vấn đề thoả thuận cắt giảm khí thải cũng như các nội dung đàm phán khác trước thềm Copenhagen.
Các nước EU, Liên hợp quốc cũng như các tổ chức bảo vệ môi trường lớn như Tổ chức Hòa bình Xanh (Greenpeace), Quỹ Quốc tế về Bảo vệ Thiên nhiên tỏ ý ủng hộ nỗ lực này của Trung Quốc. Mục tiêu của Trung Quốc được đánh giá chung là rất tham vọng, nhưng hoàn toàn có thể đạt được.
Tổ chức Hoà Bình Xanh coi đó là một thách thức trước hội thảo Copenhagen sắp tới đối với các quốc gia công nghiệp, đặc biệt là Mỹ, song cũng nhấn mạnh rằng chính quyền Trung Quốc còn “có thể làm nhiều hơn thế”.
Ông Yang Ailun, người đứng đầu phong trào Năng lượng và Khí hậu của Tổ chức Hòa bình Xanh tại Trung Quốc cho biết: “Nếu xét đến mức độ cấp thiết và quy mô của các cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu hiện nay, Trung Quốc cần có các biện pháp mạnh mẽ hơn nữa để giải quyết vấn đề này”.
Quan điểm của Trung Quốc là mong muốn có được mối quan hệ “hợp tác quốc tế thực chất và hiệu quả” với các quốc gia theo Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu (UNFCCC) trên nguyên tắc “trách nhiệm chung nhưng có phân biệt” trong mục tiêu cắt giảm khí thải nhà kính.