Trông chờ gì ở COP15?

ThienNhien.Net – Khí hậu đang thay đổi, nhiệt độ trái đất đã tăng thêm 0,7 độ C trong thế kỷ qua. Các nhà khoa học thuộc Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu (BĐKH) cho biết 90% nguyên nhân là do các hoạt động phát thải khí nhà kính của con người từ sản xuất năng lượng, phá rừng, giao thông, nông nghiệp và công nghiệp. Chỉ còn 5 ngày nữa, lãnh đạo chính phủ và bộ trưởng môi trường các quốc gia sẽ tề tựu tại Hội nghị các bên tham gia Công ước Khung của Liên hiệp quốc về BĐKH lần thứ 15 (COP15) nhằm đạt được một thỏa thuận toàn cầu về giảm nhẹ biến đổi khí hậu. Trước thềm COP15, ThienNhien.Net xin giới thiệu bản báo cáo tóm tắt giới thiệu về sự kiện này của Viện Môi trường và Phát triển Quốc tế (IIED).


Bốn câu hỏi lớn cho COP15

Lượng phát thải đang ngày một gia tăng trên phạm vi toàn cầu, yêu cầu giảm lượng phát thải vì thế ngày một cấp thiết. Rõ ràng biến đổi khí hậu là không thể tránh khỏi và việc mà thế giới cần làm là giảm tác động của chúng. Một hiệp ước chung để giải quyết những thách thức này được kỳ vọng sẽ đạt được tại COP15.

Sẽ có rất nhiều vấn đề tranh luận quan trọng tại COP15. Đầu tiên là sự phân rẽ giữa một bên là 189 quốc gia đang đàm phán về một hiệp ước tiếp nối Nghị định thư Kyoto và một bên là Mỹ, quốc gia muốn có một khung ràng buộc quốc tế khác.

Một cuộc đối đầu quan trọng khác là giữa các quốc gia phát triển và đang phát triển. Những quốc gia phát triển phải chịu trách nhiệm chính về việc gây ra biến đổi khí hậu vì có lượng phát thải trên đầu người cao hơn, hơn nữa lại có đầy đủ phương tiện kỹ thuật và tài chính để giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên một số quốc gia đang phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ đang có lượng phát thải ngày càng tăng, và các nước phát triển muốn những quốc gia này cùng chia sẻ gánh nặng đó.

Các nước đang phát triển lại nhấn mạnh rằng họ cần được hỗ trợ để giải quyết các vấn đề xã hội và giảm đói nghèo, vì họ không gây ra biến đổi khí hậu và có ít nguồn tài nguyên hơn.

Trong khi các quốc gia chậm phát triển và đang phát triển kêu gọi hành động khẩn cấp từ những quốc gia phát thải chính, thì các quốc gia sản xuất dầu mỏ lại trì hoãn đàm phán và tìm kiếm các giải pháp ít tham vọng hơn đối với vấn đề giảm nhẹ biến đổi khí hậu.

Ngoài việc giải quyết hài hòa những lợi ích cạnh tranh phức tạp này, COP15 còn phải trả lời 4 câu hỏi chính: Các quốc gia phát triển cam kết giảm bao nhiêu lượng phát thải? Các quốc gia đang phát triển có kế hoạch gì để hạn chế lượng phát thải? Nguồn hỗ trợ tài chính và công nghệ giúp các quốc gia đang phát triển giảm lượng phát thải và thích nghi với biến đổi khí hậu lấy từ đâu? Nguồn tài chính đó sẽ được quản lý như thế nào?

Các bên đàm phán

Các bên đàm phán rất khác nhau về quy mô, kỹ năng và kinh nghiệm. Để giải quyết vấn đề này, các quốc gia tham gia Công ước Khung của Liên hiệp Quốc (UNFCCC) sẽ làm việc theo nhóm để đàm phán vì các quyền lợi chung.

Nhóm G77/Trung Quốc gồm 130 quốc gia làm việc cùng nhau giữ quan điểm cho rằng các nước giàu phải nhận lấy trách nhiệm gây ra biến đổi khí hậu và phải giảm lượng phát thải. Bản thân nhóm này cũng có một số áp lực do sự khác biệt lớn giữa các quốc gia và giữa các khu vực.

Nhóm Châu Phi gồm 50 quốc gia, nhấn mạnh sự dễ tổn thương trước biến đổi khí hậu của mình và các vấn đề quan tâm như đói nghèo và khả năng tiếp cận tài nguyên.

Liên minh các Quốc đảo nhỏ (AOSIS) gồm 43 đảo nhỏ và các quốc gia ở vị trí thấp so với mực nước biển cùng chia sẻ mối quan ngại về hiện tượng nước biển dâng.

49 quốc gia kém phát triển nhất (LDC) là những quốc gia nghèo nhất trên thế giới và hầu hết đều ở châu Phi. Lượng phát thải của các quốc gia này tương đối nhỏ so với các quốc gia khác và ít được chuẩn bị nhất cho những biến đổi khí hậu sắp tới.

Mặc dù số lượng thành viên nhóm G77/Trung Quốc chiếm đa số, các quốc gia LDC và AOSIS vẫn trông chờ các quốc gia đang phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ giảm lượng phát thải và kêu gọi hành động mạnh mẽ hơn nhằm giải quyết biển đổi khí hậu.

Liên minh các quốc gia có rừng mưa không phải là một nhóm đàm phán chính thức nhưng thường đưa ra các phán quyết chung.

Liên minh châu Âu (EU) gồm 27 quốc gia.

Nhóm Umbrella bao gồm các quốc gia công nghiệp ngoài khối EU (Úc, Canada, Iceland, Kazakhstan, New Zealand, Na-uy, Nga, Ukraine và Hoa Kỳ). Nhóm bảo tồn sự Nguyên vẹn Môi trường (Mexico, Hàn Quốc và Thụy Sỹ, Kiechtenstein và Monaco) đôi khi cũng tham gia như một nhóm đàm phán riêng.

Tổ chức các Quốc gia xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) tuy không phải là một nhóm đàm phán chính thức, nhưng 13 quốc gia thành viên cũng phối hợp chặt chẽ với nhau.

Nghị định thư Kyoto hết thời?

Trên thực tế có hai vòng đàm phán diễn ra song song. Các quốc gia tham gia UNFCCC trong Kế hoạch Hành động Bali sẽ thuộc Nhóm Công tác Đặc biệt về Các hành động Hợp tác Dài hạn (AWG-LCA). Các bên đàm phán theo Nghị định thư Kyoto sẽ thuộc Nhóm Công tác Đặc biệt Nghị định thư Kyoto (AWG-KP).

Hiện nay vẫn có hiểu lầm là các quốc gia đang đàm phán để thay thế Nghị định thư Kyoto vì Nghị định này sắp không còn hiệu lực. Trên thực tế, thời gian cam kết thực hiện Nghị định thư đến năm 2012 sẽ kết thúc, trong khi đó một số phần của Nghị định thư như thị trường cácbon và các cơ chế như quỹ Thích nghi vẫn còn hoạt động.

Các quốc gia phát triển tham gia Nghị định thư chắc chắn sẽ nhất trí về mặt pháp lý với những mục tiêu mới cho thời gian cam kết lần 2 bắt đầu vào năm 2013. Theo Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC), các quốc gia đang phát triển đang kêu gọi cắt giảm khí thải nhiều hơn nữa. LDC và SIDS yêu cầu tới năm 2020 phải giảm lượng phát thải tới 45% mức phát thải năm 1990. Nhưng cho đến nay, Theo Ủy ban Thư ký của UNFCCC, các nước phát triển chỉ đề xuất mục tiêu cắt giảm 16-23%.

Trong khi đó, ở các cuộc đàm phán của AWG-LCA, Mỹ cũng đang kêu gọi thay thế các mục tiêu ràng buộc về kinh tế bằng cách tiếp cận “cam kết và có kiểm chứng”. Theo đó, các cam kết của mỗi quốc gia có thể được đánh giá, báo cáo và kiểm chứng (MRV) bởi các quốc gia khác, rồi tạo ra một phương pháp tiếp cận tổng thể cho toàn cầu.

Một số quốc gia, như Ấn Độ, cho biết họ có thể xem xét phương án MRV quốc tế, song hiện nay chỉ có một số hoạt động thích nghi nhận được hỗ trợ tài chính và công nghệ từ các nước phát triển. Trong khi đó, các nước phát triển vẫn đang trì hoãn thực hiện cam kết hỗ trợ nếu các nước đang phát triển chưa cắt giảm khí thải.

Hầu hết các quốc gia phát triển mong muốn hai bên đàm phán có thể tiến tới một thỏa thuận mới, còn hầu hết các nước đang phát triển lại ủng hộ điều chỉnh Nghị định thư Kyoto và tạo ra một thỏa thuận mới từ bên LCA, vì điều này sẽ đảm bảo các mục tiêu môi trường và cam kết đa phương vẫn còn hiệu lực. Bất cứ thỏa thuận nào thay thế Nghị định thư muốn thu hút được các quốc gia đang phát triển phải chứng minh được là nó tốt hơn về khía cạnh môi trường và nguồn tài chính.

Các chủ đề đàm phán chính

Tầm nhìn chung: Các quốc gia vẫn chưa thể nhất trí về mục tiêu phát thải khí, dù là mục tiêu dài hạn (2050) hay các mục tiêu gần hơn (2015 -2020). Các nước cũng chưa thống nhất được có nên sử dụng một giới hạn về mức tăng nhiệt độ, mức phát thải hay nồng độ khí nhà kính nhất định hay không. Rất nhiều quốc gia phát triển và đang phát triển cho rằng tăng nhiệt độ toàn cầu không nên vượt quá 20C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Nhưng gần 100 quốc gia khác, bao gồm LDC và AOSIS, lại hướng tới một mục tiêu tham vọng hơn với 1,50, trong đó giới hạn nồng độ khí thải chỉ là 350 ppm.

REDD: phá rừng gây ra 15-20% tổng lượng phát thải khí nhà kính. REDD – Sáng kiến giảm phát thải từ phá rừng và suy thái rừng ở các nước đang phát triển – có khả năng sẽ được thông qua tại COP15. Theo REDD, các nước hạn chế được nạn phá rừng có thể đạt được chứng chỉ giảm phát thải và những chứng chỉ này sẽ được trao đổi trên thị trường quốc tế hoặc  được đền bù thông qua một quỹ do các các quốc gia phát triển chi trả.

Nhiên liệu hóa thạch: Cả hai nhóm đàm phán đều tranh cãi về những hậu quả kinh tế và xã hội của các biện pháp giảm nhẹ. Các quốc gia sản xuất dầu mỏ OPEC lo ngại việc chuyển sang nền kinh tế phát triển không các-bon có thể gây tổn hại tới nền kinh tế của họ. Mặc dù chủ đề này được đưa ra thảo luận trong hoạt động giảm nhẹ ở Kế hoạch hành động Bali, các thành viên của OPEC vẫn tiếp tục đưa ra trong các cuộc thảo luận về hoạt động thích nghi.

Tính dễ tổn thương: Những quốc gia dễ bị tổn thương nên được ưu tiên trong hỗ trợ thích nghi với biến đổi khí hậu, nhưng vấn đề là ai sẽ quyết định một quốc gia là dễ tổn thương? Các bên đã nhất trí với nhau rằng một số quốc gia trong nhóm G77/Trung Quốc (như LDC và SIDS) đặc biệt dễ bị tổn thương. Nhưng một số quốc gia khác lại phản đối vì lo ngại rằng điều đó có thể khiến họ bị bỏ lại ở vị trí cuối trong danh sách được hỗ trợ. Họ cho rằng tất cả các quốc gia đang phát triển đều có các cộng đồng dễ bị tổn thương.

Sở hữu trí tuệ: Công nghệ là điều tối cần thiết cho các hoạt động giảm nhẹ biến đổi khí hậu và thích nghi với những ảnh hưởng của nó, nhưng các quốc gia phát triển lại sở hữu hầu hết các công nghệ tiên tiến và khả năng phát triển những công nghệ mới. Rào cản chính trong chuyển giao công nghệ là sự bất đồng về quyền sở hữu trí tuệ (IPR). Mỹ cho rằng bất cứ thỏa thuận chuyển giao nào cũng không được bỏ qua IPR, còn các nước đang phát triển lại mong muốn một cách tiếp cận linh hoạt hơn – như miễn bảo vệ bằng phát minh cho các quốc gia dễ bị tổn thương- để đẩy mạnh chuyển giao công nghệ .

Tài chính: Ngân hàng thế giới cho biết các nước đang phát triển sẽ cần khoảng 400 tỉ USD mỗi năm cho hoạt động giảm nhẹ và 75-100 tỉ USD cho hoạt động thích nghi. Giới phê bình thì cho rằng chi phí thích nghi ước tính vẫn thấp vì chưa tính được hết tất cả các khu vực cần thiết. Vấn đề cần thống nhất trong COP15 là quỹ cần bao nhiêu, cách thức gây quỹ, phân phối và sử dụng quỹ.

Mỗi bên đàm phán đều mong muốn tối đa hóa lợi ích và tối thiểu hóa nhượng bộ của mình. Liệu ai sẽ giành chiến thắng trong vòng đàm phán này? Đó là điều cả thế giới đang nóng lòng dõi theo trong những ngày tới.

Các điểm chính trên con đường tới Copenhagen

1. Rio: Trong Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất tại Rio de Janeiro, Brazil năm 1992, Công ước Khung của Liên hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu đã được thông qua nhằm ngăn chặn biến đổi khí hậu do phát thải khí nhà kính. 192 quốc gia đã thông qua UNFCCC và Công ước này đã bắt đầu có hiệu lực vào năm 1994. Theo đó, các quốc gia thống nhất bảo vệ khí hậu trái đất theo trách nhiệm chung nhưng có sự khác biệt về phận sự và khả năng.

2. Kyoto: Năm 1997, Nghị định thư Kyoto được bổ sung vào UNFCCC. Nghị định này tạo ra những mục tiêu ràng buộc về mặt pháp lý duy nhất và đầu tiên đối với các quốc gia phát triển cùng các cơ chế quản lý, báo cáo, giám sát quốc tế quan trọng cho việc thực thi Nghị định. Nghị định Kyoto buộc các nước phát triển từ năm 2008-2012 phải giảm lượng phát thải trung bình 5.2% so với năm 1999. Để đạt được điều này, Nghị định thư đã tạo ra các “cơ chế linh hoạt” như Cơ chế thương mại các-bon và Cơ chế phát triển sạch (CDM) cho phép các quốc gia phát triển đạt được mục tiêu của mình bằng cách đầu tư vào giảm phát thải ở các nước đang phát triển. Nghị định thư Kyoto đã được 189 chính phủ phê duyệt và có hiệu lực vào năm 2005. Tuy nhiên, Mỹ đã không thông qua Nghị định thư này, do đó vẫn chưa có cam kết quốc tế nào về giảm lượng phát thải.

3. Bali: Năm 2007, các bên tham gia UNFCCC đã thông qua Kế hoạch Hành động Bali. Kế hoạch này đã mở ra một vòng đàm phán mới dưới UNFCCC trong nỗ lực đưa Mỹ vào nhóm các quốc gia phát triển với yêu cầu theo đuổi các mục tiêu đang được đàm phán của Nghị định thư Kyoto cho giai đoạn 2 của Nghị định bắt đầu vào năm 2013. Theo Kế hoạch này, các nước tham gia UNFCCC phải đạt được thỏa thuận trong 5 vấn đề chính đã đề cập ở trên.


Nguồn: Báo cáo “COP15 for journalists: a guide to the UN climate change summit” của Viện Môi trường và Phát triển Quốc tế (IIED), Tháng 11/2009