Rừng và thủy điện: Đi tìm sự hài hòa

ThienNhien.Net – "Để tạo ra 1MW điện, phải lấy đi ít nhất 10 – 30 ha rừng". "Để có được 1000 ha làm thủy điện, phải san bằng 1.000 – 2.000 ha đất ở thượng nguồn". Nếu quả thực như những nhận định trên đây của các chuyên gia được đăng tải trên phương tiện truyền thông trong những ngày gần đây, liệu với hàng ngàn dự án thủy điện đang và sẽ được triển khai, liệu chúng ta có còn rừng?


Câu hỏi tưởng chừng đơn giản, nhưng thực tế lại làm đau đầu rất nhiều nhà quản lý, bởi nếu không làm thủy điện thì sẽ thiếu điện, còn nếu “diệt” rừng thì lũ sẽ kéo về…! Và bài toán cân bằng lợi ích giữa thủy điện và rừng đã được đặt ra. Đây cũng là chủ đề được luận bàn trong suốt buổi tọa đàm “Lũ lụt tại miền Trung – Tây Nguyên: Ý kiến của các nhà khoa học” do Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức ngày 24/11.

Thủy điện “lấn” rừng = thiên tai

Một vài năm trước, nhiều địa phương từng xem thủy điện là cơ hội để phát triển kinh tế, thậm chí, phát triển thủy điện còn được đưa vào nghị quyết của hội đồng nhân dân và chiến lược phát triển của địa phương. Nhưng sau thiệt hại quá lớn từ hai cơn bão Ketsana và Mirinae (tháng 10 và 11/2009), nhiều người mới giật mình ngẫm đến “sự góp mặt” của thủy điện trong việc “diệt” rừng phòng hộ đầu nguồn.

Diệt rừng, lũ quét mạnh hơn

“Thủy điện là một nguyên nhân quan trọng khiến lũ to hơn và nhanh hơn…” – PGS Nguyễn Đình Hòe (Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam) khẳng định tại buổi tọa đàm. Theo ông Hòe, việc làm gia tăng lũ lụt cơ bản xuất phát từ bản chất của thủy điện miền Trung: quy mô vừa – nhỏ và nhiều bậc, nằm ở địa hình cao và gần cửa sông kiểu liman (khuyết áo) có đoạn trung lưu rất ngắn. Vì vậy, khi lũ về, thủy điện làm cho các dòng chảy lũ vốn đã mạnh, nay trở nên hung dữ và kéo dài hơn, gia tăng thiệt hại cho vùng hạ lưu, nhất là vùng cửa sông.

Đáng chú ý là hầu hết những công trình thủy điện đều nằm sâu trong rừng đầu nguồn, nơi có giá trị đa dạng sinh học cao và đảm nhiệm chức năng phòng hộ đầu nguồn quan trọng. Vì vậy, ngoài diện tích rừng bị phá để làm thủy điện, các diện tích rừng xung quanh cũng bị san phẳng để mở đường vận chuyển vật liệu xây dựng và máy móc thiết bị, thậm chí còn tiếp tục bị chặt phá để xây dựng những đường dây truyền tải điện đến nơi tiêu thụ.

Tính đến nay, tổng số dự án thủy điện nhỏ trong kế hoạch phát triển của các địa phương đã lên đến hàng ngàn, trong đó riêng Tây Nguyên đã có ít nhất 335 dự án. Không ít địa phương không có trong danh mục của bản quy hoạch ban đầu, nay cũng xuất hiện với hàng chục và thậm chí hàng trăm dự án, như Lào Cai, Quảng Nam, Gia Lai, Kon Tum…

Việc xây dựng dày đặc các công trình thủy điện dọc khu vực miền Trung đã và đang tàn phá, làm cạn kiệt rừng đầu nguồn, dẫn đến hậu quả sạt lở núi và những trận lũ lụt lịch sử nối tiếp, nhấn chìm vùng đồng bằng hạ lưu.

Có thể nói, hậu quả của thủy điện, nhất là thủy điện nhỏ gây ra không chỉ giới hạn ở những trận lũ, mà còn nguy hại hơn rất nhiều. Rừng mất đi cũng đồng nghĩa với việc gia tăng nguy cơ sạt lở, làm sập, nứt nhà dân. Thậm chí còn gây xói mòn, thoái hóa đất và gây ra những trận lũ cát, bùn đất cho vùng hạ lưu.

Trong khi đó, việc đánh giá tác động môi trường lại chỉ được làm chiếu lệ. Lẽ ra báo cáo tác động môi trường của một dự án thủy điện phải được nghiên cứu, đánh giá tới tận vùng hạ lưu, nghĩa là tới cửa biển. Tuy nhiên, hầu hết các dự án nhỏ chỉ được nghiên cứu trong phạm vi địa phương nơi đặt công trình vì thế độ tin cậy không được đảm bảo.

Về nguyên tắc, các hồ thủy điện phải được thiết kế cho nhiều mục tiêu, gồm phát điện, thủy lợi và phòng chống lũ. Nhưng với các công trình ở miền Trung, do diện tích các lưu vực để làm hồ chứa nhỏ nên khả năng điều tiết lũ là không đáng kể, chủ yếu chỉ cấp điện và phục vụ tưới tiêu cho nông nghiệp.

Tại phiên trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội sáng 19/11/2009, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhấn mạnh, việc xây thủy điện phải đảm bảo 3 mục tiêu chính, thứ nhất là cung cấp điện, thứ hai là điều tiết lũ và thứ ba là cấp nước cho mùa khô, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Tuy nhiên, theo GS.TS Vũ Trọng Hồng – Tổng thư ký Hội Thuỷ lợi, nguyên thứ trưởng Bộ Thuỷ lợi, thủy điện có thể làm nhưng không nên làm nhiều ở miền Trung – Tây Nguyên. Vì đất ở Tây nguyên là đất bazan, không thật chắc chắn; miền Trung lại đầy cát bụi nên bê tông không thể chắc bằng ở miền Bắc được. Thảm họa lũ “nhân tạo” sẽ chồng lấn lên lũ tự nhiên nếu phát triển ồ ạt thủy điện miền Trung. Thậm chí, rất nhiều nhà tài trợ nước ngoài đã không tài trợ cho việc trồng rừng ở miền Trung nữa vì tài trợ xong, thủy điện lại phá rừng.

… và nguy cơ hạn hán

Tại buổi tọa đàm sáng 24/11, ông Hồng nhấn mạnh: miền Trung là vùng gió nóng, đất cát nhiều nên lượng nước bốc hơi rất lớn. Vì thế, mưa lũ cũng nhiều mà hạn hán cũng lắm. Hạn hán còn nguy hiểm hơn cả lũ lụt. Lũ lụt thì còn có thể khắc phục được, chứ hạn hán thì chịu.

Theo ông, cần phải ưu tiên số một cho miền Trung trong việc phát triển rừng và khôi phục rừng bị xâm hại. Bởi chỉ có thảm thực vật tự nhiên của rừng mới có thể trữ nước và cung cấp nước. Khi mùa lũ đến, rừng sẽ là “lá chắn” quan trọng làm nhiệm vụ tích trữ nước, nhưng vào mùa khô, mạch nước ngầm từ rừng sẽ rỉ dần ra, cung cấp lượng nước nhất định cho sinh hoạt và tưới tiêu nông nghiệp.

Nếu không tính toán khéo, việc giải quyết hậu quả bão lũ, hạn hán còn tốn kém hơn những lợi ích từ thủy điện mang lại.

Tìm giải pháp cân bằng

Có lẽ không nên đưa ra một bài toán mang tính đánh đổi, rừng hơn hay thủy điện hơn, bởi cả rừng và thủy điện đều rất cần. Nên chăng kiếm tìm một giải pháp dung hòa lợi ích cả hai, trong đó, cần đặt nặng lợi ích của người dân lên đầu.

Cấp bách trồng rừng và giữ rừng tự nhiên

Rừng có lẽ là giải pháp mấu chốt cho vấn đề thủy điện miền Trung – Tây Nguyên. Nhà văn Nguyên Ngọc – người gắn bó cả cuộc đời của mình với mảnh đất Tây Nguyên từng khẳng định, rừng là sự sống còn, là cốt lõi để giải quyết mọi vấn đề. Không còn rừng đầu nguồn thì tất cả những điều đang bàn đến đều vô nghĩa. Cần dừng mọi hoạt động khai thác ở Tây Nguyên và chuẩn bị kế hoạch 100 năm trồng rừng ở nơi này thì mới mong cứu được đất nước.

Hầu hết các chuyên gia dự buổi tọa đàm cũng đều nhận định, điều căn bản để điều hòa nước hai mùa mưa – khô là rừng nhưng Việt Nam cơ bản hiện không còn rừng nên việc cấp bách là phải trồng lại rừng. TS Hoàng Hòe – Phó Chủ tịch Hội Lâm nghiệp Việt Nam nhấn mạnh “cần kiên quyết giữ rừng tự nhiên, không nên phá chỗ này, trồng chỗ khác”.

Rà soát quy hoạch

Hiện quy hoạch mỗi hồ thủy điện không dựa trên quy hoạch tổng thể, không có quy hoạch chiến lược, đánh giá môi trường của toàn bộ lưu vực con sông. Vì vậy, Đại biểu Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh), cần phải có quy hoạch tổng thế mới tính được trên dòng sông có bao nhiêu thuỷ điện và làm thế nào để nó không gây hại cũng như giải quyết các vấn đề dân sinh, môi trường ở thượng nguồn. Muốn vậy, cần phải thành lập Ủy ban điều tra về hiện trạng thuỷ điện, rừng, quản lý đất đai, tài nguyên… ở miền Trung và Tây Nguyên.

Ngày 17/11, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương, UBND các tỉnh có tiềm năng phát triển thủy điện nhỏ xem xét, rà soát quy hoạch bậc thang thủy điện các dòng sông, quy hoạch phát triển thủy điện nhỏ, trong đó đánh giá tác động môi trường… Bộ Tài nguyên – Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương khẩn trương lập quy trình vận hành liên hồ chứa các lưu vực sông trình duyệt theo quy định.

Theo đó, PGS.TS Tô Bá Trọng cũng kiến nghị thành lập một ủy ban chịu trách nhiệm quản lý các hồ thủy điện, thủy lợi. Ủy ban này sẽ quyết ai được xả, xả lúc nào để đảm bảo tối ưu cho người dân và thủy điện. PGS.TS Hoàng Văn Tấn (Khoa công trình thủy, Đại học Xây dựng) cũng đồng tình với ý kiến này, cho rằng, phải siết chặt quy hoạch và quản lý theo lưu vực hơn nữa, trên mỗi lưu vực sông cần có một “nhạc trưởng” chỉ huy đúng quy hoạch và quy trình vận hành thủy điện.

Nhấn mạnh đến yếu tố môi trường, ông Võ Minh Thức – Ủy viên Ủy ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, khẳng định, cần rà soát lại hệ thống thủy điện dưới góc độ an ninh môi trường. Loại bỏ bớt những dự án thủy điện không đảm bảo an ninh môi trường, một số nhà máy thủy điện cần thay đổi chức năng từ phát điện là chính sang thực hiện vai trò kho nước, điều tiết nước là chính suốt năm hoặc trong mùa mưa. Hạch toán các thiệt hại do thủy điện gây ra vào giá thành điện để tính toán đúng hiệu quả kinh tế… là những bước đi cần thiết.

Quy chuẩn quy trình vận hành thủy điện

Nếu quy hoạch tốt mà không vận hành đúng thì cũng vô nghĩa lý. Do đó, GS Vũ Trọng Hồng cho rằng, giải pháp lâu dài là phải soát xét lại chiến lược phát triển kinh tế miền Trung có liên quan đến thiên tai và môi trường. Đồng thời, cần bổ sung quy chuẩn xây dựng công trình trên các dòng sông ở miền Trung để tránh các công trình xây dựng trên các điều kiện về địa hình, địa chất thủy văn không an toàn.