Dải ven biển sẽ dễ tổn thương trước biến đổi khí hậu

ThienNhien.Net – Trong 3 ngày từ 30/11 đến 02/12/2009, tại Khu du lịch Vân Long, tỉnh Ninh Bình, Diễn đàn Nhà báo Môi trường Việt Nam và Tổ chức Oxfam Anh phối hợp tổ chức hội thảo báo chí viết về biến đổi khí hậu, với chủ đề <i>“Giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu ở vùng ven biển”</i>. Tham dự hội thảo có 24 nhà báo môi trường đến từ nhiều vùng miền của cả nước.


Dải ven biển Việt Nam kéo dài 25 vĩ độ từ Bắc đến Nam, trải qua 29/65 tỉnh thành, nơi đây tập trung gần 50% đô hị; 60% dân số và 80% khu công nghiệp quan trọng của cả nước. Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (năm 2007), Việt Nam là 1 trong 5 nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng, đặc biệt đối với các vùng đồng bằng ven biển.

Cụ thể, nếu mực nước biển dâng thêm 1m so với hiện nay, thì 40.000km2 diện tích đồng bằng ven biển Việt Nam sẽ bị nhấn chìm dưới nước, trong đó đồng bằng Sông Cửu Long chiếm 90%; đời sống của 10% dân số nước ta sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp, làm thất thoát khoảng 10% GDP, nhiều thành phố lớn như: Hải Phòng, Bà Rịa – Vũng Tàu, Cần Thơ… sẽ bị ngập.


Ông Hoàng Quốc Dũng – Phó Chủ tịch thường trực, kiêm Tổng Thư ký VFEJ phát biểu khai mạc Hội thảo.

Trình bày tham luận tại hội thảo ngày 30/11, Giáo sư Trương Quang Học – Trưởng ban Biến đổi khí hậu của Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam đã nhấn mạnh 3 phương hướng nhằm hạn chế tác động của biến đổi khí hậu đối với dải ven biển nói riêng, và đối với cả nước nói chung.

Đó là: 1. Việt Nam cần có chiến lược toàn diện về phát triển các vùng kinh tế , đặc biệt là vùng trung du, nhằm giảm áp lực khai thác của con người ở các vùng ven biển; 2. Tất cả những vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu phải được xử lý một cách có hệ thống và triệt để; 3. Đối phó với biến đổi khí hậu phải có sự tích hợp giữa các cấp, các ngành, thiếu đi sự tích hợp này thì chúng ta không thể đạt được yếu tố phát triển bền vững…

Trong hai ngày tới, các nhà báo tham dự Hội thảo sẽ được đi điền dã ở Vườn quốc gia Cúc Phương và huyện Kim Sơn (Ninh Bình) – một huyện lấn biển, để ghi nhận những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với những vùng sinh thái nhạy cảm này.

Hội thảo này là một bước chuẩn bị quan trọng cho việc tổng hợp thông tin cần thiết nhằm chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam trong việc thích ứng với hiện tượng biến đổi khí hậu với bạn bè quốc tế tại Hội nghị Thượng đỉnh của Liên Hợp Quốc COP15 về biến đổi khí hậu tổ chức tại Copenhagen – Thủ đô của Đan Mạch trong tháng 12 tới.