Cụ thể hóa quy hoạch Hà Nội

ThienNhien.Net – Sáng 26/11, Thường trực Chính phủ đã nghe và cơ bản đồng ý với các đề xuất của Ban Chỉ đạo Nhà nước và Liên danh Tư vấn quốc tế trong Báo cáo lần 3 về Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, ý kiến của Chính phủ cho rằng, phương án quy hoạch Hà Nội cần được cụ thể hóa từ các quy hoạch cấu thành liên quan trực tiếp tới đặc tính “xanh – văn hiến – văn minh – hiện đại” như quy hoạch giao thông, kế hoạch sử dụng đất, thiết chế văn hóa và không gian xanh.


Sớm hoàn thiện các quy hoạch cấu thành

Chủ trì phiên họp, Thủ tướng đánh giá cao việc Liên danh Tư vấn quốc tế đã tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, đưa ra được ý tưởng cơ bản để xây dựng Hà Nội là “Thủ đô Xanh, Văn hiến – Văn minh và Hiện đại”.

Tuy nhiên, để ý tưởng này khả thi, các cơ quan hoạch định cần sớm hoàn thiện các quy hoạch cấu thành có liên quan trực tiếp tới đặc tính “xanh – văn hiến – văn minh – hiện đại” của Thủ đô Hà Nội là hệ thống giao thông, thủy lợi, kế hoạch sử dụng đất, làm rõ các phương án bảo tồn phát triển thiết chế văn hóa và không gian xanh, Thủ tướng nhấn mạnh.

Các quy hoạch khác cũng cần được tập trung hoàn thiện là định hướng phát triển, phân bố dân cư, mạng lưới công nghiệp, làng nghề. Đặc biệt, quy hoạch các đô thị vệ tinh hiện đại sẽ được tính toán kỹ hơn về chức năng giúp giảm tải phát triển cơ học về dân số, hạ tầng của trung tâm Hà Nội.

Các quy hoạch cấu thành này cần sớm được hoàn thành, thẩm định đưa vào Quy hoạch chung để lấy ý kiến nhân dân và các cơ quan chuyên môn trước khi trình Quốc hội vào đầu năm 2010.

Tạo sự phát triển đồng bộ cho Hà Nội

Báo cáo lần 3 của Liên danh Tư vấn đề xuất Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội được các Bộ, ngành, cơ quan hữu quan đánh giá là đồng bộ và có chất lượng, với những nghiên cứu khá chi tiết về hiện trạng cũng như đề cập đầy đủ các vấn đề và thách thức mà Hà Nội trước hay sau khi mở rộng đang gặp phải như giao thông đô thị, sức ép dân số, bảo tồn các kiến trúc và giá trị văn hóa, lịch sử, bảo vệ cảnh quan môi trường đô thị…

Các nhà hoạch định cũng phác thảo một số giải pháp ứng xử đối với các khu đô thị chức năng, từ đó xây dựng định hướng phát triển các không gian chính trong đô thị, bám sát tiêu chí “Xanh – Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”.

Theo ý kiến từ các Bộ chuyên ngành, những nhiệm vụ ưu tiên mà Chính phủ chỉ đạo sẽ được tiếp thu, triển khai sớm để làm cơ sở tạo sự phát triển đồng bộ các mặt cho thủ đô Hà Nội thời gian tới.

Theo đó, quy hoạch giao thông sẽ tập trung làm rõ các tiêu chí phát triển bền vững; phát triển các hình thức giao thông công cộng, kiểm soát và kiềm chế các phương tiện cá nhân, kiểm soát lưu thông tại các đô thị lõi, đô thị trung tâm. Ưu tiên đầu tư các trục hướng tâm, trục cao tốc song hành, đường vành đai.

Về văn hóa, kiến trúc sẽ tập trung vào các công trình có tính biểu tượng mang dấu ấn của Thủ đô. Định hướng phát triển nông thôn, nông nghiệp, thủy lợi được điều chỉnh theo hướng phát triển bền vững, trong đó lấy nguyên tắc “ly nông bất ly hương” làm cơ sở.

Một vấn đề mới sẽ được bản Quy hoạch chung đề cập cụ thể hơn là tính kinh tế, việc huy động các nguồn lực xã hội bên cạnh Quy chế tài chính dành cho việc xây dựng Thủ đô Hà Nội tới năm 2020.