Sông Đồng Nai – ô nhiễm và cạn kiệt nguồn nước

ThienNhien.Net – Lưu vực sông Đồng Nai có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội đối với vùng kinh tế phía Nam và của cả nước. Tuy nhiên song song với quá trình phát triển, vấn đề ô nhiễm nguồn nước đã nảy sinh và ngày càng phức tạp.


Theo ông Nguyễn Vũ Huy – Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam, đây là vùng từng được xem có nguồn nước dồi dào nhưng hiện nay đang tiếp cận dần với ngưỡng hạn chế về nguồn nước. Mặc dù thượng nguồn lưu vực sông Đồng Nai chất lượng nguồn nước chưa đáng lo ngại, tuy nhiên ở khu vực hạ lưu từ sau đập Trị An, đập Dầu Tiếng xuống đến cửa biển, nguồn nước nhiều nơi đã bị ô nhiễm nặng.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Trung tâm quan trắc Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai cho biết, nhiều đoạn trên sông Đồng Nai hiện đã bị ô nhiễm, chất lượng nguồn nước đang có chiều hướng suy giảm. Trong đó, đoạn sông đi qua vị trí đặt nhà máy nước Thủ Đức (nơi cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho hàng triệu người dân thành phố Hồ Chí Minh) chất lượng nguồn nước chưa đủ yêu cầu cung cấp nước sinh hoạt.

Ông Nguyễn Vũ Huy cho rằng, vấn đề nổi cộm hiện nay đối với lưu vực sông Đồng Nai là ô nhiễm nguồn nước và thiếu nước sử dụng trong mùa khô, lượng nước bình quân đầu người trên lưu vực sông Đồng Nai hiện chỉ đạt trên 3.200m3/người/năm. Trong khi đó, theo Hội Tài nguyên nước Quốc tế (IWRA), những quốc gia có lượng nước bình quân dưới 4.000m3/người/năm là quốc gia thiếu nước. Theo ông Huy, sự cần thiết và cấp bách hiện nay là phối hợp giữa các ngành các địa phương trong lưu vực để quản lý tài nguyên nước, hướng đến sử dụng công bằng và bền vững nguồn nước.

Còn theo cảnh báo của các nhà khoa học, ngoài những nguyên nhân như nước thải từ các nhà máy, nước thải sinh hoạt chưa được xử lý triệt để xả thẳng ra sông, việc quy hoạch một số công trình thủy điện đầu nguồn hiện nay cũng là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm cho sông Đồng Nai.

Ông Nguyễn Xuân Vinh (Phòng nghiên cứu sinh thái – Viện Sinh học Nhiệt đới) đưa ra dẫn chứng cho rằng, Đập thủy điện Trị An là bậc thang thủy điện đầu tiên trên sông Đồng Nai được xây dựng nhưng không có công trình cầu vượt (thang cá) cho các loài thủy sản, điều đó đã chặn đường di cư của một số loài thủy sản quan trọng như tôm càng xanh, cá chình và làm mất đi nguồn lợi thủy sản vốn có ở vùng thượng nguồn sông Đồng Nai.

Ông Vinh cũng cảnh báo việc quy hoạch các đập thủy điện trên sông Đồng Nai sẽ đe dọa đến tính toàn vẹn của phức hệ đất ngập nước khu vực Bàu Sấu – Vườn Quốc gia Cát Tiên. Theo ông, các đập thủy điện có thể làm ngập và thay đổi sâu sắc môi trường, chế độ thủy văn vùng hạ lưu, làm giảm hoặc mất đi tính đa dạng sinh học ở khu vực này, đó cũng là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước ở lưu vực sông Đồng Nai.