ThienNhien.Net – Cho đến nay, Việt Nam vẫn được đánh giá là nước có nguồn tài nguyên sinh vật đa dạng và phong phú, trong đó có tài nguyên cây thuốc, đặc biệt là khu vực Trường Sơn. Thêm vào đó, cùng với những kinh nghiệm đã được tích lũy qua 4000 năm lịch sử trong việc sử dụng tài nguyên phục vụ cho nhu cầu cuộc sống, từ ăn, mặc, ở, chăm sóc sức khoẻ và chữa bệnh, đến đấu tranh bảo vệ đất nước, vv… của cộng đồng 54 dân tộc anh em, là một ưu thế lớn góp phần nâng cao đời sống và từng bước xoá đói giảm nghèo cho người dân, nhất là cộng đồng các dân tộc sống ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, nơi mà cuộc sống của họ đang gặp nhiều khó khăn.
Theo các nhà phân loại thực vật, ở Việt Nam có khoảng 12.000 loài thực vật bậc cao. Trong số này có 3.948 loài được dùng làm thuốc (Viện dược liệu, 2007), chiếm khoảng 37% số loài đã biết. Nếu so với khoảng 20.000 loài cây làm thuốc đã biết trên thế giới (IUCN, 1992) thì số loài cây thuốc ở Việt Nam chiếm khoảng 19%. Đó là chưa kể đến những cây thuốc gia truyền của 53 dân tộc thiểu số ở Việt Nam mà cho đến nay chúng ta mới chỉ biết được một phần. Ngoài ra, các nhà khoa học nông nghiệp đã thống kê được 1.066 loài cây trồng, trong đó cũng có 179 loài cây làm thuốc.
Với một hệ thực vật như vậy, thành phần các loài cây thuốc cũng rất phong phú và đa dạng. Chúng phân bố tập trung chủ yếu ở các trung tâm đa dạng sinh vật, trong đó có khu vực dãy Trường Sơn. Tuy nhiên, cho đến nay, chúng ta vẫn chưa có danh sách đầy đủ về số loài, sự phân bố và trữ lượng của cây thuốc ở khu vực rộng lớn này. Các số liệu điều tra thực vật suốt thời gian qua còn nằm rải rác trong hồ sơ của các cơ quan nghiên cứu, các Vườn quốc gia và Khu bảo tồn. Điều này gây khó khăn cho việc đánh giá toàn diện giá trị của cây thuốc trong khu vực dãy Trường Sơn, để phục vụ cho việc bảo tồn, khai thác bền vững và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên quý giá này.
Theo kết quả điều tra của Viện dược liệu trong thời gian 2002-2005, số loài cây thuốc ở một số vùng núi trọng điểm thuộc các tỉnh gắn với dãy Trường Sơn như sau: Đắk Lắk (751 loài), Gia Lai (783 loài), Kon Tum (841 loài), Lâm Đồng (756 loài).
Cây thuốc không chỉ có giá trị trực tiếp để chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ, nếu biết bảo tồn và khai thác hợp lý thì đó còn là một nguồn thu nhập trong phạm vi hộ gia đình và các cộng đồng địa phương. Nếu tổ chức trồng cây thuốc trên quy mô lớn để tạo ra nguồn hàng hoá trên thị trường thì nó còn góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế cho đất nước.
Trên thế giới, nhiều nước đã xuất khẩu dược liệu và thu được nguồn ngoại tệ đáng kể. Ví dụ ở Trung Quốc, vị thuốc Đông trùng hạ thảo có giá tới 2000-5000 USD/Kg. Hoặc ở Triều Tiên, cây Nhân sâm đã mang lại một nguồn lợi kinh tế khá lớn cho những cơ sở trồng trọt và sản xuất thuốc từ cây này.
Việt Nam nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, thích hợp cho sự phát triển của cây trồng nói chung. Một số vùng cao lại có khí hậu á nhiệt đới, phù hợp với việc trồng cây thuốc ưa khí hậu mát. Đất đai ở miền núi nước ta, đặc biệt trên dãy Trường Sơn rộng lớn, còn rất nhiều đất hoang chưa được khai thác sử dụng để phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, vấn đề không phải là thiếu đất trồng cây thuốc, mà phải hướng dẫn và tổ chức cho người dân, đặc biệt đồng bào các dân tộc ở miền núi, vùng sâu, vùng xa biết nên trồng cây gì, hiệu quả kinh tế thế nào, kỹ thuật trồng cũng như thị trường tiêu thụ sản phẩm ở đâu? Khi người dân nhận thấy việc trồng cây thuốc mang lại hiệu quả hơn so với cây sắn, ngô, khoai, vv. thì người ta sẽ làm theo.
Theo Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây thuốc dân tộc cổ truyền (CREDEP), ừ trước đến nay, nhiều địa phương trong nước ta đã có truyền thống trồng cây thuốc, như Quế (ở Yên Bái, Thanh Hoá, Quảng Nam, Quảng Ngãi…), Hồi (ở Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu), Hoè (ở Thái Bình), vv. Có những làng chuyên trồng cây thuốc như Đại Yên (Hà Nội), Nghĩa Trai (Văn Lâm, Hưng Yên). Gần đây, nhiều loài cây thuốc ngắn ngày cũng được trồng thành công trên quy mô lớn như Ác ti sô, Bạc hà, Cúc hoa, Địa liền, Gấc, Hương nhu, Ích mẫu, Kim tiền thảo, Mã đề, Sả, Thanh cao hoa vàng, Ý dĩ, vv.
Những thống kê trên cho thấy việc phát triển trồng cây thuốc ở nước ta có nhiều tiềm năng và cho hiệu quả kinh tế cao. Cần giúp cho người dân biết cách chuyển đổi cơ cấu cây trồng, kết hợp trồng rừng với trồng cây thuốc ở những nơi có khí hậu và đất đai phù hợp, để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần tích cực trong việc xoá đói giảm nghèo cho người dân ở vùng núi. Theo kinh nghiệm ở Sa Pa, thu nhập từ trồng cây thuốc đạt 14-24 triệu đồng/ha/năm, trong khi thu nhập từ cây lương thực chỉ đạt 2,4-4,8 triệu đồng/ha/năm.
Hiện nay, ở Việt Nam đang có một nghịch lý là các vùng dân tộc thiểu số ở miền núi nói chung, đặc biệt dãy Trường Sơn nói riêng, nơi rất giầu nguồn tài nguyên thiên nhiên và tri thức bản địa thì lại nghèo hơn so với miền xuôi. Vì nghèo nên lạc hậu, và vì lạc hậu nên lại nghèo! Đây là mối tương tác ảnh hưởng lẫn nhau. Nếu ta biết sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, khai thác thế mạnh của miền núi, vận dụng khoa học kỹ thuật để canh tác hợp lý, trong đó có việc trồng cây thuốc thành hàng hoá, thì chắc chắn những sản phẩm này không chỉ góp phần vào công cuộc xoá đói giảm nghèo ở nước ta, mà nó còn làm cho con người có cuộc sống tươi đẹp và hạnh phúc hơn.