REDD, SFM và mục tiêu bền vững

ThienNhien.Net – Hiện nay, phạm vi hoạt động của cơ chế REDD đang được đàm phán dưới Công ước Khung của Liên hợp Quốc (UNFCCC). Có một số ý kiến đề xuất đưa Quản lý rừng bền vững (SFM) vào REDD với lập luận rằng SFM có thể giúp phát triển kinh tế, là “khung hữu hiệu cho hoạt động thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu dựa trên rừng ”. Tuy nhiên, SFM trong thực tế lại bị đánh giá là còn nhiều hạn chế, không mang lại những lợi ích thiết thực cho các cánh rừng nhiệt đới, các cộng đồng sống dựa vào rừng hay lợi ích kinh tế dài hạn cho các quốc gia giàu tài nguyên rừng. Bài viết dưới đây sẽ giải thích rõ hơn lý do không thể áp dụng SFM trong REDD.


SFM – một cơ chế còn nhiều hạn chế

Quản lý rừng bền vững – SFM – là một thuật ngữ xuất hiện lần đầu tiên trong “các nguyên tắc rừng” tại Hội nghị Liên hợp Quốc năm 1992 về Môi trường và Phát triển (UNCED). Từ đó SFM bắt đầu xuất hiện trong các chương trình nghị sự về chính sách rừng quốc tế.

Sau khi tiêu chuẩn và các chỉ số SFM được các nhà chính sách rừng quốc tế thông qua, những thông số này được coi là khung đánh giá SFM ở cấp độ quốc gia. Tuy nhiên, những tiêu chuẩn và chỉ số này chỉ liệt kê ra các thông số, chứ chưa rõ ràng trong tiêu chí hoạt động. Thêm vào đó, chứng chỉ nhấn mạnh việc xác nhận nguồn gỗ, chứ không phải bảo vệ đa dạng sinh học hay quyền lợi của các cộng đồng bản địa.

Điều này cho phép các công ty khai thác gỗ công nghiệp gọi các hoạt động của mình là “SFM” và nhanh chóng đưa thuật ngữ này vào sử dụng trong các chiến dịch truyền thông.

Rất nhiều hệ thống chứng chỉ rừng khác nhau đã được sử dụng để xác định các tiêu chuẩn SFM, nhưng chúng lại không nhất quán. Các chứng chỉ lâm nghiệp không được thiết kế như một cơ chế giúp giảm lượng phát thải các-bon, hơn nữa cũng không có hệ thống chứng chỉ nào cấm khai thác gỗ trong các khu rừng nguyên sinh. Và cuối cùng, việc cấp chứng chỉ cũng là tự nguyện, vì vậy không thể đảm bảo tính bền vững của các cải cách được tạo ra hay chức năng nâng cao khả năng dự trữ các-bon của rừng.

SFM – nguyên nhân chính gây nên phá rừng

Về lý thuyết, SFM giúp nâng mục tiêu quản lý rừng vượt lên trên chức năng duy trì năng suất gỗ, tuy nhiên trên thực tế có rất nhiều hoạt động nhân danh SFM không thể đạt được mục tiêu này, chứ chưa kể tới việc đạt được tính bền vững về đa dạng sinh học hay các giá trị khác.

SFM thường bị các quốc gia khai thác gỗ công nghiệp “núp bóng” để chuyển các khu rừng tự nhiên thành các khu rừng thứ cấp nghèo nàn về sinh học và trong trường hợp này, cần phải gọi tên chính xác hoạt động đó là “khai thác” gỗ chứ không phải “quản lý bền vững”.

Biến đổi khí hậu có thể đợi SFM?

Yêu cầu bức thiết của cuộc khủng hoảng khí hậu hiện nay là giải quyết nhanh chóng nạn phá rừng và thoái hóa rừng. Tuy nhiên, SFM hỗ trợ lâm nghiệp khu vực nhiệt đới mặc dù đã được tài trợ ¾ tỉ USD mỗi năm, vẫn không mang lại bất cứ lợi ích về kinh tế hay phát triển được kỳ vọng nào, trong khi cũng không chứng minh được tính bền vững. Vấn đề ở đây là liệu REDD có nên duy trì cơ chế này hay không, đặc biệt khi xem xét hiệu quả về tài chính, tính khẩn cấp của tình hình và những thất bại của SFM?

Khai thác gỗ công nghiệp – mô hình thất bại về phát triển bền vững

Những người để xướng ra hoạt động khai thác gỗ công nghiệp đã bào chữa cho hoạt động này bằng cách lập luận rằng nó góp phần phát triển bền vững và xóa đói giảm nghèo. Những tuyên bố này rất có vấn đề nếu chỉ xét trên cơ sở bền vững, chưa kể tới việc ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy khai thác gỗ công nghiệp không đóng góp cho phát triển, đặc biệt cho các cộng đồng sống trong và xung quanh rừng.

Hiện nay, phá rừng nhiệt đới đang xảy ra với tốc độ chưa từng có, trong khi chặt phá rừng vẫn tiếp tục mở rộng sang cả các khu rừng mưa nguyên sinh, dù cho các khu rừng này vẫn được hỗ trợ bảo tồn trực tiếp hay gián tiếp từ các nhà tài trợ quốc tế.

Thiếu công bằng trong chia sẻ lợi ích

Rất nhiều người dân của các quốc gia đang phát triển phải phụ thuộc vào rừng để đáp ứng những nhu cầu cơ bản của mình. Tuy nhiên khai thác gỗ quy mô công nghiệp dưới danh nghĩa SMF lại đặt phần lớn đất rừng vào tay của một số công ty lớn, trong khi số việc làm tạo ra cho cộng đồng là tương đối nhỏ và lợi nhuận thuế cho chính phủ cũng rất khiêm tốn.

Nói chung, cơ hội làm việc chính thức trong ngành lâm nghiệp là rất nhỏ so với số người phải phụ thuộc vào lâm nghiệp. Các hoạt động khai thác gỗ còn làm cạn kiệt các nguồn tài nguyên và làm thoái hóa các dịch vụ sinh thái mà các khu rừng tự nhiên cung cấp.

Việc các cộng đồng dân cư địa phương không được hưởng quyền và bị bần cùng hóa tạo ra nhiều áp lực hơn lên các nguồn tài nguyên rừng và thường tạo ra những mâu thuẫn xã hội.

Các mục tiêu ưu tiên của REDD

Một cơ chế REDD hiệu quả cần giảm phát thải khí các-bon, góp phần hạn chế tác động của biến đổi khí hậu. Để làm được điều này, REDD phải bảo vệ các cánh rừng nguyên sinh, khôi phục các khu rừng đã bị suy thoái, hỗ trợ các phương án thay thế cho khai thác gỗ công nghiệp mang lại lợi ích phát triển bền vững và lâu dài đảm bảo khả năng phục hồi của hệ sinh thái. Và cuối cùng, REDD phải hỗ trợ phát triển trong các cộng đồng địa phương có vai trò giảm thiểu áp lực lên những khu rừng nguyên sinh còn lại bằng cách xây dựng nền tảng vững chắc cho quản lý hiệu quả.

Bảo vệ rừng nguyên sinh

Bảo tồn rừng nguyên sinh là chính sách ưu tiên hàng đầu của REDD, vì những khu rừng này chứa nhiều các-bon nhất và phát triển bền vững với khả năng phục hồi lớn hơn nhiều so với các khu rừng bị thoái hóa.

Trong các khu rừng nguyên sinh hiện nay, quỹ REDD được sử dụng để nâng cao năng lực cộng đồng nhằm triển khai các chiến dịch ngăn chặn các hoạt động xâm hại thông qua quản lý có sự tham gia của cộng đồng và thực thi pháp luật.

Với REDD, các cộng đồng có thể hưởng lợi từ việc duy trì các hoạt động truyền thống không phải khai thác gỗ, đồng thời không gây ảnh hưởng đến tính nguyên vẹn về sinh thái hay giảm khả năng chứa các-bon của rừng.

Phục hồi rừng thoái hóa

Rừng thoái hóa là những khu rừng đã cạn kiệt các loài cây quí hiếm do hoạt động khai thác gỗ công nghiệp và bị chia cắt bởi các con đường khai thác gỗ. Nguy cơ những khu rừng này bị chuyển sang làm đất nông nghiệp và được sử dụng cho các mục đích khác cao gấp bốn lần so với những khu rừng không bị ảnh hưởng. REDD sẽ hỗ trợ hồi phục lại các khu rừng này bằng cách sử dụng các loài thực vật bản địa, khôi phục lại khả năng chứa các-bon và chức năng sinh thái của chúng.

Giảm áp lực lên rừng nguyên sinh

Công tác bảo vệ rừng nguyên sinh phụ thuộc vào sự thành công của các nỗ lực phát triển tại các khu vực giáp ranh, bao gồm công tác phục hồi rừng thoái hóa và các khu rừng bị tàn phá.

Những khu rừng thứ sinh cũng có thể tạo cơ hội khai thác các sản phẩm rừng bền vững quy mô nhỏ được kiểm soát chặt chẽ mà vẫn đảm bảo trữ lượng các-bon và phục hồi hệ sinh thái.

Trong mục tiêu này, các doanh nghiệp rừng quy mô nhỏ dựa trên cộng đồng sẽ là một lựa chọn. Những doanh nghiệp này mang lại nhiều công ăn việc làm cho người dân hơn các tập đoàn xuyên quốc gia đang thống trị ngành lâm nghiệp.

Một trong những rào cản chính của các hoạt động quy mô nhỏ dựa trên cộng đồng là sự cạnh tranh từ khai thác gỗ công nghiệp và khai thác gỗ bất hợp pháp, khiến thị trường luôn tràn ngập khối lượng lớn các sản phẩm gỗ và giá cả luôn ở mức thấp, thiếu bền vững. Vì vậy, ở mức độ tối thiểu nhất, quỹ REDD phải đảm bảo không hỗ trợ cho ngành khai thác gỗ công nghiệp.

REDD có lẽ là cơ hội cuối cùng và tốt nhất để cứu các rừng nguyên sinh, bảo vệ các cộng đồng rừng, giảm phát thải khí các-bon do phá rừng và bảo vệ khả năng lưu trữ các-bon của rừng. Với những hạn chế của mình, SFM sẽ cho phép ngành khai thác gỗ công nghiệp tiếp tục được chính cơ chế này hỗ trợ. Vì vậy, SFM có trong bất cứ thỏa thuận REDD nào cũng sẽ đe dọa tính toàn vẹn của REDD nói riêng và hiệu quả hoạt động của các cơ chế hạn chế biến đổi khí hậu nói chung.

Một số thất bại trong triển khai SFM

Năm 1990, Tổ chức Gỗ Nhiệt đới Quốc tế (ITTO) đã đặt “Mục tiêu 2000”, theo đó tất cả các rừng nhiệt đới sẽ được quản lý bền vững vào năm 2000. Tuy nhiên, đến năm 2005, chỉ có 7% rừng nhiệt đới được quản lý bền vững, ITTO đã bỏ lỡ 93% mục tiêu của mình.

Năm 1997, Ngân hàng Thế giới và Quỹ Bảo tồn Động vật Hoang dã Thế giới (WWF) công bố chương trình hợp tác với mục tiêu đưa 200 triệu ha rừng được quản lý sản xuất gỗ vào chương trình “Quản lý bền vững được cấp chứng chỉ độc lập” vào năm 2005. Song họ chỉ đạt được mục tiêu với 31.8 triệu ha (16% mục tiêu), trong đó chỉ có 1/3 ở các khu rừng nhiệt đới.

Năm 2004, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) công bố ý định “nâng cao quản lý bền vững các nguồn tài nguyên rừng và các hệ sinh thái quan trọng thông qua loại bỏ những hoạt động thiếu bền vững” như một phần trong kế hoạch hành động Vientiane. Năm năm sau đó, FAO ước tính tỉ lệ phá rừng tại các quốc gia ASEAN vẫn tiếp tục tốc độ của giai đoạn 2000-2005 với mức 3,7 triệu ha mỗi năm.