Chia sẻ thông tin đa dạng sinh học ở châu Á

ThienNhien.Net – Vừa qua, từ 16 – 19/11/2009, tại Băng Cốc, Thái Lan, Hệ thống thông tin Đa dạng sinh học toàn cầu (Global Biodiversity Information Facility – GBIF) đã kết hợp với Trung tâm đa dạng sinh học Đông Nam Á (ASEAN Center for Biodiversity – ACB) tổ chức Hội thảo GBIF khu vực Châu Á và Khoa học thông tin về Đa dạng sinh học. Đây là Hội thảo thứ 5 trong loạt các chương trình hội thảo khu vực đã được GBIF tổ chức vào năm 2008 (Các cuộc họp trước đây tại Châu Âu, Châu Mỹ La tinh, Châu Phi và Bắc Mỹ).


Hội thảo bao gồm một khóa tập huấn về GBIF – đây là một phần trong dự án hợp tác (SEP-CEPDEC) được hỗ trợ bởi Viện nghiên cứu phát triển của Pháp (IRD) và Chương trình nâng cao năng lực của GBIF đối với các nước đang phát triển.

Các mục tiêu chính của Hội thảo này là:

– Thúc đẩy GBIF trong khu vực, đặc biệt là hướng đến việc gia tăng hội viên của các quốc gia Châu Á trong GBIF;

– Tạo thuận lợi trong việc phối hợp hoạt động trong khu vực, và thúc đẩy sự hợp tác và quan hệ đối tác nhiều hơn nữa trong lĩnh vực thông tin Đa dạng sinh học;

– Xây dựng năng lực khu vực trong việc huy động, xuất bản và sử dụng dữ liệu đa dạng sinh học;

– Giới thiệu việc sử dụng và ứng dụng các dữ liệu đa dạng sinh học, đặc biệt là trong việc hỗ trợ chính sách và quá trình ra quyết định liên quan đến việc bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học và các vấn đề phổ biến khác như biến đổi khí hậu;

– Hướng đến việc chuẩn bị kế hoạch hành động để thực hiện GBIF trong khu vực.

Tham dự hội thảo lần này có hai đại biểu từ Việt Nam, gồm Cục Bảo tồn đa dạng sinh học (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và Viện Sinh học nhiệt đới.

Đặt trụ sở tại Copenhagen (Đan Mạch), GBIF là một cơ sở dữ liệu khổng lồ về đa dạng sinh học, gồm hơn 189 triệu đề mục về các mẫu vật, được chia sẻ tự do cho mọi đối tượng quan tâm trên toàn thế giới. Đây là nguồn tư liệu tham khảo giá trị cho giới nghiên cứu khoa học, giáo dục đào tạo và các cơ quan chính phủ.

Cho đến nay, cơ sở dữ liệu của GBIF đã được đóng góp bởi 306 tổ chức, gồm các tổ chức quốc tế và 53 quốc gia thành viên. Việt Nam vẫn chưa là thành viên của GBIF nhưng GBIF hiện đang cung cấp thông tin về đa dạng sinh học của Việt Nam, nhờ sự đóng góp của 21 quốc gia khác có thông tin về Việt Nam, gồm hơn 100.000 ghi nhận về hơn 13.000 loài sinh vật. Việc tham gia GBIF sẽ giúp Việt Nam tiếp cận với các hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính của GBIF nhằm tạo ra cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học thống nhất và chia sẻ trên toàn thế giới thông qua một cổng thông tin quốc gia.

Tại Việt Nam, Bộ thảo tập (mã quốc tế là VNM) thuộc Viện Sinh học nhiệt đới hiện đang số hóa dữ liệu mẫu vật (chủ yếu là thực vật được thu thập ở Đông Dương và các nước xung quanh trong hơn 100 năm qua) và sẽ kết nối với GBIF trong năm 2010. Khi đó, người ta có thể tiếp cận các cơ sở dữ liệu này trên internet.

Mọi thông tin về GBIF và cơ sở dữ liệu của GBIF có thể tìm thấy và download trên website của tổ chức này (www.gbif.org).