ThienNhien.Net – Mới đây, Thủ tướng Chính phủ vừa có các Quyết định số 1929/QĐ-TTg và 1930/QĐ-TTg ngày 20/11/2009 phê duyệt định hướng phát triển cấp, thoát nước đô thị và Khu công nghiệp (KCN) Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050.
Đáp ứng đầy đủ nhu cầu cấp nước sạch
Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, tỷ lệ bao phủ dịch vụ cấp nước sạch tại các đô thị đạt 100%, với tiêu chuẩn cấp nước bình quân đạt 120 lít/người/ngày đêm, chất lượng nước đạt quy chuẩn quy định; tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch tại các đô thị dưới 15%; dịch vụ cấp nước ổn định, liên tục 24h/ngày, áp lực nước trên toàn mạng đạt quy chuẩn quy định. Tầm nhìn đến năm 2050, tất cả các đô thị, KCN được đáp ứng đầy đủ các nhu cầu nước sạch trên cơ sở cấp nước ổn định, chất lượng bảo đảm, dịch vụ tốt và hiệu quả về kinh tế.
Để đạt được các mục tiêu trên, trong giải pháp về nguồn nước, định hướng phát triển xác định yêu cầu ưu tiên khai thác nguồn nước mặt, khai thác sử dụng nguồn nước ngầm hợp lý và từng bước giảm lưu lượng khai thác nước ngầm tại các đô thị lớn như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.
Bên cạnh đó, cần tăng cường triển khai thực hiện quy hoạch cấp nước vùng liên tỉnh, vùng tỉnh và liên đô thị; ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình cấp nước vùng. Kiểm tra, đánh giá chất lượng hoạt động, cải tạo và đầu tư mở rộng mạng lưới đường ống cấp nước nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng nước, phát huy hết công suất thiết kế và giảm tỷ lệ thất thoát nước.
Về cơ chế, chính sách cho lĩnh vực cấp nước, sẽ huy động các nguồn vốn của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước. Dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước được hưởng các ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước theo quy định của pháp luật. Thành lập Quỹ quay vòng cấp nước tạo nguồn tài chính hỗ trợ, đầu tư các dự án phát triển cấp nước tại các đô thị nhỏ và khu dân cư tập trung.
Xây dựng đồng bộ hệ thống thoát nước
Theo định hướng, hệ thống thoát nước phải được xây dựng đồng bộ bảo đảm thoát nước mưa và nước thải từ thu gom, chuyển tải đến xử lý cho từng lưu vực.
Từ nay đến năm 2015, mục tiêu đặt ra là ưu tiên giải quyết thoát nước mưa, xóa bỏ tình trạng ngập úng thường xuyên trong mùa mưa ở các đô thị loại II trở lên; mở rộng phạm vi phục vụ của các hệ thống thoát nước từ 56-60% hiện nay lên 70-80%. Đến năm 2025, xóa bỏ hoàn toàn tình trạng ngập úng thường xuyên tại các đô thị.
Về hệ thống thoát nước thải, mục tiêu đến năm 2025, các đô thị loại IV trở lên sẽ có hệ thống thu gom và trạm xử lý nước thải sinh hoạt tập trung; tỷ lệ nước thải sinh hoạt được thu gom và xử lý đạt 70-80%, nước thải sau xử lý đạt quy chuẩn quy định. Các làng nghề có trạm xử lý tập trung hoặc phân tán, hoạt động thường xuyên, chất lượng nước thải xả ra môi trường đạt quy chuẩn.
Các giải pháp được đưa ra là hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về thoát nước. Các thành phố trực thuộc Trung ương phải tổ chức lập và phê duyệt quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước, xác định sơ đồ hệ thống, lưu vực thoát nước, nguồn tiếp nhận nước mưa, nước thải, xác định các dự án đầu tư và giai đoạn đầu tư.
Ưu tiên nguồn vốn ODA cho đầu tư, phát triển hệ thống thoát nước đô thị, đặc biệt các đô thị lớn, các đô thị chịu ảnh hưởng bởi thiên tai. Đồng thời, huy động các nguồn vốn của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước, đặc biệt là các nhà máy xử lý nước thải theo các hình thức khác nhau.