An toàn thực phẩm vì sức khỏe cộng đồng

ThienNhien.Net – Thời gian qua, nhiều vụ ngộ độc thực phẩm liên tiếp xảy ra đã trở thành hồi chuông cảnh báo về tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm, gây nguy hại sức khỏe con người và ảnh hưởng tới môi trường sống. Đặc biệt trong những tháng cuối năm giáp Tết, vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm đối với mỗi người dân càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Vừa qua, Hội hóa học Đồng Nai đã tổ chức Hội thảo hóa học với nhiều nội dung liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm. Hội thảo đã thu hút nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu hóa học trên địa bàn tỉnh tham dự và đóng góp ý kiến.


TS Nguyễn Đức Thạch, Chủ tịch Hội hóa học Đồng Nai cho rằng: “Với vai trò là nhà nghiên cứu, các nhà khoa học cần tìm ra bản chất, điều kiện và mức độ gây hại cho sức khỏe con người của một số chất hóa học phổ biến có trong thực phẩm được nhà kinh doanh, sản xuất sử dụng thường xuyên để chế biến thực phẩm, nhằm đưa ra những thông tin cần thiết giúp người dân có cách lựa chọn thực phẩm đúng đắn hơn”.

Theo Tiến sỹ, các hóa chất phổ biến mà người sản xuất thường xuyên sử dụng là muối NaNO2, hàn the, formalin. Đây là những chất phụ gia quan trọng trong quá trình bảo quản sản phẩm, giúp sản phẩm tươi lâu hơn. Tuy nhiên việc lạm dụng những chất này đã gây ra nhiều tác hại không mong muốn cho sức khỏe con người, cụ thể như ngộ độc, suy thận, rụng tóc, da xanh xao… Điều quan trọng là việc cung cấp thông tin như thế nào để người dân hiểu và vận dụng phù hợp bởi mỗi vùng có điều kiện khí hậu, thời tiết, thổ nhưỡng khác nhau; cơ địa con người mỗi vùng cũng khác nhau nên sức đề kháng khác nhau.

Còn theo PGS.TS Đống Thị Anh Đào, Bộ môn Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách khoa TP.HCM, “Để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đạt hiệu quả như mong muốn, cần sự quan tâm không chỉ của các nhà sản xuất trong quy trình sản xuất thực phẩm hay người tiêu dùng mà còn rất cần chú ý tới khâu chế biến các loại bao dùng làm đồ lưu trữ”.


Sử dụng bịch nilon đựng sản phẩm đã trở thành thói quen của cả người bán và người mua bởi tính tiện
dụng. (Ảnh: Cổng TTĐT Đồng Nai)

Hiện nay, việc sử dụng các loại bịch nilon, hũ nhựa để bảo quản, chứa đựng thực phẩm đã trở nên phổ biến, quen thuộc nhưng ít ai biết về những độc hại từ các loại nguyên liệu này. Khắp các cửa hàng, siêu thị, chợ… tất cả các loại thực phẩm đều được cho vào bao nilon, đồ đựng bằng nhựa bởi tính tiện dụng. Tuy nhiên, các loại bịch nilon thường làm bằng chất hóa học nên nếu tiếp xúc với điều kiện nhiệt độ, ánh sáng cũng như các chất không phù hợp sẽ sản sinh ra nhiều chất nguy hại ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Hơn nữa, túi nilon rất khó phân hủy khi thải ra môi trường, vì vậy sẽ gây nguy hại cho môi trường sống về lâu dài. Thế nhưng lâu nay chúng ta vẫn đang bỏ quên những yếu tố hết sức quan trọng này trong quá trình chế biến, bảo quản thực phẩm, PGS, TS Đống Thị Anh Đào kết luận.

Trước tình trạng tràn lan thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, thực phẩm mất vệ sinh bày bán công khai tại các chợ, sạp bên lề đường mà quản lý nhà nước cũng đang “bó tay” thì chúng ta không thể trông chờ vào lương tâm và lòng nhân ái của nhà sản xuất, kinh doanh cũng như các biện pháp, chế tài từ nhà quản lý để có thực phẩm sạch, ông Huỳnh Minh Đức, Trung tâm Y tế dự phòng Đồng Nai nhấn mạnh.

Bởi thực tế, thời gian qua Nhà nước đã ban hành rất nhiều văn bản luật, pháp lệnh và các quy phạm pháp luật quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, bên cạnh đó công tác kiểm tra, giám sát đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm của các cơ quan chức năng thường xuyên được tổ chức, song tình trạng thực phẩm không an toàn lưu hành trên thị trường vẫn còn rất tràn lan. Và xét đến cùng đối tượng chịu thiệt thòi “tiền mất tật mang” hiện nay vẫn chỉ có người tiêu dùng vì hàng ngày phải đối diện trực tiếp với nguy cơ ngộ độc thực phẩm từ đồ ăn, thức uống như rau, quả, thịt… Vì vậy để bảo vệ sức khỏe cho mình và cả người thân trong gia đình, mỗi người dân hãy tự bảo vệ lấy mình trước nguy cơ sử dụng thực phẩm không an toàn, đó cũng là thông điệp mà ông Hoành Minh Đức nêu ra tại Hội thảo.

Theo ông, để giảm thiểu nguy cơ ngộ độc thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cho mình và gia đình thì trước khi đi mua sắm, người tiêu dùng, nhất là các bà nội trợ, cần trang bị cho mình một số kiến thức cơ bản như: nên lựa chọn thực phẩm của nhà sản xuất có thương hiệu, nguồn gốc, xuất xứ, thời gian sản xuất lưu trữ rõ ràng; nên chọn mua thực phẩm tươi, sạch, ngâm rửa kỹ trước khi sử dụng; thường xuyên theo dõi thông tin để biết sản phẩm kém chất lượng; và cần cân nhắc thói quen sử dụng thức ăn đường phố… Điều đó sẽ góp phần nâng cao ý thức dùng sản phẩm sạch và chứng tỏ người tiêu dùng là đối tượng quyết định chất lượng sản phẩm vì khi sản phẩm thiếu đảm bảo không có người mua, nhà sản xuất sẽ phải quan tâm đến chất lượng đầu ra của sản phẩm do mình sản xuất.


Hãy là người tiêu dùng thông minh, sử dụng các loại thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng. Trong ảnh: Sản xuất thịt gà tại công ty D&F. (Ảnh: Cổng TTĐT Đồng Nai)

Cũng tại hội thảo, nhiều nhà nghiên cứu tại các trường Đại học Lạc Hồng, Bách Khoa đã giới thiệu các công trình về chế biến thực phẩm sạch có nguồn gốc từ thiên nhiên như: viên mốc chao, rau an toàn, nước dừa đóng hộp, sản phẩm dinh dưỡng…