ThienNhien.Net – Sự phát triển của các loài sinh vật biển xâm lấn đang ngày càng trở thành mối lo ngại do gia tăng nhanh các hoạt động buôn bán vận chuyển hàng hải, du thuyền cùng việc đưa các loài sinh vật vào các hệ sinh thái phi bản địa. Hiện nay, sinh vật biển xâm lấn là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với đa dạng sinh học toàn cầu.
Để kiểm soát các cuộc xâm lấn sinh học trong môi trường biển, việc ngăn cản sự lan rộng cũng như sớm phát hiện các loài sinh vật này là rất cần thiết. Điều kiện tiên quyết giúp mang lại thành công là có đủ thông tin cơ bản về các sinh vật xâm lấn.
Tuy nhiên, những thông tin như thế thường chưa đủ hoặc bị chìm lấp, ngay cả ở những khu vực có thể tiếp cận và đã được nghiên cứu kỹ, còn thông tin về tình trạng xâm lấn ngoài đại dương xa xôi thì gần như chưa có.
Những khu vực tách biệt về mặt địa lý như vậy rất dễ xảy ra tình trạng xâm lấn của các sinh vật phi bản địa, nhất là khi môi trường biển đã bị suy thoái.
Một dự án nghiên cứu kéo dài trong 3 năm nhằm giải quyết những vấn đề trên do Chương trình Sinh thái biển Toàn cầu của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) và các nước đối tác trong quần đảo có đá granit đã được triển khai vào năm 2004-2005. Chương trình đã khảo sát quần thể san hô trên quần đảo Chagos (Ấn Độ dương) và vùng Aldabra Group, Seychelles, để tìm kiếm những sinh vật biển xâm lấn tiềm ẩn, đề nghị và triển khai một số biện pháp phòng chống cần thiết, đồng thời đóng góp vào kiến thức chung về các hệ sinh thái biển của khu vực này.
Trong tổng số 142 địa điểm được khảo sát ở quần đảo Chagos, có 19 điểm ở Diego Garcia, 9 điểm ở bờ Great Chagos, 9 điểm ở Peros Banos, và 5 điểm ở Salomon, 35 điểm ở quần đảo Outer, 19 điểm ở Amirantes, xung quanh quần đảo D’arros, Remiers và đảo san hô vòng St. Joseph, 16 điểm quanh đảo san hô vòng Aldabra.
Kết quả khảo sát cho thấy không có sự xâm lấn đáng kể nào diễn ra ở những vùng đó, và cũng không xác định được loài xâm lấn. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cũng không chứng minh được là hoàn toàn không có loài xâm lấn hay phi bản địa nào được đưa vào những khu vực này do bị hạn chế bởi quy trình đánh giá nhanh và ngưỡng thăm dò thực địa tương đối thấp so với các khảo sát thông thường.
Nguy cơ tiềm ẩn về các loài sinh vật xâm lấn đang ngày càng gia tăng do sự tương tác giữa biến đổi khí hậu và các yếu tố khác như suy giảm môi trường trên diện rộng. Điều này cần được nghiên cứu sâu hơn nhằm đánh giá lại những nỗ lực quản lý và ngăn chặn hiện nay và đưa ra những can thiệp cần thiết. Đồng thời các hoạt động nghiên cứu, giáo dục và nâng cao nhận thức của cộng đồng về sinh vật biển xâm lấn cũng cần được tiến hành nhanh chóng và rộng rãi.