ThienNhien.Net – Nhằm tìm mối liên hệ giữa chất độc diệt cỏ do quân đội Mỹ sử dụng trong cuộc chiến tại Việt Nam (thời gian từ 1961 đến 1971) với căn bệnh ung thư mà người dân Việt Nam ở vùng chịu ảnh hưởng mắc phải, nhà nghiên cứu Đỗ Quý Toàn thuộc Nhóm Nghiên cứu Kinh tế Phát triển của Ngân hàng Thế giới đã thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học mang tên: “Chất độc da cam và tỷ lệ ung thư của người Việt Nam 30 năm sau chiến tranh”.
Nghiên cứu cho biết, từ năm 1961 – 1971, hơn 72 triệu lít chất độc diệt cỏ đã được quân đội Mỹ rải xuống Việt Nam nhằm làm trụi lá rừng và phá hủy mùa màng. Trong đó, nhiều nhất là chất độc màu da cam, chiếm khoảng 65% (ước tính, 366 kg dioxin nguyên chất đã được rải xuống Việt Nam).
Nghiên cứu tìm thấy một mối tương quan giữa liều lượng nhiễm độc và mức độ phản ứng, hay còn gọi là mối tương quan đáp ứng liều (dose-response). Trong những xã từng bị phơi nhiễm, cứ thêm 10% giá trị phơi nhiễm chất độc diệt cỏ sẽ dẫn đến tăng thêm 2% khả năng người dân bị mắc ung thư.
Điều này có nghĩa là một cá nhân nằm trong xã ở phân vị 75 trong phân phối mức độ phơi nhiễm (tương đương với việc hứng chịu 91 lần rải chất độc) ước tính có nguy cơ bị mắc ung thư cao gấp đôi một cá nhân tương tự sống tại xã ở phân vị 25 (tương đương với 18 lần rải chất độc).
Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy tỷ lệ ung thư ở phụ nữ cao hơn ở nam giới, và sự chênh lệch về giới này giảm dần theo độ tuổi người bệnh.
Khi cho thêm một đại lượng tương tác bằng một biến nhị phân thể hiện thời điểm một cá nhân sinh ra trước hay sau năm 1971 (thời điểm kết thúc chiến dịch rải chất độc), kết quả nghiên cứu cho thấy ở những người sinh sau năm 1971, mối tương quan liều lượng – độ phản ứng trở nên yếu hơn và không có ý nghĩa về mặt thống kê ở mức tin cậy quy chuẩn.
Thay vì xem xét toàn bộ số mẫu, khi loại bỏ số đối tượng ở những xã chưa từng phơi nhiễm và sử dụng phép hồi quy logistic ở các mẫu có điều kiện này, kết quả nghiên cứu có được vẫn khá nhất quán với mẫu đầy đủ: Mức độ phơi nhiễm có tương quan thuận với nguy cơ mắc ung thư. Và trong trường hợp này, không có sự khác biệt mang ý nghĩa thống kê giữa những người sinh trước và sau 1971.
Tuy nhiên, tác giả cũng lưu ý rằng, phương pháp được áp dụng không tránh khỏi những hạn chế do thiếu thông tin có độ tin cậy cao về tình trạng ung thư tự khai và khai qua người thứ ba ở địa bàn điều tra, hơn nữa, lại phải sử dụng số liệu ung thư được phát hiện thay vì ung thư mới mắc phải.
Song bằng những số liệu về tỷ lệ ung thư đã thu thập, sau khi được đánh giá bằng phương pháp định lượng, nghiên cứu đã tìm thấy một mối tương quan tỷ lệ thuận giữa tình trạng phơi nhiễm chất diệt cỏ quân sự trong quá khứ và tỷ lệ ung thư của các cộng đồng người Việt bị ảnh hưởng 30 năm sau chiến tranh.
Nguồn: Bản dịch “Chất độc da cam và tỷ lệ ung thư của người Việt Nam 30 năm sau chiến tranh” của Đinh Vũ Trang Ngân, Lê Đặng Trung và Hoàng Hoa (dịch từ bản gốc tiếng Anh: “Agent Orange and the Prevalence of Cancer in the Vietnamese Population 30 Years after the End of the Vietnam War”, Đỗ Quý Toàn, Washington DC., September 2009).