Kiện toàn hệ thống quản lý Nhà nước về ĐDSH

ThienNhien.Net – Nhằm tiếp tục triển khai các nội dung của Luật Đa dạng sinh học (ĐDSH) đã có hiệu lực từ tháng 7 năm 2009, ngày 19/11, Cục Bảo tồn Đa dạng sinh học (Tổng cục Môi trường) đã tổ chức Hội thảo “Phương hướng kiện toàn hệ thống tổ chức quản lý Nhà nước về Đa dạng sinh học và An toàn sinh học ở Việt Nam”.


Gần 50 đại biểu đại diện cho Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài nguyên-Môi trường, Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Sở TN&MT tỉnh Nghệ An, các nhà khoa học, bảo tồn và một số tổ chức phi chính phủ đã tham dự.

Báo cáo tại hội thảo cho biết, thời gian gần đây, Chính phủ đã bước đầu đẩy mạnh việc kiện toàn hệ thống tổ chức quản lý nhà nước có liên quan đến các nhiệm vụ về ĐDSH và An toàn sinh học (ATSH), với việc thành lập mới các cơ quan liên quan như Tổng cục Môi trường, Tổng cục
Lâm nghiệp, Tổng cục Thủy sản và Tổng cục Biển và Hải đảo. Tuy nhiên, sự phân cấp về quản lý ĐDSH vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng, còn nhiều chồng chéo và thách thức giữa các bộ, ngành trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ĐDSH và ATSH ở cấp TW, đặc biệt là giữa Bộ NN&PTNT và Bộ TN&MT. Hệ thống tổ chức quản lý ĐDSH ở cấp địa phương và tại các Vườn quốc gia, Khu bảo tồn cũng còn nhiều bất cập, chưa có đủ quyền năng để thực hiện nhiệm vụ bảo tồn ĐDSH một cách hiệu quả.

Trong bối cảnh tài nguyên ĐDSH của Việt Nam tiếp tục bị suy giảm, có nhiều nguy cơ về ATSH, sức ép lên ĐDSH ngày càng tăng do nhu cầu và thị trường tiêu thụ phát triển. Trong khi đó, vì ưu tiên phát triển kinh tế, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và vai trò của cộng đồng về bảo tồn ĐDSH còn mờ nhạt, yêu cầu kiện toàn hệ tống tổ chức quản lý Nhà nước về ĐDSH và ATSH là hết sức cấp thiết. Hội thảo đã thảo luận quan điểm, nguyên tắc và mục tiêu của đề án kiện toàn hệ thống tổ chức quản lý Nhà nước về ĐDSH và ATSH, đồng thời đề xuất một số nội dung trọng tâm như:

• Thành lập mới các tổ chức hoặc bộ phận tổ chức cần nhưng hiện chưa có như Hội đồng quốc gia về ĐDSH và ATSH;

• Nâng cấp hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu các tổ chức hiện có nhưng chưa có đủ khả năng, như điều tra, quan trắc, lưu trữ và khai thác dữ liệu ĐDSH, tổ chức quy hoạch bảo tồn ĐDSH…

• Điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ giữa các tổ chức liên quan trong các lĩnh vực quản lý khu bảo tồn theo phân cấp của Luật ĐDSH, quản lý dịch vụ môi trường liên quan đến ĐDSH…

• Phân cấp mạnh mẽ cho các địa phương cùng với việc tăng cường phối hợp giữa các ngành và giữa TW với địa phương trên cơ sở Luật ĐDSH và xu thế cải cách hành chính hiện nay…

• Tăng cường vai trò của cộng đồng trong quản lý ĐDSH thông qua thể chế hóa sự tham gia của cộng đồng, nhân rộng các mô hình cộng đồng quản lý và khai thác bền vững ĐDSH…

• Tăng cường đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực cho bảo tồn ĐDSH.

Ngoài ra, Hội thảo cũng đã trao đổi các nội dung về đề xuất thành lập Hội đồng quốc gia về ĐDSH và ATSH, dự kiến trình Chính phủ nghiên cứu và quyết định.