Đoan Hùng: Quê hương của kinh tế đồi rừng

ThienNhien.Net – Đến với Đoan Hùng (Phú Thọ), điều đầu tiên có thể cảm nhận được là mầu xanh ngút mắt của cây rừng và cây ăn trái. Rừng Đoan Hùng có độ che phủ gần 50% tổng diện tích đất tự nhiên. Trong tổng số 13.800ha đất lâm nghiệp, đất có rừng chiếm tới 96% – chủ yếu là rừng sản xuất. Toàn huyện có tới 142 cơ sở chuyên làm đồ mộc, xẻ gỗ, làm mành, làm đũa xuất khẩu. Hoạt động sản xuất chế biến lâm sản nơi đây vô cùng sôi động, thu hút hàng nghìn lao động địa phương. Mỗi năm các cơ sở sản xuất lâm nghiệp đóng góp tới 1/3 ngân sách của huyện. Cây rừng tạo sự trong lành, tươi mát, khôi phục nguồn sinh thủy, giúp mùa màng bội thu.


Thành công của “cách mạng xanh” nơi đây khiến Đoan Hùng được lãnh đạo tỉnh Phú Thọ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn coi là “Quê hương của kinh tế đồi rừng”. Tổng bí thư Nông Đức Mạnh từng khen ngợi nhân dân Đoan Hùng không chỉ trồng rừng giỏi mà còn biết chọn cây có giá trị kinh tế cao.

Năm 1981, huyện Đoan Hùng được tái lập. Lúc đó, Đoan Hùng chỉ có gần 11.000ha ruộng nước, đất đồi và đất rừng chiếm 2/3 tổng diện tích tự nhiên. Dù có thâm canh cao ở đất ruộng thì cũng không thể đưa người dân thoát nghèo. Chỉ có khai thác, đầu tư thâm canh trên đất đồi rừng thì mới làm giàu được. Tháng 06/1982, Ban thường vụ huyện ủy Đoan Hùng đã ban hành Nghị quyết 05 về phát triển kinh tế đồi rừng. Đây thật sự là cuộc cách mạng làm chuyển biến cả về tư tưởng và hành động, khiến người dân nhận thức sâu sắc về giá trị to lớn của rừng.

Ngay từ những ngày đầu ấy, Hạt Kiểm lâm Đoan Hùng đã được ngành chủ quản và huyện ủy giao trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn. Nhiều năm qua, các cán bộ công chức Kiểm lâm Đoan Hùng đã cùng đồng hành với cơ sở, với các chủ rừng đưa Nghị quyết về phát triển lâm nghiệp thành công. Hạt trưởng và tập thể Hạt Kiểm lâm Đoan Hùng đã vinh dự được Nhà nước trao tặng huân chương lao động trong thời kỳ đổi mới.

Có thể thấy, vấn đề phát triển kinh tế đồi rừng, kinh tế trang trại ở Đoan Hùng được khởi đầu rất sớm. Tháng 09/1982, Tiêu Sơn là xã được huyện chọn làm điểm giao đất, giao rừng đến hộ gia đình, cá nhân. Năm 1994, Đoan Hùng là huyện đầu tiên hoàn thành việc giao đất lâm nghiệp, chấm dứt hiện tượng xâm lấn đất, chặt cây, phá rừng.

Bên cạnh đó, một số dự án về lâm nghiệp đã được triển khai trên địa bàn các xã Tiêu Sơn, Văn Du, Minh Phú, Hùng Quan, Yên Kiện, Ngọc Quan, Tây Cốc. Một số diện tích rừng được trồng theo phương pháp công nghiệp, tỷ lệ cây sống cao, tăng trưởng nhanh, người dân phấn khởi. Chính vì vậy, từ năm 1983 đến 1994 mỗi năm Đoan Hùng trồng mới được từ 600 đến 1.000ha rừng. Năm 1999, Đoan Hùng được công nhận đi đầu và hoàn thành cơ bản chương trình phủ xanh đất trống đồi núi trọc. Kết quả này là tiền đề để Tỉnh ủy Phú Thọ mở hội nghị “Đánh giá hiệu quả sử dụng đất đồi rừng tại Đoan Hùng” – năm 1989 và năm 1994.

Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết về “Phát triển kinh tế đồi rừng”, Đoan Hùng đã tạo ra bước chuyển biến rõ nét. Toàn huyện có 1.490 trang trại với tổng diện tích là 3.864ha, bình quân mỗi trang trại có quy mô 2,6ha. Về cơ cấu kinh doanh, 61% trang trại kinh doanh tổng hợp, 26% trang trại chuyên lâm nghiệp, 12% trang trại trồng cây ăn quả. Nhiều mô hình trang trại cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Mặc dù số lượng và quy mô trang trại ở Đoan Hùng so với các nơi còn hạn chế nhưng hiệu quả thì đã rõ. Chính sách giao đất lâm nghiệp đến hộ và các thành phần kinh tế làm người dân tự tin, cởi mở, yên tâm đầu tư kinh doanh nghề rừng. Năm 2000, sản lượng lương thực toàn huyện đạt 33.000 tấn, bình quân lương thực 320kg/người/năm thì đến năm 2007, sản lượng lương thực đạt 43.000 tấn, bình quân lương thực đạt 400 kg/người/năm. Nhiệm vụ phủ xanh đất trống đồi núi trọc cơ bản hoàn thành sớm. Diện tích chè 1.200ha, mỗi năm chế biến từ 3.500 đến 4.000 tấn búp chè tươi. Toàn huyện đã hoàn thành dự án trồng 1.000ha bưởi đặc sản mang thương hiệu Đoan Hùng.

Có nhiều nguyên nhân tạo ra bước chuyển biến kinh tế của huyện, trong đó phương châm “ruộng nuôi rừng và rừng nuôi ruộng” được đặc biệt chú trọng. Những địa phương thâm canh lúa tốt, dân đủ ăn thì không phá rừng. Tư duy của nhân dân Đoan Hùng đã hòa nhập với tư duy kinh tế cả nước. Nhân dân các dân tộc ở Đoan Hùng đã rất phấn khởi, tin tưởng vào chương trình phát triển kinh tế đồi rừng.

Tuy nhiên, bên cạnh thành công, còn nhiều vấn đề đang đặt ra cho kinh tế đồi rừng ở Đoan Hùng. Sau khai thác những chu kỳ đầu, đất rừng bị thoái hóa cần đánh giá lại vì mục tiêu sản xuất, kinh doanh rừng bền vững. Việc cung cấp hạt giống, cây giống lâm nghiệp cần được quản lý chặt chẽ hơn nữa. Hiện tại một số diện tích rừng ở Đoan Hùng được trồng bằng các giống không chuẩn, gây ảnh hưởng tới độ tăng trưởng của cây, làm cho rừng kém phát triển.