ThienNhien.Net – “Trang bị những kiến thức về biến đổi khí hậu (BĐKH) và những tác động bất lợi của biến đổi khí hậu cho phụ nữ là một nhiệm vụ cấp bách hiện nay. Điều đó sẽ góp phần giúp họ tìm ra giải pháp thích ứng phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của từng vùng, từng địa phương, đồng thời khuyến khích họ tích cực tham gia vào các hoạt động giảm nhẹ BĐKH", Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên đã nhấn mạnh như vậy tại Hội thảo "Giới và Biến đổi khí hậu”, chiều 16/11, tại Hà Nội. Hội thảo do Bộ TN&MT, Nhóm nữ Nghị sĩ Quốc hội và Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức với sự tham gia của các nữ đại biểu đang tham dự kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XII.
Phụ nữ nghèo – đối tượng dễ tổn thương nhất của BĐKH
Điều này dễ hiểu bởi BĐKH sẽ tác động nặng nề tới khu vực nông nghiệp và nông thôn – nơi mà tỷ lệ phụ nữ gắn với sản xuất nông nghiệp tới 62%. Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cho rằng, tuy chưa có thống kê thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh gây ra riêng theo giới tính, nhưng chắc rằng những người phụ nữ nghèo là nạn nhân trực tiếp của thiên tai và dịch bệnh, bởi vì họ là người đầu tiên quan tâm bảo vệ gia đình mình, nhưng hiện chưa được trang bị những kiến thức và kỹ năng cần thiết.
“Tại khu vực thành thị, mặc dù có điều kiện được tiếp cận với những kiến thức để bảo vệ bản thân và gia đình trước thiên tai và bệnh dịch, nhưng lại hạn chế về thời gian để phục hồi sức khỏe sau thiên tai, những cơ hội việc làm do nguồn lực ngày càng khan hiếm, khiến cho phụ nữ cũng dễ bị tổn thương hơn so với nam giới trước những tác động bất lợi của BĐKH”, Bộ trưởng lưu ý.
Mặt khác, việc phải bươn trải để kiếm sống khiến phụ nữ, đặc biệt là các bé gái ít có cơ hội đến trường và trang bị cho mình những kiến thức cơ bản.
Ông Peter Hansen, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam cũng chỉ ra hàng loạt rủi ro và thách thức do BĐKH tác động đến phụ nữ. Đó là mất sinh kế nông nghiệp, thiếu việc làm, dễ mắc dịch bệnh, giảm cơ hội đến trường cho bé gái…
Lồng ghép vấn đề giới trong các chính sách BĐKH, môi trường
Là đối tượng dễ bị tổn thương song phụ nữ lại có thế mạnh trong thực hiện các biện pháp giảm nhẹ tác động của BĐKH. Ông Lê Công Thành, Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn và BĐKH cho biết, là người giữ “tay hòm chìa khóa”, phụ nữ là người quyết định trong việc tiết kiệm chi tiêu, tiết kiệm năng lượng, nước, bảo vệ cây xanh…
Từng việc làm nhỏ đó ở mỗi gia đình lại góp phần lớn trong việc giảm phát thải, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên. Bởi thế lồng ghép vấn đề giới vào các chương trình, kế hoạch về BĐKH trở thành một nguyên tắc của Chương trình Mục tiêu Quốc gia ứng phó với BĐKH.
Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội nhìn nhận ở một góc độ khác. Các nữ đại biểu Quốc hội có vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu, xem xét đóng góp ý kiến về lồng ghép vấn đề giới vào luật pháp cũng như các chính sách môi trường. Nữ đại biểu Quốc hội còn là những tuyên truyền viên tích cực, có tiếng nói thuyết phục về các vấn đề BĐKH tới cử tri cả nước.
Đồng tình với quan điểm này, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cho rằng, những đóng góp của các nữ đại biểu Quốc hội sẽ góp phần xây dựng lộ trình triển khai hiệu quả Chương trình Mục tiêu Quốc gia ứng phó với BĐKH của Việt Nam, đặc biệt là tác động của biến đổi khí hậu đến phụ nữ và vai trò của phụ nữ trong công cuộc ứng phó với biến đổi khí hậu, tích hợp vấn đề bình đẳng giới trong ứng phó với biến đổi khí hậu, qua đó góp phần giảm thiểu những tác động bất lợi của BĐKH đối với phụ nữ.