ThienNhien.Net – Khi trái đất ấm lên, việc các quốc gia đối phó với tình trạng nước biển dâng và biến đổi khí hậu không chỉ liên quan tới mức độ chịu ảnh hưởng của nước ấy, mà còn liên quan nhiều tới các yếu tố chính trị, xã hội, kinh tế…
Sau thảm họa sóng thần tháng 12 năm 2004, chính phủ Bangladesh đã áp dụng hệ thống cảnh báo bão cải tiến theo phương pháp phối hợp và tăng cường mạng lưới hỗ trợ xã hội. Kết quả là số người Banglasdesh thiệt mạng do bão trong các năm qua đã giảm đáng kể. Trong khi đó, tại nước láng giềng Myanmar, số người thiệt mạng do thiên tai thiên nhiên lại tăng lên trong những năm gần đây. Và thực tế cho thấy, trong thảm họa lốc xoáy Nargis vào năm ngoái, số người thiệt mạng lớn một phần là do chế độ độc tài Myanmar đã ngăn cản sự hỗ trợ quốc tế, khiến người dân không thể chống chọi với các thảm họa tự nhiên.
Sự tương phản rõ rệt giữa Bangladesh và Myanmar, trong khi cả hai nước cùng phải đối mặt với những đe dọa nghiêm trọng do mực nước biển dâng và bão lớn, là một ví dụ điển hình cho thấy sự khác nhau trong cách các nước đối phó với biến đổi khí hậu. Thực tế, cách đối phó khác nhau của các nước khi nhiệt độ tăng lên còn liên quan tới các yếu tố chính trị, xã hội, công nghệ và kinh tế.
Ấm lên toàn cầu là một hiện tượng mà nhân loại từ lâu đã thừa nhận, nhưng phạm vi tác động của nó là điều không thể đoán định chắc chắn. Đối phó với biến đổi khí hậu cũng là một cuộc đấu tranh sinh tồn và loài sống sót là loài thích nghi nhất. Chính vì thế chúng ta cần nhận ra yếu tố tạo nên những cộng đồng “hòa hợp với khí hậu”, và cách thức để nâng cao sự thích nghi của những cộng đồng “dễ tổn thương trước biến đổi khí hậu.”
Lẽ tất nhiên, vị trí địa lý là một yếu tố quan trọng, ví dụ những cộng đồng “hòa hợp với khí hậu” là những cộng đồng sống ở những vùng đất ít bị tổn thương do mực nước biển dâng. Tuy nhiên, bên cạnh đó, sức mạnh của một xã hội – khả năng thích nghi của nó, sự khéo léo, linh hoạt cũng như sự quản lý hiệu quả – có tác động lớn đến cách đối phó của xã hội đó đối với biến đổi khí hậu.
Theo đó, người dân sống ở các quốc gia được điều hành tốt, trong các cộng đồng có tính độc lập, trong giới hạn bền vững của các nguồn tài nguyên, có khả năng thích nghi với những tác động của biến đổi khí hậu tốt hơn.
Ở Gujarat, Ấn Độ, nơi có những ngôi làng chịu ảnh hưởng nặng nề của hạn hán, có thể nhận ra sự khác biệt giữa hai ngôi làng cách nhau chưa đầy 1km. Trong một ngôi làng nọ, người dân có ý thức và biết cách khai thác, dự trữ nước mưa; kết quả là họ thu về những mùa vàng bội thu. Ở ngôi làng cạnh đó lại khác, người dân chỉ thụ động phụ thuộc vào nguồn cung nước của chính phủ và đành phải bằng lòng với những vụ mùa èo uột.
Ở Maldives, có hòn đảo nhà cửa bị bỏ hoang và thậm chí bị cuốn trôi bởi sự sói mòn ngày càng trầm trọng do mực nước biển dâng cao, trong khi ở các hòn đảo khác, việc bảo tồn san hô và đước đã giữ an toàn cho mọi mái nhà.
Sự linh hoạt cũng là một nhân tố quan trọng trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Sự linh hoạt có thể nằm trong tinh thần sẵn sàng cho một chuyến di cư dài như người dân Belgal, vốn có nguy cơ ngập lụt cao; đó cũng có thể là sự linh hoạt như cách người nông dân Bangladesh chuyển từ trồng lúa sang nuôi tôm nhằm đối phó với tình trạng xâm mặn gia tăng.
Bên cạnh đó, quản lý hiệu quả cũng là một nhân tố quyết định trong việc tạo ra một xã hội “hòa hợp với khí hậu”. Một nền quản lý tốt sẽ loại bỏ những rào cản giúp người dân có một cuộc sống tốt hơn, được đảm bảo quyền bình đẳng về địa vị, dân tộc, tôn giáo… Chiến tranh, bạo lực hay sự sụp đổ của một chính quyền đều có thể làm suy yếu khả năng chống chọi của cộng đồng trước biến đổi khí hậu.
Đặc biệt những người dân “hòa hợp với khí hậu” có thể trở thành những người “dễ tổn thương trước khí hậu” vì những quyết định thiếu suy xét của chính phủ. Trường hợp xảy ra ở Lào có thể là một minh chứng.
Các mô hình khí hậu đã dự báo đất nước Đông Nam Á này dễ bị tổn thương do các xu hướng gió mùa trong thập kỷ tới. Song, những người dân Lào tuy nghèo khổ và lạc hậu song lại có tính độc lập rất cao, và vẫn được đánh giá là một trong những cộng đồng có khả năng thích ứng cao nhất với biến đổi khí hậu.
Khoảng 80% dân cư Lào làm nông nghiệp và ngư nghiệp. Người dân địa phương khai thác mọi thứ từ rừng, từ vật liệu xây dựng cho đến lương thực thực phẩm như thảo mộc, hoa quả, nấm… Ngoài ra, đất nước này còn sở hữu con sông Mê Kông với nguồn cung cấp cá dồi dào chiếm tới 80% dinh dưỡng trong các bữa ăn của 6,3 triệu người dân Lào.
Nếu vẫn được tiếp tục sinh sống như vậy, người dân nơi đây có điều kiện thuận lợi để đối phó với các ảnh hưởng do biến đổi khí hậu gây ra. Tuy nhiên, khả năng thích ứng với khí hậu của người dân Lào đang bị đe dọa bởi chính chính phủ của họ – những người đang bận rộn với việc bán các tài nguyên rừng, thủy điện… cho nước ngoài.
Sự quản lý hiệu quả của chính phủ bao giờ cũng đi đôi với các chính sách phát triển thông minh. Các bang của Ấn Độ như Gujarat đang bắt đầu từ bỏ những ngành nông nghiệp thiếu bền vững để chuyển sang các công nghệ “xanh”, nâng cao khả năng thích nghi với khí hậu của con người. Ở bang Andhra Pradesh của Ấn Độ, các nhà khoa học đang giúp đỡ người dân trồng những cây trồng bán khô hạn, như cây kê thay vì trồng lúa.
Một chính sách phát triển kém có thể làm suy yếu khả năng thích nghi với khí hậu. Chính sách đó có thể là sự hỗ trợ của chính phủ cho những ngành nông nghiệp thiếu bền vững như phát triển các cây trồng cần nhiều nước, hoặc cung cấp nguồn điện giá rẻ cho các máy bơm nước ngầm…
Giữ gìn một môi trường khỏe mạnh có lẽ là một trong những điểm quan trọng nhất để nâng cao khả năng đối phó với biến đổi khí hậu. Các quốc gia như Costa Rica, nơi mà môi trường được gìn giữ như một phần quan trọng của ngành du lịch, khả năng thích nghi với khí hậu tốt hơn Indonesia, Trung Quốc hay Madgascar, nơi chính phủ cho phép hoặc kiểm soát thiếu hiệu quả những hoạt động tàn phá môi trường.
Một nhân tố quan trọng trong thích nghi với môi trường là đảm bảo sự bình đẳng và bình quyền cho phụ nữ và các dân tộc thiểu số. Tác động của cơn bão Katrina tới New Orleans, đẩy hàng nghìn người dân nghèo ở thành phố vào hoàn cảnh khó khăn, là một ví dụ điển hình cho hệ quả của sự mất bình đẳng xã hội và điều hành yếu kém.
Khi khí quyển và các đại dương ấm dần lên trong thế kỷ này, các hiện tượng thiên nhiên khắc nghiệt như lũ lụt, hạn hán, sóng thần… sẽ ngày càng gia tăng. Cộng đồng thế giới có trách nhiệm đương đầu với các yếu tố kinh tế-chính trị gây nên sự dễ tổn thương của các cộng đồng có nguy cơ chịu nhiều ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu và có trách nhiệm nâng cao khả năng thích nghi của họ.
Có một điều không kém phần quan trọng là bảo vệ những người có khả năng thích nghi với khí hậu, như những người dân Lào, khỏi nguy cơ trở thành người dễ tổn thương trước biến đổi khí hậu.
Để làm được điều này cần có các hành động mạnh mẽ từ địa phương, sự quản lý hiệu quả từ chính phủ và chương trình thích nghi với khí hậu được hoạch định cẩn trọng tại các quốc gia nghèo của Châu Á, Châu Phi, và Mỹ Latin.