ThienNhien.Net – Chiều 13/11/2009, tại Trung tâm Triển lãm Nông Nghiệp Việt Nam, đã diễn ra Hội thảo: "Chăn nuôi lợn an toàn" do Cục Chăn nuôi, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư (KNKN) Quốc gia – Bộ NN&PTNT, Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp phối hợp tổ chức. Tham dự có đại diện các Sở , ban ngành liên quan và bà con nông dân 14 tỉnh trong cả nước, cùng đông đảo các cơ quan truyền thông đại chúng. Đây hoạt động nằm trong chuỗi hội thảo của Hội chợ Nông nghiệp quốc tế Agroviet 2009.
Qua báo cáo của Cục Chăn nuôi về Hiện trạng tình hình chăn nuôi lợn và các văn bản quản lý nhà nước về chăn nuôi lợn an toàn đã giúp các đại biểu tham dự hội thảo nắm được nội dung, quy trình thực hành chăn nuôi tốt cho chăn nuôi lợn an toàn tại Việt Nam, như: Thiết kế chuồng trại, cách chọn con giống và quản lý giống; vệ sinh trong chăn nuôi lợn; quản lý thức ăn, nước uống và nước vệ sinh; quản lý dịch bệnh, quản lý chất thải và bảo vệ môi trường…
Theo Trung tâm KNKN Quốc gia, chương trình khuyến nông chăn nuôi lợn hướng nạc bảo đảm vệ sinh môi trường do Trung tâm triển khai trong những năm qua tại các địa phương đã chuyển dịch mạnh mẽ phương thức chăn nuôi lợn nhỏ lẻ, phân tán trong nông hộ sang phương thức chăn nuôi tập trung, công nghiệp; giảm tỷ lệ chăn nuôi lợn theo phương thức truyền thống hiện nay từ trên 75% xuống 60% vào năm 2010 và tăng tỷ lệ lợn nái ngoại, lợn lai từ 9,6% hiện nay lên 19,2% vào năm 2010 và 26,6% vào năm 2015 (theo định hướng phát triển chăn nuôi của Bộ NN và PTNT)…
Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới thông qua việc xây dựng mô hình chăn nuôi lợn nái ngoại với hệ thống chuồng trại đảm bảo kỹ thuật, phù hợp với chăn nuôi lợn năng suất cao, bảo đảm vệ sinh môi trường. Phổ biến và nhân rộng mô hình cho các hộ chăn nuôi khác đến thăm quan, học tập và trao đổi kinh nghiệm. Đảm bảo an toàn dịch bệnh và vệ sinh an toàn thực phẩm, khống chế có hiệu quả các bệnh nguy hiểm trong chăn nuôi.
Trung tâm KNKN Quốc gia cũng đã có một số kiến nghị và đề xuất tại hội thảo về tăng mức hỗ trợ cho các chương trình khuyến nông nói chung và chương trình chăn nuôi lợn nói riêng cho phù hợp với từng vùng, miền. Định mức áp dụng cho đối tượng là người nghèo còn thấp, một số chương trình dự án có mức đầu tư cao nên số lượng hộ nghèo được tiếp cận chưa nhiều. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho việc xử lý chất thải, phòng trừ dịch bệnh trong chăn nuôi nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường và an toàn dịch bệnh…
Đặc biệt một số ý kiến tại hội thảo đều cho rằng phần lớn người chăn nuôi hiện nay là nông dân nghèo, trình độ nhận thức còn hạn chế chưa phù hợp với kỹ thuật và công nghệ chăn nuôi hiện đại, vì vậy Nhà nước nên hỗ trợ cho người chăn nuôi được đi học tập, đào tạo và tập huấn nhằm tiếp cận công nghệ chăn nuôi trong và ngoài nước trong chăn nuôi nói chung, và chăn nuôi lợn an toàn nói riêng.