Cải tạo ô nhiễm môi trường

ThienNhien.Net – Theo thống kê, sức khỏe của hơn một triệu người trên toàn cầu đang bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí, nước và đất. Các nghiên cứu cũng cho thấy khoảng 40% số người tử vong hàng năm là do ô nhiễm. Tiếp nối loạt báo cáo 10 lĩnh vực nóng hổi nhất về ô nhiễm môi trường 2008, báo cáo năm nay của Viện Blacksmith với tiêu đề World Worst Polluted Places (Những nơi ô nhiễm nhất thế giới) đã đặt mục tiêu “tạo sự hỗ trợ rộng rãi trong cộng đồng quốc tế đối với một cam kết toàn cầu nhằm loại trừ các tác động ô nhiễm tới sức khỏe ở các nước đang phát triển”. ThienNhien.Net xin được trích giới thiệu một phần báo cáo trình bày về các khó khăn, thuận lợi và các biện pháp xử lý ô nhiễm.


Khó khăn và thuận lợi trong cải tạo môi trường ô nhiễm

Vấn đề hóc búa nhất trong việc cải tạo môi trường hiện nay là xác định đối tượng phải chi trả chi phí cải tạo. Các nhà chức trách thường đặt trách nhiệm lên vai chủ sở hữu các cơ sở gây ô nhiễm song đa số các công ty này thường biện hộ rằng họ không có trách nhiệm hoặc không có khả năng chi trả. Trong trường hợp không xác định được bên gây ô nhiễm thì vấn đề còn phức tạp hơn.

Hệ thống Quỹ Superfund của Hoa Kỳ đã đưa ra một phương pháp tiếp cận rất khả thi đối với vấn đề này. Chính phủ sử dụng Quỹ này để cải thiện các khu vực ô nhiễm nghiêm trọng, song song với việc điều tra để xác định đối tượng chịu trách nhiệm gây ô nhiễm, đồng thời sử dụng công cụ pháp lý và sức ép cộng đồng để bắt họ bồi thường.

Việc chính phủ ban hành các luật định chặt chẽ và có những động thái cưỡng chế bên gây ô nhiễm phải bồi thường có thể sẽ giúp giải quyết vấn đề này.

Trong thế giới công nghiệp hoá ngày nay, các kĩ năng và công nghệ phục vụ cho việc cải tạo các dạng ô nhiễm đã được phát triển khá hoàn thiện. Quan trọng hơn, hệ thống quản lý và các chính sách khuyến khích thương mại đều đang tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy quá trình cải tạo các khu vực ô nhiễm.

Thách thức cơ bản đối với các nước đang phát triển là lựa chọn đúng đắn các bài học phù hợp và thực tiễn nhất từ các nước đi trước để áp dụng. Tất nhiên, những phương pháp như vậy không phải lúc nào cũng là giải pháp thiết thực nhưng có thể sẽ rất hiệu quả trong nhiều trường hợp.

Các phương pháp xử lý ô nhiễm độc hại

Phương pháp vật lý

Trong một số trường hợp, phương pháp che phủ là một lựa chọn thích hợp. Chẳng hạn như tại các khu vực mỏ sau khi khai thác, các vật liệu trong các hố phế phẩm có thể bị bỏ mặc cho khô rồi bị cuốn đi trong điều kiện nhiều gió, hình thành các đám mây bụi độc. Để hạn chế tình trạng này, phương pháp che phủ là một giải pháp cần thiết. Song một phương pháp đơn giản như vậy đôi khi cũng vượt quá tầm giải quyết đối với những khu vực nghèo khó.

Một số trường hợp xử lý ô nhiễm đòi hỏi quá trình thu gom và di dời các vật liệu bị ô nhiễm. Quá trình này tương đối đơn giản song vẫn cần các trang thiết bị mà địa phương thường không sẵn có hoặc không có khả năng đầu tư, chẳng hạn như thiết bị di rời đất. Một vấn đề nữa ít phổ biến hơn là việc tìm kiếm bãi thải vật liệu nhiễm bẩn.

Cải tạo sinh học

Cải tạo sinh học là một giải pháp tiềm năng trong cải tạo môi trường tại các quốc gia đang phát triển. Công nghệ này sử dụng các chất phụ trợ nhằm kích thích các vi khuẩn sinh trưởng, đẩy nhanh tốc độ phân huỷ sinh học. Việc xử lý các vùng đất nhiểm bẩn có thể thúc đẩy quá trình tái sinh tự nhiên.

Tuy nhiên, phương pháp này khá tốn kém và thường phải dùng thế phẩm sẵn có tại địa phương làm chất phụ trợ để tiết kiệm chi phí, cho dù hiệu quả sẽ bị giảm. Trong nhiều trường hợp, sử dụng phân bò pha loãng cũng là một giải pháp rất hữu hiệu.

Tích luỹ sinh học

Tích lũy sinh học là quá trình các hợp chất khó phân hủy đi vào các chuỗi thức ăn và được tích luỹ ở những bậc cao hơn. Tích luỹ sinh học kim loại nặng là một hiện tượng khá phổ biến. Hiện tượng này có lẽ được biết đến nhiều nhất ở loài cá, khi thuỷ ngân được tìm thấy trong cá ngừ và các loài ăn thịt khác. Tuy nhiên, nó chỉ xảy ra đối với các kim loại nặng như catmi được sử dụng trong các nhà máy.

Tại những khu vực có mật độ tập trung kim loại cao như các khu vực mỏ thì các loại cây lương thực như ngũ cốc cũng có nguy cơ tích tụ kim loại và trở nên nguy hại đối với người tiêu dùng. Trong một số điều kiện nhất định, việc lựa chọn loại cây trồng thích hợp trên những vùng đất thích hợp có thể giúp khắc phục vấn đề này.

Việc trồng các loại cây lương thực không dễ hấp thụ các chất độc hại trên đất ô nhiễm là điều hoàn toàn khả thi. Hoặc giải quyết theo hướng ngược lại là sử dụng các loài thực vật có khả năng hấp thụ kim loại cao để khử các chất nhiễm độc và dĩ nhiên loại cây trồng này không thể được dùng làm thức ăn.

Ngoài ra, còn một phương pháp nhằm khắc phục hiện tượng tích luỹ sinh học là nuôi giun tại các khu vực nhiễm kim loại và chất hữu cơ. Tại Ấn Độ, một dự án lớn áp dụng phương pháp này đã mang lại thành công. Phương pháp sử dụng chất xúc tác là vi trùng và một loại giun đặc biệt đã đem lại kết quả khả quan trong việc cải tạo, tăng độ phì nhiêu cho đất, đồng thời giảm đáng kể lượng kim loại nặng tích tụ.

Hệ thống đất ngập nước

Một phương pháp khác được biết đến khá nhiều là xử lý nước thải bằng hệ thống đất ngập nước. Rất nhiều hệ thống đất ngập nước nhân tạo xử lý nước thải đã được xây dựng và tỏ ra rất hiệu quả, đặc biệt là đối với các dòng chảy nhỏ.

Gần đây, thiết kế hệ thống đất ngập nước để cải thiện chất lượng nước thải chứa nồng độ kim loại cao – một phương pháp mới đầy tiềm năng đã được triển khai. Những hệ thống như vậy hoạt động nhờ sự kết hợp giữa các cơ chế sinh hoá (thay đổi độ hoà tan của kim loại) và các cơ chế vật lý (ngăn và giữ cặn). Hiệu suất cũng như tuổi thọ của hệ thống này là có hạn, tuy nhiên đây có thể là một phương pháp hiệu quả nhằm xử lý dòng chảy từ các khu vực ô nhiễm.

Tại các quốc gia nhiệt đới, mùa mưa quả thực là một thách thức đối với hệ thống đất ngập nước và các phương pháp cải tạo sinh học khác, vì lượng mưa lớn có thể tàn phá những hệ thống được thiết kế khá bền vững.

Cuối cùng, các quốc gia đang phát triển nên áp dụng bài học đi trước từ hơn 30 năm qua của các quốc gia công nghiệp trong vấn đề vệ sinh môi trường để khắc phục tình trạng ô nhiễm hiện nay.

Những nỗ lực hoạt động của viện Blacksmith cũng như các tổ chức khác trên thế giới trong suốt hơn một thập kỉ qua đã chỉ ra rằng cách tốt nhất không phải là cứ cố gắng chuyển giao những công nghệ tinh vi phức tạp và đắt tiền, mà phải đi sâu vào chuyên môn và kiến thức khoa học cập nhật nhất, kết hợp với các chuyên gia sở tại để thiết kế những ứng dụng đơn giản dễ hiểu và phù hợp.

Tất cả các phương pháp được vạch ra trên đây đều được tiến hành theo cách trên. Quá trình chuyển giao công nghệ có thể diễn ra không ổn định, nhưng kết quả đạt được lại rất bền vững vì đã được điều chỉnh thích ứng với điều kiện sở tại.

Viện Blacksmith, thành lập năm 1999 có trụ sở tại New York, Mỹ. Đây là tổ chức chuyên hỗ trợ các dự án liên quan đến ô nhiễm môi trường. Hợp tác với các tổ chức xã hội dân sự, các nhà tài trợ và các chính phủ, Viện Blacksmith cung cấp các hỗ trợ chiến lược, kỹ thuật và tài chính để giúp các địa phương giải quyết ô nhiễm.