Cần một tổ chức môi trường toàn cầu

ThienNhien.Net – Liên Hợp Quốc (UN) cần tăng cường và phối hợp các nỗ lực nhiều hơn nữa để chống lại các mối đe dọa như biến đổi khí hậu, chặt phá rừng hay khai thác thủy sản quá mức… Và để thực hiện mục tiêu này, đã đến lúc UN cần xúc tiến thành lập một tổ chức môi trường toàn cầu. Đó là ý kiến mà hai chuyên gia môi trường của Italia và Kenya đã bày tỏ trong một bài viết gần đây.


Stefania Prestigiacomo và John Michuki, hai bộ trưởng môi trường của Italia và Kenya, đồng chủ tịch Nhóm cải cách môi trường UN, cho biết hiện nay hệ thống các tổ chức môi trường thế giới đang “hoang mang” và mặc dù có những nỗ lực rất lớn, các tổ chức này lại không thể thống nhất do quá nhiều tổ chức cùng xem xét một vấn đề.

Theo họ, cần có một tổ chức môi trường trong hệ thống của UN để tạo ra sự thay đổi lớn, đồng thời sát cánh cùng các tổ chức lớn mạnh khác như Tổ chức Thương mại Thế giới và Tổ chức Y tế Thế giới.

Hai chuyên gia cho rằng những khủng hoảng môi trường toàn cầu, từ việc mất đa dạng sinh học và suy giảm rừng đến biến đổi khí hậu sẽ không thể giải quyết nếu thiếu một tổ chức quản lý thống nhất toàn cầu.

Họ không đề xuất tổ chức cụ thể nào nắm giữ vai trò này, nhưng Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) có trụ sở tại Nairobi hiện đang là tổ chức có thẩm quyền chính trong hệ thống của UN về lĩnh vực môi trường.

Thêm vào đó, Ban thư ký chống Biến đổi Khí hậu của UN ở Bonn cũng đang thực hiện những nỗ lực để chống lại sự nóng lên toàn cầu, bên cạnh Ban Thư ký bảo vệ Đa dạng sinh học ở Montreal và Ban thư ký chống Buôn bán Động vật Hoang dã ở Geneva.

Việc thống nhất các tổ chức này lại dưới một tổ chức duy nhất còn hứa hẹn sẽ cắt giảm phần lớn chi phí. Theo một nghiên cứu độc lập gần đây, ước tính chi phí của các cơ quan riêng rẽ này nhiều gấp bốn lần so với một tổ chức thống nhất.

Nhóm của Prestigiacomo và Michuki đã có cuộc gặp mặt tại Rome cuối tháng trước để bàn thảo và xem xét lại các đề xuất sẽ đệ trình lên UNEP vào đầu năm 2010.

Hồi tháng chín, thủ tướng Đức Angela Merkel và tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cũng đã gửi một bức thư tới Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-Moon bày tỏ nguyện vọng “tận dụng lực đẩy mà Copenhagen tạo ra để xúc tiến sáng kiến thành lập một Tổ chức Môi trường Thế giới”.

Những nỗ lực cải tổ cũ còn nhiều lúng túng một phần bởi những lo ngại rằng việc xem xét lại hệ thống có thể làm sao lãng những hoạt động giải quyết các vấn đề môi trường.

Năm 2007, cựu Tổng thống Pháp Jacques Chirac từng được 49 quốc gia ủng hộ cho sáng kiến về một tổ chức môi trường mới của Liên Hợp Quốc, song lại không có được đồng thuận từ Mỹ, Trung Quốc và Nga.