ThienNhien.Net – Nghệ thuật làm giấy sắc – thứ giấy lấp lánh ánh vàng son xưa chỉ dùng để vua phong bách quan, bách thần – may mắn vẫn còn được lưu giữ, nhưng nói đến tương lai của nghề này, những người trong cuộc không giấu nổi những băn khoăn.
Không nhiều người Việt Nam được tận mắt nhìn thấy giấy sắc, bởi nó có một giá trị tinh thần đặc biệt. Giấy sắc xưa chỉ được vua dùng để phong thần, hoặc phong quan tước, hay khen thưởng cho bề tôi (khi được vua dùng thì gọi là sắc phong). Những tấm sắc phong còn lại đến ngày nay, thường được cất kỹ trong các di tích như đình, chùa, đền, miếu, hoặc là tài sản đặc biệt của các gia tộc có các vị tiên liệt có công với nước, với vua.
Mang trong mình giá trị tinh thần đặc biệt, giấy sắc được làm ra cũng bởi một quy trình đặc biệt. Cách đây hơn 3 thế kỷ, Chúa Trịnh Tùng (1623-1652) đã quy định chỉ có dòng họ Lại ở Nghĩa Đô (nay thuộc quận Cầu Giấy – Hà Nội) được quyền sản xuất loại giấy vua dùng. Nguyên dòng họ Lại vừa có công với nhà chúa, vừa có người làm rể chúa Trịnh Tùng nên được hưởng đặc ân này.
Nguyên liệu để làm giấy sắc là giấy dó loại tốt. Cây dó được lấy từ vùng đất Phú Thọ về, qua nhiều quy trình phức tạp, trở thành thứ giấy có độ bền, dai. Người thợ giấy sắc dùng giấy này tiếp tục những quy trình cầu kỳ khác để tạo nên những tấm giấy sắc. Trong những quy trình phức tạp ấy, phải kể đến kỹ thuật phết keo, kỹ thuật nghè, kế đến người thợ phải khéo tay để vẽ các hình trang trí. Kỹ thuật phết keo chính là bí quyết để tạo ra những tấm giấy có độ bền hàng trăm năm.
Giấy sắc có hai loại, thứ nhất dùng để phong bách thần, loại phong bách thần lại có 3 loại khác nhau, giấy dùng cho thượng đẳng thần, hạ đẳng thần và trung đẳng thần. Loại thứ hai là giấy phong bách quan, cũng gồm 3 loại: nhất cáo sắc, nhị cáo sắc và tam cáo sắc. Mỗi loại được phân biệt bằng những hình vẽ khác nhau. Trên những tấm giấy sắc, nổi bật nhất là hình rồng ẩn hiện trong mây, cũng vì thế, nó còn được gọi là giấy long ám (rồng ẩn). Phía sau mặt giấy, tuỳ từng loại được trang trí bằng tứ linh (long, ly, quy, phượng) hay nhị linh. Giấy thường được nhuộm vàng, chất liệu để vẽ là một thứ mực đặc biệt được làm từ vàng quỳ, bạc quỳ. Những tấm giấy sắc khi hoàn thiện lấp lánh ánh vàng, ánh bạc nên thủa xưa được gọi là giấy “kim tiên”. Điều đặc biệt là giấy sắc có độ bền đến mấy trăm năm. Nhiều tấm sắc phong tìm được từ thế kỷ XVII – XVIII đến nay vẫn ánh lên nét vàng son.
Những năm trước, ông Lại Phú Bàn là người duy nhất của dòng họ Lại đất Nghĩa Đô nắm được những bí quyết này. Sau khi ông mất, nghề tổ tiên được truyền cho cô con gái Lại Thu Hà. Nói về kỹ thuật làm giấy sắc, chị Hà cho biết: “Keo để phết lên giấy được nấu từ keo da trâu, những hợp chất đi kèm và cách nấu là bí quyết của dòng họ. Khi phết keo lên giấy dó, keo sẽ ngấm vào tờ giấy khiến tờ giấy có độ bền. Tiếp đó, giấy sẽ được nghè cho phẳng và mềm. Tôi được biết hiện nay nhiều nơi cũng nhận phục chế sắc phong cổ, người nơi khác có thể có nét vẽ đẹp không kém gì họ Lại Nghĩa Đô, nhưng họ không có kỹ thuật này khiến cho tờ giấy không bền, mặt giấy không mịn như kỹ thuật của họ Lại”.
Chị Lại Thu Hà hiện là một giáo viên dạy tiếng Anh. Chị được cha truyền cho vì lúc đấy anh chị trong gia đình đều có công việc riêng, riêng cô gái út hay luẩn quẩn bên cha, nên chị đến với nghệ thuật giấy sắc bắt đầu từ việc bị ông cụ… sai vặt. Thế rồi nghề tổ tiên ngấm vào lúc nào không hay. Hiện giờ, thi thoảng các nơi bị hỏng, mất sắc phong thường tìm đến nhờ chị phục chế. Mặc dù vậy, sống bằng nghề tổ tiên là ước mơ quá xa vời, do lượng khách hàng không nhiều. Một nghịch lý là trong khi trong nước không thực sự nhiều người quan tâm, thì người nước ngoài thường hay săn đón để mua lại kỹ thuật làm giấy sắc với giá cao.
“Nghề cha ông thì chúng tôi muốn bảo tồn. Nhưng truyền nghề cho ai lại là vấn đề khác. Cái giá mà người ta đưa ra quá hấp dẫn, tôi chỉ lo sau này truyền nghề không đúng người, mình sẽ đánh mất tinh hoa của cha ông mình vào tay người nước ngoài”. Cũng theo chị Hà, từ hồi cha chị còn sống, người ta vẫn nói đến bảo tồn nghề giấy sắc như một tinh hoa dân tộc, nhưng từ đó đến nay, việc gìn giữ nghề, hoàn toàn phụ thuộc vào nỗ lực của gia đình.