Dòng gỗ lậu từ Mi-an-ma sang Trung Quốc chưa ngừng chảy

ThienNhien.Net – Mặc dù khối lượng gỗ buôn bán lậu xuyên biên giới giữa Mi-an-ma và Trung Quốc đã giảm đáng kể từ năm 2005, tuy nhiên, theo một báo cáo mới đây của Global Witness, hoạt động kinh doanh ngầm này vẫn đang lan rộng về quy mô.


“Thương mại bất hợp pháp” là bản thứ ba trong chuỗi báo cáo của Global Winess về khai thác gỗ trái phép ở Mi-an-ma, dựa trên những nghiên cứu được tiến hành trong khoảng thời gian từ 2005 đến 2009 tại bang Kachin, dọc biên giới Trung Quốc và Mi-an-ma.

Theo các nghiên cứu thực địa của tổ chức này, việc nhập khẩu gỗ súc cũng như gỗ xẻ qua biên giới đất liền từ Mi-an-ma sang Trung Quốc đã giảm hơn 70% trong các năm từ 2005 đến 2008. Tuy nhiên, 270 000 mét khối gỗ súc và 170 000 mét khối gỗ xẻ vẫn được nhập khẩu vào Côn Minh, Trung Quốc vào năm 2008, với hơn 90% là gỗ lậu.

Tình trạng buôn lậu gỗ xuyên biên giới giảm trong mấy năm gần đây được xem là kết quả khả quan nhờ việc đẩy mạnh thực thi pháp luật của Trung Quốc. Trong báo cáo của Global Witness cho biết nếu như năm 2005, cứ 7 phút lại có 1 chiếc xe tải chở 15 tấn gỗ lậu qua một trạm kiểm soát biên giới thì đến giai đoạn 2006-2007 và trong năm 2009, thỉnh thoảng mới có xe chở gỗ xuất hiện dọc theo đường biên giới.

Tuy nhiên, việc buôn lậu vẫn tiếp tục gây thiệt hại nghiêm trọng cho môi trường thiên nhiên bang Kachin – Mi-an-ma, nơi rừng vốn đã bị tàn phá và chuyển đổi thành đất canh tác.

Để tránh các trạm kiểm soát, gỗ thường được vận chuyển lén lút vào ban đêm và tài liệu thường được làm giả.

Nhiều nguồn tin còn khẳng định rằng nạn tham nhũng, ăn hối lộ đang hoành hành rộng khắp và các cơ quan thực thi pháp luật còn làm ngơ trước các vụ buôn lậu.

Jon Buckrell, trưởng Ban Chính sách Tài nguyên Rừng của Global Witness cho biết: “Những động thái dứt khoát của chính quyền Trung Quốc và Mi-an-ma trong việc chống khai thác gỗ trái phép tại bang Kachin đã có những tác động rất tích cực. Tuy nhiên, họ cần tiếp tục cố gắng hơn nữa để có thể dẹp hoàn toàn ngành công nghiệp phụ thuộc chủ yếu vào nguồn cung gỗ bất hợp pháp từ Mi-an-ma này.”

Theo nghiên cứu của Global Witness cuối năm 2006, có tới 13/14 công ty Trung Quốc cho biết họ vẫn có khả năng nhập gỗ từ Mi-an-ma qua biên giới đất liền bất chấp các hạn ngạch. Những công ty này xuất khẩu gỗ đi khắp thế giới, cho cả châu Âu và châu Mĩ.

Song đây mới chỉ là một phần của vấn đề. Điều đáng quan ngại hơn là một nửa số gỗ nhập khẩu của Trung Quốc hiện nay bị nghi là gỗ bất hợp pháp. Trung Quốc cũng là thị trường của khoảng ¼ số gỗ lậu đang lưu thông trên toàn cầu. Gỗ xuất khẩu của Trung Quốc chiếm khoảng 10% tổng lượng gỗ bất hợp pháp trên thị trường thế giới.

Nếu chính quyền Mi-an-ma và Trung Quốc không có những biện pháp mạnh mẽ và phối hợp chặt chẽ hơn trong việc ngăn chặn nạn buôn bán gỗ lậu trái phép, những kết quả đạt được rất có thể chỉ là một sự lạc quan sớm.