ThienNhien.Net – Vùng đồng bằng sông Cửu Long – vựa lúa của cả nước là khu vực dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu mà nếu không hành động ngay sẽ ảnh hưởng nặng nề tới đời sống người dân, đặc biệt là người nghèo… Theo đó, những mô hình, kịch bản, tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) đã được đưa ra thảo luận, phân tích tại Diễn đàn đầu tiên về BĐKH vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong 2 ngày (12-13/11) tại TP Cần Thơ.
Nhận diện nguy cơ
Những năm qua, nhiều nghiên cứu, khảo sát về ảnh hưởng của BĐKH đối với ĐBSCL đã được thực hiện với các kết quả đáng quan tâm đối với viễn cảnh của vùng đồng bằng này, dù rằng các kịch bản dự báo độ chắc chắn chưa cao.
Theo nghiên cứu do Viện Khí tượng, Thủy văn và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố tại Diễn đàn, số đo từ các trạm quan trắc đặt suốt từ Bắc vào Nam và số liệu vệ tinh trong 50 năm qua cho thấy, trung bình mỗi năm nước biển dâng 3mm. Đó là 1 trong 2 biểu hiện của BĐKH, bên cạnh sự nóng lên toàn cầu.
Nghiên cứu này đưa ra kịch bản vào giữa thế kỷ 21, mực nước biển có thể dâng thêm khoảng 30cm và đến cuối thế kỷ 21, có thể dâng thêm 75 cm so với thời kỳ 1980-1999. Khi đó, nhiệt độ ở nước ta có thể tăng 2-3 độ C. Theo kịch bản này, khu vực ĐBSCL có thể bị ngập 7.580 km2.
Trên góc độ khu vực, để củng cố thêm dấu hiệu của BĐKH đối với vùng đồng bằng rộng 4 triệu ha với 2,4 triệu ha đất nông nghiệp này, một nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) chỉ ra, từ năm 1951-2000, mỗi thập kỷ nhiệt độ khu vực Đông Nam Á tăng từ 0,1-0,3 độ C, mực nước biển tăng từ 1- 3 cm. Nếu không có các hành động khẩn cấp, nhiệt độ trung bình của Đông Nam Á có thể tăng 4,8 độ C, mực nước biển tăng 70cm vào năm 2100.
Cần sự hợp tác khu vực
Các chuyên gia trong nước và quốc tế đều nhất trí rằng, nếu chúng ta không sớm hành động quyết liệt thì sẽ khó khắc phục các tác động của BĐKH.
Theo ông Nguyễn Bỉnh Thìn, Chánh Văn phòng Thường trực, Phó Ban chỉ đạo Chương trình hành động thích ứng với BĐKH ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành nông nghiệp đang tiến hành quy hoạch tổng thể thủy lợi ĐBSCL, đồng bằng sông Hồng và miền Trung trong điều kiện BĐKH, xây dựng chương trình nâng cấp đê sông và đặc biệt, nghiên cứu giống lúa chịu mặn, chịu ngập.
Ông Nguyễn Xuân Hiền, Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam cho rằng, giải pháp thích ứng BĐKH vẫn còn đang ở giai đoạn khởi đầu, chúng ta cần nhanh chóng đi vào giai đoạn thực thi. “Đây là lĩnh vực cần sự tham gia, đóng góp của mọi tầng lớp xã hội”, ông bày tỏ.
Không chỉ vậy, đối với vấn đề mang tính toàn cầu này, sự tham gia phải ở tầm khu vực và quốc tế. Hiện một “Sáng kiến thích ứng” (CCAI) giữa các nước lưu vực sông Mê Kông được đề xuất và sẽ triển khai trong ít nhất 15 năm. Ông Jeremy Bird, Giám đốc điều hành Ban Thư ký Ủy ban sông Mê Kông Viên Chăn, Lào cho biết, ở Việt Nam, tỉnh Kiên Giang được lựa chọn tham gia chương trình. Từ Sáng kiến CCAI, chúng ta có thể hiểu thêm về tác động của BĐKH đối với ĐBSCL từ góc độ tổng thể trên toàn khu vực sông Mê Kông. Tại diễn đàn, ông Jeremy Bird đưa ra một thông điệp thích ứng với BĐKH, đó là “Hiện tượng toàn cầu, cộng tác khu vực, hành động địa phương”.
Ông Juzhong Zhuang, Trợ lý kinh tế cao cấp của ADB cũng đồng tình và cho rằng hợp tác khu vực là phương thức giải quyết các vấn đề xuyên biên giới một cách hiệu quả. “Tài trợ quốc tế và chuyển giao công nghệ là yếu tố quan trọng cho sự thành công của các hành động thích ứng và giảm nhẹ tác động BĐKH”, ông cho biết.
Đây cũng là mong muốn của ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Cục trưởng Cục kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp, Bộ Công Thương. Theo
ông Thanh, công nghệ “xanh” thân thiện với môi trường cần chi phí đầu tư lớn như công nghệ khai thác, sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo như gió, mặt trời, địa nhiệt… Vì vậy cần được sự hỗ trợ hơn nữa về kỹ thuật, công nghệ từ các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là các quốc gia phát triển theo tinh thần Công ước khung về BĐKH mà Việt Nam đã tham gia.
Hiện nay, có một số dự án quốc tế về thích ứng BĐKH đã và sẽ được triển khai tại Việt Nam như dự án lồng ghép giảm nhẹ rủi ro thiên tai vào các dự án đang được xây dựng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam trị giá 2 triệu USD, dự án tăng cường năng lực về khí hậu và thủy văn cho Việt Nam do Ngân hàng Thế giới tài trợ với trị giá 3,9 triệu USD…
Các chuyên gia bày tỏ tin tưởng, với các giải pháp hiệu quả vừa ngăn chặn vừa thích ứng với BĐKH, vùng ĐBSCL sẽ có sức “đề kháng” tốt hơn trước những tổn thương mà BĐKH gây ra.